Gần đây nhất, cuối tháng 8-2024, tỉ phú ngành dược của Ấn Độ đã lựa chọn Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình là nơi dành trọn kỳ nghỉ cho 4.500 nhân viên của mình. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đủ sức hấp dẫn để đón tiếp dòng khách khó chiều này.
Đến Việt Nam để thỏa mãn “cái tôi”
Theo bà Thủy Nguyễn – tổng giám đốc khách sạn Silk Path Hanoi, khách cao cấp đến Việt Nam để thỏa mãn cái tôi của chính mình. Họ sẵn sàng trả thêm cho các dịch vụ, tuy nhiên chúng ta phải chạm tới cảm xúc của họ. Cái tôi của họ chính là sở thích cá nhân.
Muốn đón được dòng khách này, việc đầu tiên cần làm là hiểu họ. Không thể dùng các sản phẩm du lịch thông thường để đón tiếp họ, toàn bộ đều phải thiết kế riêng. Mỗi vị khách đều có nhu cầu, yêu cầu riêng… Đôi khi nhiều thứ đối với mình là sang trọng, hào nhoáng nhưng đối với họ không phải vậy. Từ ẩm thực, phục vụ cho đến các dịch vụ xung quanh đều phải thỏa mãn được mong muốn, sở thích của họ.
“Việt Nam rất mong muốn thu hút dòng khách này và đang thay đổi. Người Việt Nam rất thông minh, sáng tạo và đủ sức để đón dòng khách cao cấp”, bà Thủy chia sẻ.
Báo cáo của Oxford Economics chỉ ra rằng trung bình du khách đến Đông Nam Á sẵn sàng chi trả thêm 250 USD/người/ngày để đến những điểm du lịch cung cấp trải nghiệm ẩm thực cao cấp.
Theo ông Liam Cordingley – chuyên gia kinh tế trưởng, tư vấn kinh tế, khu vực châu Á của Oxford Economics, 75% nhóm khách có mức thu nhập cao đặc biệt quan tâm đến trải nghiệm ẩm thực. Đó cũng là một tiêu chí để họ lựa chọn điểm đến.
“Trải nghiệm ẩm thực cao cấp bao gồm: sản phẩm ẩm thực chất lượng cao, thực đơn phong phú với nhiều món ngon độc đáo do các đầu bếp nổi tiếng chế biến, các lựa chọn đồ uống đa dạng từ bình dân đến cao cấp. Các dịch vụ này cần được cá nhân hóa và chuyên nghiệp”, ông Liam chia sẻ.
Cần sản phẩm du lịch hấp dẫn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Trung Hiếu – phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội – cho biết khách du lịch cao cấp là đối tượng mà ngành du lịch thủ đô hướng tới bằng cách tận dụng thế mạnh là trung tâm văn hóa lớn của cả nước và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Hà Nội có ba di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, sở hữu gần 10.000 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Chính vì vậy, các sản phẩm du lịch văn hóa vừa là thế mạnh vừa là đặc trưng thu hút du khách của Hà Nội. Ngoài các điểm tham quan, trải nghiệm văn hóa sản phẩm du lịch MICE, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại Hà Nội đang đáp ứng được nhu cầu của dòng khách này.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung thu hút, xây dựng khách sạn cao cấp 4-5 sao; nâng cấp điểm đến du lịch có chất lượng cao; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng phục vụ tốt và đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch để thúc đẩy thu hút dòng khách quốc tế phân khúc cao cấp.
Nhận định du lịch cao cấp là thị trường rất tiềm năng, mang lại nguồn doanh thu cao cho đất nước, thời gian qua Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã có nhiều hoạt động xúc tiến với thông điệp Việt Nam là điểm đến đẳng cấp, chất lượng.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh – cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, chúng ta có nguồn tài nguyên hết sức quý giá từ tài nguyên thiên nhiên đến tài nguyên văn hóa… Đó là nền tảng để chúng ta có những sản phẩm du lịch hết sức hấp dẫn, độc đáo đối với khách du lịch.
Cùng với đó, du lịch Việt Nam cũng nhận được nhiều danh hiệu do các tổ chức quốc tế bình chọn như điểm đến an toàn, hấp dẫn. Nhiều tỉ phú, nhân vật có ảnh hưởng đã chọn Việt Nam làm nơi tổ chức các sự kiện trọng đại, điều đó khẳng định Việt Nam rất có sức hút đối với dòng khách cao cấp.
“Chúng ta có đầy đủ điều kiện để đón dòng khách này từ cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành như cơ sở lưu trú, khu điểm vui chơi, giải trí, tour – tuyến, điểm tham quan du lịch, các dịch vụ bổ sung cho dòng khách này, đặc biệt là tính chuyên nghiệp khi cung cấp dịch vụ đến với khách cao cấp.
Việt Nam hoàn toàn sẵn sàng đón khách du lịch cao cấp đến Việt Nam. Tuy nhiên việc đón nguồn khách này vẫn còn khá khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt”, ông Khánh nhận định.
Để hiểu hơn về “gu” của những vị khách khó chiều này, báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo “Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam?” vào ngày 11-10 tại Hà Nội.
Đây là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch phân tích và đánh giá về chất lượng du lịch của Việt Nam so với các nước, thị trường khách du lịch cao cấp tại Việt Nam, chia sẻ những việc đã và đang làm để thu hút khách du lịch.