Cao điểm hè đã bắt đầu, giá vé đang ổn định
Cục Hàng không Việt Nam cho biết thời điểm hiện tại đã bắt đầu bước vào mùa cao điểm hè 2024.
Dù vậy, ghi nhận trên các đường bay nội địa, tỉ lệ đặt chỗ trong giai đoạn từ ngày 15-6 đến 15-7 vẫn ở mức trung bình thấp, các ngày cận kề có tỉ lệ đặt chỗ cao hơn song chỉ xuất hiện trên một số đường bay kết nối các điểm du lịch từ các địa phương.
Một số đường bay du lịch từ Hà Nội/TP.HCM có tỉ lệ cao hơn bình quân như Hà Nội – Quy Nhơn đạt 80,7% vào ngày 15-6 và 72,5% vào ngày 16-6. Chặng Hà Nội – Phú Quốc tỉ lệ đặt chỗ trên chuyến bay đạt 74,9% ngày 15-6, Hà Nội – Nha Trang đạt 73,3%…
Trên các đường bay theo chiều từ các địa phương đến Hà Nội và TP.HCM, tỉ lệ đặt chỗ cũng ghi nhận diễn biến tương tự, với tỉ lệ đạt bình quân mức trên 60% trong các ngày cận kề và 20 – 40% trong các ngày xa hơn.
Các đường bay từ địa phương có các điểm du lịch nổi bật cũng xuất hiện một số chặng có tỉ lệ cao hơn, như Quy Nhơn – Hà Nội đạt 89,4% ngày 15-6 và 87,5% ngày 16-6; Đồng Hới – TP.HCM đạt 82,5% ngày 15-6; 88,3% ngày 16-6.
Theo các hãng bay, tỉ lệ đặt chỗ trên chuyến bay đạt 75-90% là lý tưởng để chuyến bay có lãi.
Về giá vé máy bay, trên các trang thông tin điện tử, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá các hãng bay công bố nhiều mức giá vé. Trong đó có nhiều mức giá thấp hơn đáng kể so với mức tối đa theo quy định đối với hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa.
Đơn cử, so sánh giá vé khởi hành ngày kế cận và vào cuối tuần là ngày 15-6, trên chặng bay có tỉ lệ đặt chỗ cao như Hà Nội – Quy Nhơn, các hãng có các mức giá chưa gồm thuế, phí dao động 1,9 (Bamboo Airways) – 2,4 triệu đồng (Vietnam Airlines), tương đương 67-83% mức tối đa theo quy định (2,89 triệu đồng).
Với chặng Hà Nội – Phú Quốc, giá vé chưa gồm thuế, phí dao động 2,7 (Vietnam Airlines) – 3,4 triệu đồng (Vietjet Air), tương đương 69-87% mức tối đa theo quy định (4,0 triệu đồng).
Với các ngày khởi hành xa hơn, càng có nhiều mức giá thấp được các hãng công bố để hành khách có nhu cầu lựa chọn.
Hãng bay than ế khách khi tăng cường bay đêm
Ông Lê Hồng Hà – tổng giám đốc Vietnam Airlines – cho biết triển khai bay đêm để hạ nhiệt giá vé, song khách hàng đi lại vẫn ít.
Tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Vietnam Airlines tổ chức các chuyến bay khởi hành sau 21h và trước 6h hằng ngày trên nhiều đường bay nội địa, với mức giá khuyến mãi được đánh giá hấp dẫn.
Tuy nhiên, trong tháng 5, Vietnam Airlines đã phải hủy 10% chuyến bay đêm do không có khách.
Trở ngại của chuyến bay đêm là tuy giá vé rẻ hơn, nhưng khách hàng sẽ mất thêm 1 đêm ở khách sạn, hoặc các điểm đến chưa thể đáp ứng về hạ tầng giao thông công cộng để di chuyển vào ban đêm.
Theo doanh nghiệp du lịch, bay đêm không chỉ rủi ro trễ chuyến mà có khi đến khách sạn, lễ tân đã… đi ngủ. Ngay tại các điểm du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, ban đêm hầu như không có hoạt động vui chơi gì. Khách đến vào giờ đó chỉ để ngủ, tóm lại rất buồn chán.
Khảo sát giá bay đêm dịp hè giữa tuần trong tháng 7 chặng Hà Nội – Đà Nẵng, khởi hành 23h30 hoặc 1h-2h sáng của Vietnam Airlines và Vietjet Air là 2,4-2,5 triệu đồng/vé khứ hồi, còn tương đối nhiều.
Cùng ngày bay đó, nhưng nếu chọn giờ đẹp ở khung giờ ban ngày giá vé 3-3,3 triệu đồng, tức chỉ cao hơn 600.000 – 700.000 đồng so với việc phải thức khuya, dậy sớm đi máy bay.