Về Phú Gia, thăm làng nghề nón ngựa truyền thống

57

Bình Định, kinh đô xưa của vương quốc Chămpa không chỉ có khung cảnh thiên niên tuyệt đẹp của Kỳ Co, Hòn Khô, Eo Gió, Trung Lương… mà còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa ngàn năm của các di tích Chămpa với các cụm tháp Chăm nổi tiếng, hay các loại hình nghệ thuật Tuồng, bài Chòi, võ thuật cổ truyền Tây Sơn mà còn những làng nghề truyền thống với tuổi đời hàng trăm năm.

Bình Định vốn dĩ nổi tiếng với nhiều làng nghề như: Làng dệt chiếu cói Hoài Nhơn, làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá, làng gốm Vân Sơn, làng dệt thổ cẩm Hà Ri, … trong đó phải kể đến – một trong những làng nghề đã có từ rất lâu và lưu giữ đến tận bây giờ.

 làng nghề nón ngựa Phú Gia

Cổng vào làng nghề nón ngựa Phú Gia

Làng nghề nón ngựa Phú Gia nay thuộc thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định với tuổi đời gần 400 năm.

Nón ngựa Phú Gia được nhiều người gọi là “kiệt tác” của nón lá bởi đây là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo và mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử trong suốt chiều dài phát triển từ thời vua Quang Trung tới nay. Theo lời của người dân truyền lại, ngày xưa vào thời nhà Tây Sơn, loại nón này chỉ dành cho giới có chức sắc và những người thuộc tầng lớp thượng lưu cũng như quan lại sử dụng khi ngồi trên lưng ngựa. Ngoài ra, cái tên nón ngựa còn được đặt dựa trên sự dẻo dai, bền bỉ rất phù hợp khi cưỡi ngựa. Nón ngựa biểu trưng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, khi nhắc đến nón ngựa, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh đội quân Tây Sơn thần tốc.

 làng nghề nón ngựa Phú Gia

Hình ảnh rồng, hoa mai và một số chi tiết trên chóp đồng

Mỗi mẫu hoa văn trên nón sẽ thể hiện thứ bậc của người đội trong xã hội thời bấy giờ. Chẳng hạn như người có chức vị từ xã trưởng trở lên sẽ đội nón ngựa có chụp chóp bằng đồng hay bạc chạm trổ hình dáng của long, lân, quy, phụng. Hay như giới thượng lưu, địa chủ sẽ sử dụng các loại nón có mai, cúc, trúc, tùng nhằm biểu trưng cho sự thanh tao, đài các. Ngày xưa có bài đồng dao hóm hỉnh nói về việc những người cưỡi ngựa đội nón ngựa trông rất oai:

“Thầy Chánh, nón chụp bạc, áo tam gian
Cưỡi ngựa qua làng con gái chạy te…”

Để tạo ra được một chiếc nón ngựa hoàn chỉnh, người thợ thủ công phải dụng công từ 3 đến 5 ngày hoặc nếu làm những mẫu phức tạp phải mất cả tháng để hoàn thành. Nón ngựa không giống nón lá thông thường, nón ngựa Phú Gia có kết cấu đặc biệt, quá trình để làm ra một chiếc nón ngựa sẽ rơi vào khoảng 10 công đoạn chính, trong đó công đoạn như tạo sườn mê, thắt nan sườn, lợp lá, thêu hoa văn là khó nhất. Sườn nón phải mất 1 đến 3 ngày để hoàn thành dựa vào mức độ tinh xảo hay không.

 làng nghề nón ngựa Phú Gia

Một trong những công đoạn tạo nên nón ngựa Phú Gia

Ở làng nón ngựa Phú Gia, người dân sử dụng 3 nguyên liệu chính là lá kè (lá cọ), cây giang và rễ dứa. Trong đó lá kè dùng để lợp nón, lá kè phải là lá không quá non, không già quá được tìm mua từ vùng núi Vĩnh Thạnh, Gia Lai, phải được mang đi phơi nắng rồi sấy qua lửa than sau đó lại đem đi phơi sương để lá kè có độ dẻo dai nhất định. Người thợ dùng kéo chuyên dụng có bản mỏng, lưỡi dài để cắt lá thành từng miếng nhỏ theo chiều cao nón.

 làng nghề nón ngựa Phú Gia

Lá kè dùng để lợp nón

Cây giang được sử dụng để làm phần sườn của nón ngựa, người làm nón thường phải tìm lên vùng An Tượng để chặt cây giang tươi mang về hoặc có thể tìm mua ở chợ nón lớn nhất Bình Định – chợ Nón Gò Găng. Cây giang được nạo sạch vỏ, phơi khô, chẻ thật nhỏ và đều. Những chiếc nón ngựa thường có đường kính gần 50 phân, độ xiên góc của nón rơi vào khoảng 120 độ. Rễ dứa được chọn là loại rễ cắm sâu trong đất khoảng 3 năm thì sẽ có độ bền chắc, không bị mối mọt. Rễ dứa được dùng để làm sòi và làm vành nón.

 làng nghề nón ngựa Phú Gia

Sườn nón ngựa

Với truyền thống xưa, người dân làng nghề sẽ sử dụng phần tơ của lá cây dứa sau khi ngâm nước vài ngày đem phơi để chằm nón, tuy nhiên hiện nay với sự phát triển thì sợi cước nhỏ đã được thay thế để tạo đường nét sắc sảo hơn. Chằm vào sườn nón thì chỉ chằm sẽ nằm dưới mí lá nên nhìn bên ngoài sẽ không thể thấy đường chằm, đây cũng là một công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ làm nón. Bên trong nón sẽ được những người nghệ nhân làm nón ngựa thêu hoa văn, lá, chim trĩ, long, lân, quy, phụng với nhiều màu sắc hài hòa.

 làng nghề nón ngựa Phú Gia

Hình ảnh thêu bên trong nón ngựa

Ở làng nghề nón ngựa Phú Gia, đa số người dân chằm hai loại nón ngựa, với nhiều mức giá khác nhau. Chiếc nón ngựa bình thường thì chóp để trần, trên đỉnh đính một chùm chỉ ngũ sắc phất phơ như bông hoa. Với loại nón ngựa bình thường này giá bán sẽ dao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Chiếc nón ngựa bắt mắt hơn thì trên đỉnh sẽ gắn chụp bạc hoặc đồi mồi hoặc có thể là một chụp đồng được chạm trổ tinh xảo các hình ảnh long, lân, quy, phụng.

 làng nghề nón ngựa Phú Gia

Chóp bằng bạc (bên trái) và chóp bằng da đồi mồi (bên phải)

Ngoài những chiếc nón bình thường, nghệ nhân Đỗ Văn Lan cũng đã làm những chiếc nón có kích thước lớn hơn để trưng bày hoặc mang đi tham dự các triển lãm về làng nghề thủ công mỹ nghệ toàn quốc. Nổi bật nhất là chiếc nón với đường kính 1 mét hiện được trưng bày tại không gian trưng bày các loại nón ngựa của gia đình ông. Đây cũng là chiếc nón ngựa lớn nhất Việt Nam với khoảng 1 tháng để hoàn thành.

 làng nghề nón ngựa Phú Gia

Chiếc nón ngựa có đường kính 1 mét

 làng nghề nón ngựa Phú Gia

Tủ trưng bày các công đoạn làm nón ngựa và các chiếc nón đặc biệt của nhà nghệ nhân Đỗ Văn Lan

Không dừng lại ở việc tạo ra những chiếc nón ngựa truyền thống, nghệ nhân Đỗ Văn Lan cũng thử sức với việc sáng tạo ra chiếc nón ngựa với hình dáng của một chiếc nón quai thao, tuy nhiên chiếc nón quai thao này mất thời gian hơn nhiều so với việc tạo ra một chiếc nón ngựa.

 làng nghề nón ngựa Phú Gia

Chiếc nón ngựa mang hình dáng của nón quai thao tại nhà nghệ nhân Đỗ Văn Lan

Nghệ nhân Đỗ Văn Lan, người được xem là “cao thủ” trong nghề làm nón ngựa với hơn 55 năm gắn bó với nghề khi chỉ mới 12 tuổi, ông đã được học làm nón. Vợ chồng ông vẫn miệt mài giữ lửa nghề truyền lại cho các con gái, con dâu. Ông trăn trở về việc phát triển và duy trì làng nghề bởi nhịp sống ngày càng phát triển, đời sống của người dân, nhất là những người trẻ cũng bị cuốn theo vòng xoáy của những lo toan.

 làng nghề nón ngựa Phú Gia

Vợ chồng nghệ nhân Đỗ Văn Lan, Nguyễn Thị Tâm

Tại làng nghề nón ngựa Phú Gia, bên cạnh sự nổi bật của nghề làm nón ngựa vẫn có những hộ gia đình chằm những chiếc nón lá truyền thống, hầu như những người lớn tuổi trong làng đều biết chằm nón. Quy trình để tạo ra nón lá truyền thống đơn giản hơn rất nhiều so với việc tạo ra một chiếc nón ngựa.

 làng nghề nón ngựa Phú Gia

Khung gỗ để tạo hình các nan sườn nón lá

Từ đầu cổng làng vào trong bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh một bà, một cô, một chị ngồi chằm những chiếc nón bên hiên nhà. Mặc dù nón lá cho nguồn thu nhập thấp, tuy nhiên ở vùng quê Bình Định, việc làm một công việc chủ động về thời gian như chằm nón, vừa có thời gian chăm sóc con cháu cũng giúp các bà, các mẹ bận rộn và theo như người dân nói rằng “có đổng ra đồng vào mua mắm, mua cá”.

 làng nghề nón ngựa Phú Gia

Chằm nón bên hiên nhà

là một trong những niềm tự hào của người dân Phú Gia nói riêng và người dân Bình Định nói chung. Một sản phẩm ghi dấu ấn với sự hình thành và phát triển của Bình Định, là một sản phẩm chứa đựng giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời của người dân Bình Định. Làng nghề nón ngựa Phú Gia dần trở thành một điểm đến du lịch, không chỉ mang đến sự tò mò cho du khách Việt mà còn có cả những du khách nước ngoài.