Vì sao cảng du lịch An Thới Phú Quốc tạm dừng khai thác hoạt động?

59
Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang vừa có thông báo cảng An Thới ở phường An Thới (TP Phú Quốc) sẽ tạm dừng khai thác. Người dân kinh doanh và các chủ tàu ca nô kinh doanh du lịch địa phương đang rơi vào thế khó.
Một góc cảng An Thới ở phường An Thới (TP Phú Quốc, Kiên Giang) - Ảnh: CHÍ CÔNG

Một góc cảng An Thới ở phường An Thới (TP Phú Quốc, Kiên Giang) – Ảnh: CHÍ CÔNG

Ngày 19-6, UBND phường An Thới (TP Phú Quốc) cho biết ông Trần Văn Tại – giám đốc Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang – vừa ký thông báo về việc tạm dừng khai thác bến cảng biển An Thới (gọi tắt cảng An Thới).

Tạm dừng khai thác để quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cảng

Theo thông báo của Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang, cảng An Thới tạm dừng khai thác từ ngày 12-6. Việc tạm dừng khai thác trên nhằm để quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cảng trên theo quy định. Đồng thời, tạm thời không cho phép tàu thuyền vào và rời bến cảng.

Trước đó ngày 18-2, Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện chấm dứt hợp đồng cho quyền khai thác cảng trên đối với liên doanh Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Namaste và Công ty cổ phần cảng Sài Gòn.

Kể từ đó cho đến khi lựa chọn đơn vị được quyền khai thác, hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án xử lý tài sản cảng trên, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ giao lại Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang quản lý tài sản cảng này.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị địa phương và các đơn vị liên quan thông báo đến các hộ dân kinh doanh biết việc tạm dừng khai thác cảng An Thới. UBND TP Phú Quốc hỗ trợ việc giữ gìn an ninh trật tự, chống lấn chiếm buôn bán kinh doanh tại cảng.

Dân kinh doanh, chủ tàu ca nô dịch vụ du lịch gặp khó

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh N.M.T. – chủ tàu ca nô kinh doanh du lịch ở Phú Quốc – chia sẻ việc tạm dừng khai thác cảng An Thới, anh T. và người dân kinh doanh nhỏ lẻ xung quanh cảng trên đã biết. Đồng thời, đơn vị quản lý cảng cũng có phương án để chủ tàu ca nô về neo đậu ở Cầu Sấu hoặc Cầu Phao ở địa phương.

Tuy nhiên, việc này sẽ phát sinh chi phí tour tuyến du lịch và làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Phú Quốc. Ngoài ra, biển ở phường An Thới cũng thất thường, gió và sóng vẫn làm ảnh hưởng đến tàu bè… neo đậu của người dân.

“Tour tuyến khách đặt trước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi chuyến ca nô đưa khách đi tham quan các đảo sẽ phát sinh thêm khoảng 700.000 đồng/chuyến chạy. Số tiền này nếu nói tính cho du khách thì không được”, anh T. phân tích.

Anh T. cho biết thêm hiện các ca nô của anh và tàu bè của người dân vẫn còn tạm neo đậu ở cảng An Thới này. Người dân mong muốn các đơn vị liên quan và địa phương có buổi họp dân để tìm ra giải pháp tốt nhất có thể, hạn chế ảnh hưởng đến du lịch Phú Quốc.

“Cảng An Thới hiện chưa có đơn vị khai thác quản lý. Biết là người dân sẽ gặp khó, tuy nhiên, để đảm bảo kiểm tra, giám sát an toàn cho người dân, đơn vị liên quan cũng đã tạm thời dừng khai thác cảng này. Đơn vị trước mắt cũng thông báo cho bà con biết, rồi sau đó sẽ tìm đến giải pháp phù hợp” ông Trần Văn Tại – giám đốc Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang – nói.

Cảng An Thới có tổng mức đầu tư 157,92 tỉ đồng. Dự án cảng trên đã hoàn thành và được nghiệm thu xong vào tháng 8-2012, với hai hạng mục chính là bến cảng 3.000 DWT và bến phao, nạo vét, phao tiêu.

Cảng này được xác định là cảng tổng hợp quốc tế với quy mô hàng hóa thông qua cảng 500.000-700.000 tấn/năm, hành khách qua cảng 360.000 lượt khách/năm.

Năm 2013 liên doanh Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Sài Gòn – Công ty cổ phần hàng hải và đầu tư phát triển Hiệp Phước đã trúng thầu khai thác cảng An Thới. Đến tháng 1-2021, Cục Hàng hải Việt Nam đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị khai thác trên vì đã vi phạm quy định.

Năm 2022 liên doanh Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Namaste và Công ty cổ phần cảng Sài Gòn đã trúng thầu khai thác cảng này với số tiền 950 tỉ đồng. Ngày 18-2-2024, Cục Hàng hải Việt Nam cũng chấm dứt hợp đồng đối với đơn vị khai thác trên.