Tuyệt đẹp đường lên Tây Giang

63

Huyện Tây Giang tổ chức Lễ hội văn hóa Cơ Tu, Lữ Phong không bỏ lỡ dịp vi vu lên vùng rừng núi đặc sắc này. Vì kết hợp công việc, nên Lữ Phong bay ra Đà Nẵng tối hôm trước, rồi mượn ngựa sắt của một vị bằng hữu để đi lên Tây Giang từ tờ mờ sáng hôm sau. Hành trình từ Đà Nẵng lên Tây Giang, chỉ có thể nói rằng: tuyệt đẹp.

Đà Nẵng – Prao: đường đèo mây mù buổi sớm

Lữ Phong rời Đà Nẵng khi mới hơn 4g sáng, thành phố còn đang ngủ, tất cả đèn đường đều đang bật sáng, không khí ngoài đường khá lạnh. Một người một ngựa cắm cúi mải miết trên đường đêm, theo trục đường Bà Nà – Suối Mơ, rồi rẽ ngoằn nghoèo trong những con đường làng ở Hòa Nhơn để ra QL14G tại khu vực chợ Hòa Phú. Làng mạc buổi tinh mơ còn chìm trong giấc ngủ, xe chạy vụt qua, bọn chó lao xao ghếch mõm sủa theo mãi không thôi.

QL14G uốn quanh co theo sườn những dãy núi trải dài, đen thẫm trong bóng tối. Lữ Phong chăm chú căng mắt lái con ngựa sắt, bởi ánh đèn của nó không được sáng. Cũng may ánh bình minh đã lóe dần sau mấy khúc cong, bầu trời phía Đông hừng lên một sắc màu kỳ diệu.

đường lên Tây Giang

Bình minh đang dần hừng lên trên QL14G

Khi Lữ Phong đi qua khỏi cổng chào vào đất huyện Đông Giang, liếc đồng hồ đã 5g30, núi đồi hai bên đường bắt đầu nhìn rõ dần màu xanh mướt mắt, ánh bình minh khuất sau sườn núi hắt những quầng sáng vàng lên nền trời xanh trong như ngọc, làm những áng mây trắng lơ lửng cũng vàng rực lên theo, và ánh sáng đầu ngày cũng tố cáo những dải mây mỏng đang lười nhác ngủ cố trên sườn núi – thật là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

đường lên Tây Giang

Nắng sớm làm những áng mây rực lên trên nền trời xanh

Lúc trời còn tối, lo cắm đầu chạy mà cứ thấy chậm, nào ngờ khi trời sáng thì lại chạy chậm hơn, chỉ vì phong cảnh quá đẹp trong buổi sớm.

đường lên Tây Giang

Cảnh đẹp thế này, không đi được nhanh cũng phải.

đường lên Tây Giang

Cầu sông Vàng (xã Ba, huyện Đông Giang) mờ ảo trong sương sớm

đường lên Tây Giang

Núi non, ruộng đồng và cả bầu trời mờ mịt trong màn sương buổi sớm vùng cao

Lữ Phong la cà ở khu vực cầu sông Vàng, xã Ba, huyện Đông Giang lâu quá, vì ở khu vực này chợt có sương mù mờ ảo bao phủ, khiến cảnh sắc trở nên đẹp không thể dời bước mà đi. Cảnh tượng bình minh le lói trong một màn sương mù dày đặc, khiến nơi hẻo lánh ít người qua lại này chợt trở nên đẹp không kém bất cứ nơi nào khác. Tuy nhiên Lữ Phong thực tế cũng có việc phải xử lý, nên không phải thích la cà thế nào cũng được – y đã phải xuất phát từ hơn 4g sáng là vì biết chắc thế nào cũng bị la cà trên đường như thế này.

Qua khỏi khu vực sương mù ở cầu sông Vàng, Lữ Phong cắm cúi phóng, hạ quyết tâm không la cà nữa, vì đường còn xa, và còn nhiều cảnh đẹp. 7g sáng, Lữ Phong ra tới giao lộ giữa QL14G với QL14 ở ngay thị trấn Prao, thủ phủ huyện Đông Giang.

đường lên Tây Giang

Prao vừa thức giấc, mây còn chưa tan hết trên sườn núi.

Prao – ngã ba Tây Giang: Đường Hồ Chí Minh (QL14)

Từ Prao lên đến trung tâm huyện Tây Giang chỉ còn hơn 30km nữa, nên Lữ Phong tự cho mình tấp vào một quán cafe bên lề đường ở trung tâm thị trấn Prao để nhâm nhi tách cafe cho tỉnh táo. Nói thế thôi, chứ từ lúc xuất phát y đã phải rất tỉnh táo rồi. Tỉnh táo để lái xe trên đường đêm hun hút, lúc nào cũng có cảm giác lạnh lạnh sau lưng; tỉnh như sáo khi ánh bình minh vẽ lên một bức tranh tuyệt sắc trên QL14G, và đến Prao thì… quá tỉnh rồi.

Nhưng “nhâm nhi tách cafe cho tỉnh” nó lại làm y “tỉnh” ra theo kiểu khác. Lúc trước đó là tỉnh để hành động, còn bây giờ là tỉnh kiểu lười nhác, hưởng thụ. Đến bọn mây còn lười nhác nằm ườn trên sườn núi ở Đông Giang thế kia, Lữ Phong cũng cho mình ngả ngốn lười nhác ngắm chúng trong lúc thưởng thức tách cafe sớm chứ.

đường lên Tây Giang

Đường Hồ Chí Minh (QL14) từ Prao đi ra phía Bắc, chạy cặp theo sông A Vương

Vừa lười nhác nhâm nhi cafe ngắm mây lãng đãng trên sườn núi xanh ở Prao, Lữ Phong vừa mở bản đồ nghía lại đoạn đường còn lại mà y sắp đi, thấy ngoằn nghoèo những đèo dốc liên miên, cơn lười nhác của y kết thúc. Mặc dù chỉ còn hơn 30km và 10g mới đến giờ hẹn ở Tây Giang, nhưng nhìn cung đường uốn lượn trên bản đồ mê quá, lo lại la cà hết cả thời gian. Thế là mới hơn 7g30, Lữ Phong lại lật đật leo lên con ngựa sắt rời khỏi thị trấn Prao hướng ra phía Bắc.

Từ Prao đi lên, đường Hồ Chí Minh chạy cặp với sông A Vương bên cạnh. Sông A Vương là con sông nổi tiếng ở vùng Đông Giang – Tây Giang (huyện Hiên cũ) bắt nguồn từ trên vùng núi Tây Giang, chảy xuôi xuống Đông Giang, mang trên mình nhiều công trình thủy điện lớn nhỏ.

đường lên Tây Giang

Một khu mộ ở ven đường, ngay khúc cua vắng

đường lên Tây Giang

Một gốc cây với những chồi non màu đỏ, ánh lên trong nắng.

Thỉnh thoảng lại xuất hiện ven đường một cụm vài ngôi mộ tập trung, nếu đi qua đây lúc sớm tinh mơ hay buổi nhập nhoạng tối, chắc nhiều người cảm thấy … bồn chồn.

Lại có những khúc cua mà sườn núi che khuất ánh mặt trời, khiến không khí trở nên mát lạnh, nhưng nhìn phía trước lại lấp lánh ánh nắng trên những cội cây cao ở ngay góc cua, nhất là những cái cây đầy chồi non màu phớt đỏ, càng rực lên trong nắng.

Qua khỏi cầu A Vương trên đường Hồ Chí Minh, sông A Vương rẽ về phía Tây – đúng ra Lữ Phong đang đi ngược dòng A Vương từ Prao lên, phải nói chính xác là thượng nguồn sông A Vương từ phía Tây đổ xuống, gặp đường Hồ Chí Minh tại cầu A Vương. Nhưng thôi, đại khái là như thế. Cảnh thì đẹp, lo ngắm đã chứ nhỉ.

đường lên Tây Giang

Ngã ba Tây Giang

Qua khỏi Prao được 19km, cổng chào ngã ba Tây Giang hiện ra bên trái đường, từ đây đường ĐT606 nối từ đường Hồ Chí Minh vào trung tâm huyện Tây Giang, vượt rừng núi Tây Giang sang tới biên giới tỉnh Sekong của Lào.

Đường ĐT606 vào trung tâm huyện Tây Giang

Từ ngã ba Tây Giang vào tới trung tâm huyện Tây Giang chỉ còn gần 15km. Thực ra Lữ Phong cũng đã từng một mình một ngựa lên Tây Giang cách đây nhiều năm, để ghé thăm một vị bằng hữu đang sinh sống và giảng dạy phổ thông ở thị trấn vùng cao này, nhưng hôm đó là một buổi chiều mưa dày hạt, và đường ĐT606 khi ấy rất xấu, chỉ lo cắm mặt nhìn xuống đường mới chạy xe được, không ngẩng được lên mà ngắm xung quanh.

đường lên Tây Giang

Đường ĐT606 kết nối trục đường Hồ Chí Minh với trung tâm huyện Tây Giang

đường lên Tây Giang

Một khúc đèo cua gấp trên đường ĐT606

đường lên Tây Giang

Đường đèo lấp ló sau khóm hoa dại ven đường

đường lên Tây Giang

Tượng đài Di tích lịch sử Tây Giang trên một ngọn đồi ngay cửa ngõ thị trấn

Cứ thấy chỗ nào đẹp, Lữ Phong lại tấp ngựa ven đường, loay hoay ngắm – chụp. May quá, y vào đến trung tâm huyện khi mới hơn 9g một chút, vẫn kịp … uống một cữ cafe với vị bằng hữu năm xưa vẫn đang dạy học ở nơi này.

đường lên Tây Giang

Toàn cảnh trung tâm huyện Tây Giang

Trở lại sau nhiều năm, trung tâm Tây Giang khang trang hơn xưa rất nhiều, đường ĐT606 đoạn qua thị trấn được mở thành đường đôi to rộng thênh thang – là một trong hai trục đường chính của thị trấn. Các trụ sở hành chính của huyện cũng đều đã được xây dựng to đẹp từ lâu, rõ ra dáng một đô thị vùng cao đang phát triển, khác hẳn năm xưa.

Một con đường đôi to rộng khác được mở vuông góc với đường ĐT606 – đường số 3, đường trục trung tâm thứ hai ở thị trấn – chạy thẳng vào quảng trường trung tâm. Phía sau quảng trường, trên một ngọn đồi thấp bên bờ sông A Vương, là “Làng truyền thống Cơ Tu”.

đường lên Tây Giang

Quảng trường trung tâm Tây Giang, phía xa trên đồi là Làng truyền thống Cơ Tu

đường lên Tây Giang

Từ Làng truyền thống Cơ Tu nhìn xuống trung tâm Tây Giang

Xong công việc, Lữ Phong liên hệ tụ tập với các bằng hữu cũng đã tụ về Tây Giang tham gia Lễ hội văn hóa Cơ Tu với lễ chính sẽ diễn ra vào ngày hôm sau.

Lễ hội ấy cũng rất hay, mang đậm nét truyền thống văn hóa của người Cơ Tu. Lữ Phong nhất định sẽ kể lại với các bạn trong một bài khác, bởi câu chuyện về vẻ đẹp của đường lên Tây Giang cũng đã dài rồi, mà y vẫn còn luyến tiếc những hình ảnh đẹp dọc đường từ Đà Nẵng lên Tây Giang đấy.