Về với Mũi Sa Vĩ – nơi địa đầu Tổ quốc

37

Chinh phục các điểm cực của đất nước là một dấu mốc đáng tự hào đối với những người đam mê xê dịch. Ngoài 4 cực Đông, Tây, Nam, Bắc, dân phượt còn thường nhắc tới về một điểm đánh dấu địa đầu cực Đông Bắc tổ quốc – chính là mũi Sa Vĩ.

Mũi Sa Vĩ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, sở hữu những dấu ấn cực kỳ đặc biệt trên bản đồ Việt Nam. Đây chính là nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên bản đồ hình chữ S; là khởi điểm cho đường bờ biển dài 3.260km của nước ta. Nơi đây cũng kết thúc đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc kéo dài 1.406 km (bắt đầu là cột mốc số 0 tại A Pa Chải, tỉnh Điện Biên). Điều thú vị nữa là mũi Sa Vĩ còn là điểm cực Đông của miền Bắc, nơi đón ánh nắng mặt trời trên đất liền sớm nhất ở khu vực này.

Đường đến mũi Sa Vĩ

Mũi Sa Vĩ cách trung tâm thành phố Móng Cái khoảng 13km. Từ Móng Cái, bạn đi thẳng đường Trần Nhân Tông, qua ngã ba có biểu tượng du lịch Trà Cổ – Bình Ngọc rồi cứ chạy dọc theo đường Tràng Vĩ, đi đến cuối đường chính là mũi Sa Vĩ. Đường từ Móng Cái xuống Sa Vĩ khá êm, trải nhựa chạy bon bon. Hai bên đường có đoạn rừng ngập mặn trải dài xanh mướt cạnh dòng Ka Long lững lờ trôi.

Mũi Sa Vĩ

Đường đi đến mũi Sa Vĩ @Ảnh chụp Google maps.

Nếu đi từ thành phố Hạ Long theo quốc lộ 18 đến Móng Cái sẽ mất khoảng 3 tiếng rưỡi; nếu đi theo cao tốc Vân Đồn – Móng Cái chỉ còn khoảng hơn 2 tiếng.

Chiêm ngưỡng cột mốc địa đầu Tổ quốc

Mũi Sa Vĩ còn gọi là mũi Gót, nằm ở 21°29'33" vĩ độ Bắc, 108°4'5" kinh độ Đông. Vị trí này được đánh dấu bằng cột mốc tọa độ với 2 mặt ghi nội dung khác nhau. Nếu du khách đứng hướng về phía Bắc sẽ nhìn thấy mặt cột mốc ghi địa danh “Tràng Vĩ”. Nếu đứng hướng về phía Nam sẽ đối diện mặt ghi khoảng cách đến mũi Cà Mau. Chỉ bình dị như vậy nhưng khi được chạm tay vào cột mốc đặc biệt này, bạn sẽ cảm thấy sự tự hào và thiêng liêng đang lan tỏa. Thật xúc động khi khoảng cách giữa hai đầu tổ quốc dường như rút ngắn lại, dáng hình đất nước hiện ra rất gần gũi thân thương.

Mũi Sa Vĩ
Mũi Sa Vĩ

Cột mốc tọa độ mũi Sa Vĩ – dấu ấn đặc biệt trên bản đồ Việt Nam.

Cạnh đó là bức phù điêu hình ba ngọn cây phi lao xanh, còn gọi là cây dương, bên trên ghi lại câu thơ nổi tiếng “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước” khẳng định chiều dài đất nước của nhà thơ Tố Hữu.

Mũi Sa Vĩ

Phù điêu “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”.

Mũi Sa Vĩ

Vành đai biên giới ở mũi Sa Vĩ.

Từ cột mốc đi thêm tầm 20m đến cuối đường là vành đai biên giới. Dừng chân tại đây, phóng tầm mắt ra sẽ thấy bãi cát sẫm màu của biển Trà Cổ và rừng phi lao xanh mướt. Lúc thủy triều xuống, ở đây nổi lên một dải cát uốn lượn như đuôi rồng. Đó chính là nguồn gốc của tên gọi “Sa Vĩ”. Ngay trên cửa sông Bắc Luân xa xa là cột mốc 1378 nằm trên hòn Dậu Gót. Điểm đặc biệt của cột mốc 1378 không chỉ ở chỗ nằm giữa mênh mông sóng nước mà đây còn là cột mốc cuối cùng của đường biên giới Việt – Trung. Muốn đến 1378, du khách phải làm thủ tục xin phép Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Ninh, sau đó đồn biên phòng Trà Cổ sẽ sắp xếp dẫn ra thăm mốc. Tuy nhiên, vì lý do an ninh, lần đi này chúng tôi chỉ có thể ngắm cột mốc từ xa.

Mũi Sa Vĩ

Cột mốc 1378 (khoanh đỏ) nằm ở cửa sông Bắc Luân.

Những cành dương vươn mình trong gió

Gần mũi Sa Vĩ là Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ rộng đến 16.000 m2, được xây dựng từ năm 2009 đến năm 2013. Công trình mang biểu trưng tổ quốc nơi vùng biên này đã được trao giải “Sản phẩm du lịch bền vững thành thị ASEAN 2020”.

Mũi Sa Vĩ

Quang cảnh Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ.

Điểm nhấn của công trình là khu vực trung tâm mang hình tượng cây dương Trà Cổ. Loài cây này từ bao đời qua đã đứng trước gió mưa vững chãi bảo vệ Trà Cổ, nên nó được xem như đại diện cho sự bền bỉ và trường tồn của mảnh đất và con người nơi đây. Bên trong công trình là các lá dương khổng lồ cao 27m được đúc bằng bê tông vĩnh cửu, mạ một lớp kẽm trên bề mặt để có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt của Sa Vĩ. Có tổng cộng 8 lá xếp cạnh nhau thành hình tròn, màu xám mạnh mẽ vươn thẳng lên trời cao, hiên ngang trước đầu sóng ngọn gió.

Mũi Sa Vĩ

Những ngọn dương in bóng lên bầu trời xanh.

Bao quanh, che chở các lá dương là vành đai bê tông có chu vi 200m, cao 6m. Trên đó ốp sứ màu mô tả hình ảnh sinh hoạt văn hóa của Việt Nam mà chính giữa là trống đồng Đông Sơn. Trên những trụ đỡ của vành đai là hình điêu khắc chim lạc và các biểu tượng truyền thống khác. Nhìn từ xa, sự hòa quyện của các nét văn hóa Việt đã tôn lên và bảo vệ cho các lá dương, cũng chính là bảo vệ cho sự vững bền nơi địa đầu tổ quốc. Với kiến trúc đặc biệt và độc đáo này, công trình đã trở thành một trong các biểu tượng của Sa Vĩ, cùng với cột mốc tọa độ và phù điêu ngọn dương xanh.

Mũi Sa Vĩ

Trụ đỡ của vành đai bê tông được khắc các biểu tượng truyền thống của Việt Nam.

Phía trước công trình này là một quảng trường rộng có hai hàng trụ đá thẳng hướng đến khu vực cụm lá dương và hai hàng trụ đá xếp hình bán nguyệt phía sau. Đây là loại đá tự nhiên lấy từ Hoa Lư (Ninh Bình). Những trụ đá kiên cố như những người lính ngày đêm canh giữ từng tấc đất biên cương.

Mũi Sa Vĩ

Bạn có thể lên sân thượng của khu vực lá dương để quan sát toàn cảnh nơi này.

Mũi Sa Vĩ

Chèn hình tui vô để thấy riêng phần ngọn dương đã cao chừng này nè bạn.

Nhà quản lý ở đây còn chu đáo đặt nhiều ghế đá, các thiết bị vui chơi của trẻ em cho du khách mọi lứa tuổi dừng chân nghỉ ngơi. Ngay tại quầy bán vé ở cổng vào, du khách cũng có thể lựa chọn những món quà lưu niệm và đặc sản của Móng Cái.

Mũi Sa Vĩ

Quầy bán vé của Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ. Ảnh: Việt An

Xách balo lên nào bạn ơi, chắc chắn rằng mũi Sa Vĩ là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình về miền biên cương đất nước.