Vé máy bay 24 triệu đồng 6 người, khách Hà Nội đi bằng tàu hỏa rẻ gấp 3 lần

40
Chỉ tính riêng tiền vé máy bay cho 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ chặng Hà Nội – Đà Nẵng hết gần 24 triệu đồng, trong khi mua vé tàu hỏa chỉ mất khoảng 8 triệu đồng. Gia đình chị My quyết định chuyển hướng.

Vé máy bay đắt đỏ, du khách và công ty du lịch cùng loay hoay chuyển hướng

Năm nào cũng vậy, trước đợt nghỉ lễ 30/4, chị Hà My (quận Long Biên, Hà Nội) luôn lên kế hoạch sớm để cả nhà cùng nhau đi du lịch. Mọi năm kỳ nghỉ chỉ kéo dài 2-3 ngày, gia đình thường chọn những địa điểm gần Hà Nội và tự lái xe di chuyển cho chủ động lịch trình.

Nhưng năm nay khi biết kỳ nghỉ sẽ kéo dài 5 ngày, hai vợ chồng mời thêm ông bà ngoại đi cùng. Họ dự kiến đi Đà Nẵng từ 28/4 và quay lại Hà Nội vào 2/5. Tuy nhiên khi đặt vé máy bay cho gia đình 6 thành viên (2 vợ chồng, ông bà và 2 con nhỏ 3 và 4 tuổi), chị My bất ngờ khi thấy giá tăng vọt.

Gia đình chị My mua vé tàu hết 7,9 triệu đồng cho 6 người (Ảnh: Việt Hà).

“Hai bạn nhỏ trên 2 tuổi sẽ tính vé như người lớn. Tôi xem thử vé của một hãng bay giá rẻ đi 2 chiều cho tổng cộng 6 người đã mất gần 24 triệu đồng. Nếu tính thêm chi phí ở khách sạn, ăn uống, các điểm đến tham quan sẽ tiêu tốn khoảng 40 triệu đồng. Con số này cao hơn dự kiến quá nhiều bởi trước đó gia đình từng tới Đà Nẵng du lịch nhưng mỗi người chỉ hết 4-5 triệu đồng/người cho cả chuyến đi”, chị My so sánh.

Vị khách tham khảo thêm giá vé máy bay một số hãng bay khác thậm chí còn cao hơn. Trong khi thời gian chỉ cách kỳ nghỉ lễ hơn 2 tuần, nếu khách không đặt sớm sẽ càng khó. Chị My bàn với chồng và quyết định chuyển hướng sang đi tàu hỏa.

“Ngay trong chiều 7/4, tôi đặt luôn vé tàu hỏa cho kịp thời gian. Theo quy định, trẻ em dưới 6 tuổi đi tàu hỏa được miễn phí nên hai bạn nhỏ nhà tôi đều không mất tiền vé. Ông bà ngoại trên 60 tuổi thuộc đối tượng là người cao tuổi nên giảm thêm 15%.

Cả nhà đặt vé khứ hồi nên được giảm thêm 10% nữa. Tất cả hết khoảng 7,9 triệu đồng tiền vé khứ hồi loại giường nằm mềm điều hòa khoang 4 người”, vị khách Hà Nội tiết lộ.

Du khách trải nghiệm ngồi tàu hỏa chặng Đà Nẵng – Huế (Ảnh: Hahalolo).

Nếu so sánh cùng chặng đường di chuyển, chị My tiết kiệm được 2/3 tổng chi phí đi lại. Tuy nhiên, đi tàu hỏa cũng có bất lợi là thời gian di chuyển lâu hơn (kéo dài khoảng 17 tiếng), trong khi máy bay chỉ mất 80 phút (nếu không bị hoãn hủy chuyến).

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới ví tiền của du khách, giá vé máy bay đang trở thành vấn đề nóng khiến nhiều hãng lữ hành, công ty du lịch lo sốt vó.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc công ty lữ hành ANZ, giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua đang ảnh hưởng trực tiếp tới giá tour du lịch nội địa vào dịp hè cao điểm này và là rào cản rất lớn.

“Giá vé máy bay ảnh hưởng tới 60%-70% để xây dựng tour nội địa. Ví dụ mọi năm chúng tôi làm tour ở Đà Nẵng chỉ 7 triệu đồng/khách là ổn, nhưng năm nay riêng tiền vé máy bay mất tới 4 triệu, thì xây tour rất khó làm”, ông Đạt nói.

Bà Thanh Thanh, đại diện công ty TransViet Travel nhận định, giá vé máy bay của những chặng nội địa đang trên đà tăng cao hơn chặng quốc tế. Bởi vậy, du khách Việt có xu hướng chọn du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước như đi Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan…

Theo Thông tư 34/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, từ 1/3, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000 đồng – 250.000 đồng/vé/chiều.

Cụ thể, đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều. Với đường bay có khoảng cách 850km đến dưới 1.000 km, giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều.

Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay có khoảng cách 1.280km trở lên sẽ có giá trần 4 triệu đồng/vé/chiều.

Du lịch bằng tàu hỏa là một trong những lựa chọn của hành khách dịp hàng không cao điểm và đắt đỏ (Ảnh: Hahalolo).

Phóng viên Dân trí khảo sát một trong những chặng bay nhận được sự quan tâm nhất của du khách vào các đợt lễ tết là Hà Nội – Đà Nẵng, cho thấy, giá vé trong tháng 4 của hãng Vietjet từ 1,4 triệu đồng (chưa kể thuế phí). Cũng cùng chặng này, vé máy bay của Vietnam Airlines có giá từ 2,4 triệu đồng (chưa kể thuế phí).

Trong khi đó, vẫn chặng đường này, du khách có nhiều lựa chọn nếu di chuyển bằng tàu hỏa. Cụ thể, nếu chọn ghế ngồi mềm điều hòa, giá vé từ 693.000 đồng/khách; giường nằm điều hòa khoang 6 người giá từ 915.000 đồng/khách; giường nằm điều hòa khoang 4 người giá từ 1,12 triệu đồng/khách.

Xu hướng chọn tàu hỏa lên ngôi?

Nếu như gia đình chị My chọn di chuyển bằng tàu hỏa do giá vé máy bay tăng cao thì anh Adrian Appel muốn đi tàu vì thích được trải nghiệm. Vị khách người Đức chọn tàu chất lượng cao SE19 chặng Hà Nội – Đà Nẵng, được cung cấp nhiều dịch vụ cao cấp hơn so với tàu thông thường.

Nội thất bên trong khoang tàu SE19 (Ảnh: Haraco).

“Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước vào tàu là sự gọn gàng, sạch sẽ và mọi thứ thơm tho. Tàu chạy rất đúng giờ và tôi được trải nghiệm ngắm nhìn cảnh đẹp Việt Nam qua những ô cửa sổ”, anh Adrian nói.

Cùng chung nhận định, anh Jordan Jones, du khách người Anh cho rằng tàu cao cấp được thiết kế phòng rất đẹp. Anh cùng bạn gái lựa chọn loại phòng 2 giường để có sự riêng tư.

Khi được phóng viên hỏi về lượng khách đặt vé tàu hỏa liệu có cao vọt giữa bối cảnh vé máy bay trên đà tăng nhanh, bà Phạm Thị Anh Đào, trạm trưởng trạm vận tải đường sắt Hà Nội cho biết “hiện chặng Hà Nội – Đà Nẵng hay Hà Nội – TPHCM đã bán hết vé khoang giường mềm điều hòa, chỉ còn rất ít vé ghế ngồi”.

“Do mới có thông tin dịp 30/4 và 1/5 nghỉ 5 ngày liên tục nên nhiều chặng vẫn còn chỗ như Hà Nội – Vinh hay Hà Nội – Hải Phòng, chưa xảy ra tình trạng cháy vé, hết vé. Tùy từng cung đoạn, vào dịp lễ Tết cao điểm giá vé được điều chỉnh tăng khoảng 15%”, bà Đào nói.

Theo thống kê của ngành Đường sắt, tàu Thống Nhất trong những ngày cuối tháng 3/2024 gần như kín chỗ, đặc biệt chặng Hà Nội – TPHCM. Bởi vậy, đường sắt sẽ tổ chức chạy thêm đôi tàu Thống Nhất SE11/SE12 từ ngày 28/3 đến 14/5 để phục vụ nhu cầu khách tăng cao.

Du khách tranh thủ ghi lại những giây phút chụp hình trên tàu (Ảnh: Hoàng Hạnh Nguyễn).

Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng lập thêm nhiều tàu từ TPHCM đến các thành phố du lịch Nha Trang, Quy Nhơn và ngược lại trong tháng 4/2024.

Cụ thể, tuyến TPHCM – Nha Trang, lập thêm đôi tàu SNT4/SNT5; chạy thêm tàu SE30/SE29 giữa TPHCM – Quy Nhơn và ngược lại; TPHCM – Phan Thiết chạy đôi tàu SPT1/SPT2.

Trong khi đó, tàu chất lượng cao SE19 và SE20 vẫn hoạt động hàng ngày, luôn ở tình trạng hết sạch chỗ. Bà Đào cho biết, khoảng 70% đến 80% khách nước ngoài lựa chọn loại tàu này. Dù mức chi phí cao hơn nhưng tàu sạch sẽ, đa dạng dịch vụ, nên khách vẫn lựa chọn. Theo tìm hiểu, ngồi tàu hỏa để du lịch khắp Việt Nam cũng đang trở thành xu hướng được nhiều khách nước ngoài muốn trải nghiệm.

Và chuyển hướng từ máy bay sang tàu hỏa cũng là bài toán được các công ty du lịch tính tới. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc công ty lữ hành ANZ cho rằng phương án này hoàn toàn khả quan.

“Rất nhiều công ty có quỹ cố định để tổ chức cho người lao động đi du lịch, không thể tăng cao hơn. Bởi vậy để phù hợp với điều này, chúng tôi đã có những điều chỉnh như dẫn tour đưa khách Hà Nội đi Hạ Long, Cát Bà. Khách ở TPHCM đi Vũng Tàu, Phan Thiết. Tất cả di chuyển bằng xe khách, cũng là một kiểu né vé máy bay.

Ngoài ra, phương án đi bằng đường sắt cũng khả quan. Thay vì đi máy bay, khách đi tàu hỏa giường nằm có mức phí rẻ hơn một nửa, hoặc thậm chí chỉ bằng 1/3. Tuy nhiên chúng tôi phải tính kỹ cách thức kết hợp xe đón khách ở ga rồi đưa họ tới các điểm vui chơi, lo bữa ăn cho khách trên tàu. Đương nhiên, di chuyển kiểu này cả công ty và khách đều vất vả hơn”, ông Đạt nhận định.

Về lâu dài, đại diện một công ty lữ hành ở TPHCM bày tỏ mong muốn ngành hàng không sẽ chung tay với du lịch tăng nguồn cung ứng và giảm giá bán.

“Ngoài ra, hàng không rất cần sự giám sát quản lý chặt chẽ từ các bộ ban ngành bởi đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn tới ngành kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Nếu hàng không tiếp tục tăng vé cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế vùng miền, những điểm đến đều trông chờ cả vào du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang”, vị này nêu quan điểm.

“Giá vé máy bay tăng cao không bất thường, du lịch Việt cần nhạc trưởng”

Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, giá vé máy bay ở thời điểm hiện tại tăng cao là điều không có gì bất thường.

“Hàng không cũng là một doanh nghiệp. Trong bối cảnh hậu Covid-19, doanh nghiệp gặp khó, phải tăng giá vé nhằm bù đắp lại những tổn thất trước đó là điều rất bình thường. Đây là phương án kinh doanh của hàng không, chúng ta phải sòng phẳng, không thể lên án”, ông Lương nói.

So sánh với một số nước trong khu vực, ví dụ như Thái Lan, ở thời hậu Covid-19 nước này vẫn giữ được mức giá tour thấp để hút khách. Nguyên nhân chính do Thái Lan coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên chính phủ, bộ ban ngành chung tay và vào cuộc thực sự. Chính phủ Thái Lan hỗ trợ cho hàng không để không bị lỗ, qua đó kích cầu giúp hạ nhiệt giá vé máy bay, từ đó kéo theo giá tour không bị biến động quá nhiều.

“Trong khi đó, chúng ta vẫn tồn đọng nhiều vấn đề, ngành nào biết ngành đó, địa phương nào biết địa phương đó, chưa có nhạc trưởng chỉ huy để xây dựng chính sách, chiến lược, thực thi chính sách, phát triển du lịch, chiến lược marketing… Phải có vị nhạc trưởng này giúp gắn kết các bên liên quan, thì du lịch Việt mới phát triển”, ông Lương phân tích.