Về Làng Sông thăm chủng viện trăm tuổi

46

hiện tọa lạc tại thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20km về phía Bắc. Nằm giữa những đồng lúa là một chủng viện yên bình dưới hàng cây sao lâu đời.

Chủng viện Làng Sông vốn có tiền thân là Nhà in sách Quốc ngữ vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XIX, ra đời trước nhà in của giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) và nhà in của giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội). Nhà in Làng Sông còn là một trong ba nhà in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam thời bấy giờ, do đó công trình mang tính chất văn hóa, lịch sử lâu đời đối với Bình Định nói riêng và cả Việt Nam nói chung.

Chủng viện Làng Sông

Bảng sơ lược quá trình hình thành Chủng viện Làng Sông

Nhà in Làng Sông được Đức Cha Eugène Charbonnier Trí thành lập. Chủng viện Làng Sông cũng được xây dựng cùng thời gian với Nhà in Làng Sông, Đức Giám mục Stêphanô Cuénot Thể cho thành lập Chủng viện Làng Sông sau ngày 10 tháng 08 năm 1841. Nhà in này đã bị phong trào Văn Thân đốt phá năm 1885 cùng với Tiểu Chủng viện và Tòa Giám mục. Hiện nay trên nền Nhà in cũ, Chủng viện đã cho tái thiết và xây dựng thành một phòng trưng bày các cuốn sách, hiện vật liên quan đến quá trình hoạt động của Nhà in, những cuốn sách có tuổi đời hơn 100 tuổi.

Chủng viện Làng Sông là một công trình đào tạo các chủng sinh, tu sĩ và nhà thờ thiên chúa có kiến trúc kiểu Pháp với lối thiết kế kiến trúc Gothic, một lối kiến trúc đặc trưng phương Tây trong xây dựng nhà thờ và cung điện nhà thờ hiện lên uy nghiêm pha chút gì đó cổ kính, lãng mạn, song bên cạnh đó chủng viện Làng Sông còn có những nét kiến trúc phương Đông tồn tại song song.

Trải qua nhiều lần trùng tu, thức kiến trúc của Chủng viện Làng Sông dần đa dạng và xen lẫn nhiều hình thức, phong cách khác nhau trong công trình. Từ đó làm cho người dân, du khách đến đây cảm thấy khó hiểu về phong cách thiết kế của Chủng viện Làng Sông là gì, giá trị kiến trúc của Chủng viện Làng Sông như thế nào.

Chủng viện Làng Sông

Chủng viện Làng Sông được bao quanh bởi những thửa ruộng

Chủng viện Làng Sông

Chủng viện Làng Sông nhìn từ đường tiếp cận chính

Dọc lối vào Chủng viện là hai hàng cây sao trải qua hơn 100 năm tồn tại, 14 cây Sao ngay trục đường dẫn từ cổng chính vào đến Nhà Nguyện là một di sản quý giá của Chủng viện Làng Sông, là nhân chứng lịch sử hình thành và phát triển của nơi đây. Ma sơ Liên, người đang sống và làm việc tại Chủng viện cho rằng: “Không ai có thể khẳng định được lý do nào để các Linh mục xưa trồng số lượng cây như vậy, tuy nhiên trong Kinh Thánh thì con số 14 hay con số 7 đều được được người Công giáo đặc biệt quan tâm bởi quan niệm những số này thường được đi đôi với những vật rất Thánh, đặc biệt số 7 là một số được xem là hoàn hảo trong Kinh Thánh” của người Công giáo.

Chủng viện Làng Sông

Hàng cây sao trăm tuổi

Mặt đứng hướng Nam (mặt chính) của Nhà nguyện Chủng viện Làng Sông được thiết kế theo phong cách kiến trúc nhà thờ Châu Âu. Rõ nét nhất là kiến trúc Gothic, tuân theo những chế định nhất định. Kiến trúc Gothic xuất hiện và phát triển từ thế kỷ XII đến giữa thế ký XVI trong bối cảnh thịnh vượng của xã hội và Công giáo. Từ dưới lên trên được chia làm ba phần: Phần dưới cùng là hốc cửa sâu, phần giữa ở chính giữa cửa sổ tròn được tô điểm bằng những bông hoa hồng (còn được gọi là cửa sổ hoa hồng), phần trên cùng là hành lang.

Chủng viện Làng Sông

Nhà nguyện Làng Sông

Chủng viện Làng Sông

Nhà nguyện Chủng viện Làng Sông nhìn từ cổng

Cửa sổ hoa hồng thường được sử dụng cho những cửa sổ được tìm thấy trong các nhà thờ Gothic. Tên tiếng Anh là “rose window” hoặc “wheel window”. Cửa sổ hoa hồng còn được gọi là “cửa sổ Catherine” lấy theo tên của Thánh Catherine của Alexandria – người bị kết án hành hình trên một bánh xe gãy có gai. Gọi là "cửa sổ" nhưng hầu như chúng không có cánh cửa, và xét theo kiến trúc đương đại thì chúng chính là những kiểu gạch hoa gió dùng để trang trí, lấy ánh sáng và làm thông thoáng cho công trình.

Chủng viện Làng Sông

Chi tiết bên ngoài Nhà nguyện

Có thể thấy, kiến trúc Nhà nguyện Chủng viện Làng Sông mang đậm phong cách kiến trúc Gothic thông qua các chi tiết xuất hiện trên mặt tiền, tuy nhiên phong cách này có sự pha trộn một chút phong cách Kiến trúc Hồi giáo (Islamic Architecture) và một chút phong cách Kiến trúc Romanesque (Romanesque Architecture). Các công trình có sự pha trộn này thường được gọi là các công trình mang phong cách Gothic Venice (Venetian Gothic). Đây là một thuật ngữ được sử dụng cho hình thức kiến trúc Gothic Ý đặc trưng của Venice vào khoảng thế kỷ XIII, được phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XIV.

Chủng viện Làng Sông

Cửa vòm Nhà nguyện

Vật liệu được giữ lâu nhất tại Chủng viện Làng Sông là hệ kết cấu gỗ trong Nhà nguyện. Các cánh cửa của Nhà nguyện cùng với những họa tiết được điêu khắc tỉ mỉ khéo léo cũng là một phần giúp cho kiến trúc Chủng viện thêm đặc sắc. Tuy các hoa văn không quá cầu kỳ như các công trình khác nhưng có thể thấy tay nghề của các người thợ điêu khắc lúc bấy giờ khá tốt. Tay nghề của những người thợ mộc lành nghề đến từ Bình Định đã được kiểm chứng thông qua những gì các người thợ đã xây dựng và để lại tại Nhà thờ Chính tòa Kon Tum. Theo lời Linh mục Phêrô Nguyễn Quang Báu thì số gỗ này được mua ở Ninh Hòa, Khánh Hòa. Gỗ ngoài dùng làm cửa đi, cửa sổ, các cột chịu lựa trong Nhà nguyện còn được dùng làm rui, mè lợp ngói.

Chủng viện Làng Sông

Bên trong Nhà nguyện

Tiếp đó sẽ là hai dãy nhà được xây theo phong cách kiến trúc Tiền thực dân vào năm 1927, phục vụ cho việc học tập, nghỉ ngơi, tiếp đón khách tham quan của Chủng viện. Với dãy hành lang chạy dài và các cuốn vòm dạng ba tâm, dạng vòm được thấy trong kiến trúc vào cuối thời kỳ Kiến trúc Gothic và được lan rộng ra đến thời kỳ Phục Hưng.

Chủng viện Làng Sông

Cuốn vòm ở dãy nhà hai tầng bên cạnh Nhà nguyện

Chủng viện Làng Sông

Dãy nhà hai tầng với các vòm cuốn dọc theo hành lang

Chủng viện Làng Sông

Hàng lang chạy dọc dãy nhà hai tầng

Chủng viện Làng Sông được xem như là nơi lưu giữ một phần ký ức của người Công giáo tại Bình Định, Chủng viện Làng Sông mang trong đó những di sản văn hóa phi vật thể có giá trị về mặt văn hóa, xã hội. Chủng viện Làng Sông chứa đựng những tri thức của các bậc tiền nhân đã tích lũy qua quá trình truyền giáo của mình cũng như những sự giao thoa văn hóa để phù hợp với nơi mà Chủng viện được xây dựng – Làng Sông. Chùng viện Làng Sông là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực: kiến trúc, điêu khắc, xây dựng, … đã thể hiện óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của tiền nhân. Chủng viện Làng Sông là một loại hình công trình của nghệ thuật thánh, nghĩa là nghệ thuật có hàm chứa chiều kích thánh thiêng nhằm phục vụ việc thờ phụng, ngoài ra còn là nơi đào tạo các Chủng sinh, do đó đây cũng là công trình chứa một giá trị giáo dục rất lớn đối với đạo Công giáo.

Chủng viện Làng Sông

Hoàng hôn xuống tạo nên không gian cực lãng mạn

Về tên gọi Làng Sông, theo những người dân ở đây kể lại, trước kia xung quanh là ruộng đồng, sông nước nên họ đặt tên là Làng Sông, tuy nhiên có một thời gian vì ảnh hưởng của phát âm địa phương nên nhiều người đã gọi là Lòng Sông, do đó khi tìm hiểu về nơi này mọi người sẽ được nghe về hai cái tên là Chủng viện Lòng Sông hoặc Chủng viện Làng Sông. Nhưng trên các văn bản từ xưa đến nay, tên Làng Sông là tên được phổ biến rộng rãi nhất.

Đến với Chủng viện Làng Sông, du khách sẽ được tận mắt cảm nhận vẻ bình yên của một công trình trăm tuổi nằm giữa những ruộng lúa xanh rì, sẽ là một nơi ghé đến rất khác khi nhắc đến Bình Định.