Ngày 10/7, một video được lan truyền trên mạng về hành vi của du khách cho hà mã ăn túi nilon khiến mọi người không khỏi phẫn nộ.
Đoạn clip được ghi lại ở công viên Safari Tây Java, Indonesia trong lúc một chiếc ô tô đang chở nhóm du khách đi tham quan các chuồng.
Theo nội dung đoạn video, một con hà mã ngâm mình dưới nước đang há miệng để đón củ cà rốt do một du khách ném cho nó. Tuy nhiên, một du khách khác ngồi trên xe đã ném túi nilon vào miệng con vật. Chú hà mã nghĩ đó là thức ăn nên nhai một cách ngon lành.
Nhiều cư dân mạng bày tỏ sự lên án đối với hành vi cho động vật ăn túi nilon. Hiện, ban quản lý công viên Safari nói trên đang truy tìm du khách đã có hành động không thể chấp nhận.
“Tôi đề nghị phải bỏ tù du khách không yêu quý động vật này”, một cư dân mạng bình luận.
“Tôi hy vọng anh ta sẽ bị bắt giữ. Hành động của anh ta có thể giết chết con hà mã”, một người khác nêu ý kiến.
Ban quản lý đã tiến hành trích xuất camera an ninh gắn trong công viên để truy tìm người ném nilon cho hà mã ăn. Video trích xuất còn cho thấy, du khách có hành động không đẹp trước đó đã bị nhắc nhở vì mở cửa ô tô nhiều lần khi ở gần chuồng hổ.
“Chúng tôi đã xác định được biển số xe chở các du khách. Ban quản lý sẽ yêu cầu nam du khách xin lỗi để những người khác rút ra bài học về tuân thủ các quy định của công viên Safari tại Indonesia”, ban quản lý cho hay.
Sau sự việc, chú hà mã đã được đưa đi kiểm tra sức khỏe, kết quả cho thấy bình thường. Tuy nhiên, các loài vật được nuôi trong công viên vẫn được bảo vệ theo Luật Bảo vệ Động vật Hoang dã. Cho nên, việc du khách hành hạ, ngược đãi chúng có thể bị xử phạt theo pháp luật.
Rác thải nhựa trong đó có túi nilon rất khó phân hủy, thời gian có thể lên đến hàng triệu năm. Chúng không chỉ ảnh hưởng môi trường sống của con người mà cả động vật.
Hiện, nhiều loài động vật cũng như sinh vật biển đã ăn rác thải nhựa trong quá trình tìm kiếm thức ăn. Chúng không hề biết rác thải nhựa là vật có hại. Rác thải nhựa sau khi đi vào cơ thể động vật có thể làm ảnh hưởng thành ruột, tắc nghẽn hệ tiêu hóa thậm chí dẫn đến tử vong. Điều này đặt ra vấn đề cấp bách trong việc hạn chế rác thải nhựa, nhằm bảo vệ môi trường và các loài động vật.