Trung Quốc nhận kim chi là của mình, Hàn Quốc phản bác quyết liệt

54
"Cuộc chiến" để xác nhận quốc gia là quê hương của món kim chi khiến cộng đồng mạng Trung Quốc – Hàn Quốc xảy ra những tranh luận nảy lửa.

“Cuộc chiến” với món kim chi  

Kim chi đang trở thành chủ đề gây nhiều tranh cãi khi cuộc tranh luận chưa có hồi kết xảy ra giữa cộng đồng mạng 2 nước Trung Quốc – Hàn Quốc đều nhận đây là món ăn của nước mình.

Mới đây, cư dân mạng Hàn Quốc yêu cầu đòi đổi từ tiếng Trung dùng để chỉ món cải thảo lên men cay “la bai cai” thành “xinqi” nhằm phản ánh đúng bản sắc văn hóa của mình.

Lễ hội muối kim chi ở Hàn Quốc (Ảnh: Yonhap).

Tuy nhiên lời kêu gọi này đã gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Thậm chí có người cho rằng cần ngừng xuất khẩu cải thảo từ Trung Quốc sang Hàn Quốc.

Từ lâu, kim chi đã trở thành món ăn được ví như “quốc hồn quốc túy” của Hàn Quốc. Món ăn được làm từ cải thảo lên men ủ bằng ớt bột, muối cùng nhiều loại nguyên liệu. Khi đủ độ chua cay, kim chi được phục vụ trong hầu hết các bữa ăn tại Hàn Quốc, đóng vai trò quan trọng với nền ẩm thực của quốc gia này.

Tại các nước châu Á, món ăn tương tự như kim chi cũng rất phổ biến với nhiều tên gọi như “la bai cai” hay “pao cai”.

Trên thực tế, cuộc tranh cãi này nổi lên từ một chương trình thực tế của Netflix với tên gọi “Super-Rich in Korea”, ra mắt hồi tháng 5 vừa qua.

Nội dung chương trình giới thiệu lối sống xa hoa của những cá nhân giàu có đến từ Singapore, Italia và Pakistan đang sống ở Hàn Quốc.

Một kiểu “pao cai” ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (Ảnh: Mala Market).

Trong tập 6, khi các nhân vật đang chuẩn bị món kim chi thì phụ đề tiếng Trung lại dịch là “la bai cai” dẫn tới sự phản đối từ người Hàn Quốc.

Người dân Hàn Quốc lập luận rằng, bản dịch này theo chiều hướng văn hóa Trung Quốc nên họ đã lập nhóm kiến nghị trực tuyến, yêu cầu Netflix sửa lại phụ đề.

Giáo sư Seo Kyung-duk đến từ Đại học Nữ Sungshin ở thủ đô Seoul cho biết, ông đã gửi thư cho Netflix, yêu cầu họ khắc phục sai sót nhằm “ngăn khán giả toàn cầu hiểu lầm về lịch sử và văn hóa Hàn Quốc”.

Trả lời vấn đề này, đại diện của Netflix giải thích rằng, từ “la bai cai” trong phụ đề được lựa chọn để dịch cho món kim chi vì nó quen thuộc với những người nói tiếng Hoa ở nước ngoài.

Những tranh cãi của Trung Quốc, Hàn Quốc liên quan tới món kim chi không phải là chuyện mới xảy ra. Trước đó trong cuộc họp báo hồi tháng 1/2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh từng đề cập tới vấn đề này.

“Rau lên men không phải chỉ có ở một số quốc gia và khu vực. Tại Trung Quốc nó được gọi là pao cai. Trong khi ở bán đảo Triều Tiên hay trong cộng đồng dân tộc Hàn Quốc tại Trung Quốc, món ăn này gọi là kim chi.

Dù có những điểm tương đồng nhưng chúng khác nhau về thành phần, hương vị và phương pháp chế biến”, người đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng.

Bà Hoa Xuân Oánh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “duy trì trao đổi học thuật thân thiện” về các chủ đề ẩm thực, món ăn, đồng thời kêu gọi các bên tránh những thành kiến có thể dẫn tới xung đột.

Kim chi đã trở thành món ăn quen thuộc với du khách khi tới Hàn Quốc (Ảnh: SCMP).

Theo báo cáo của Viện kim chi Thế giới năm 2016, khoảng 89,9% thực phẩm làm món kim chi mà các nhà hàng Hàn Quốc mua được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Sự thật này càng khiến làn sóng phẫn nộ từ người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc.

“Hàn Quốc thật kỳ lạ. Họ nhập cải thảo từ Trung Quốc nhưng lại tuyên bố kim chi là đặc sản của riêng mình”, một tài khoản đưa ra ý kiến.

Bằng chứng để công nhận

Năm 2013, cách muối kim chi của Hàn Quốc được UNESCO xếp vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể. Theo cách truyền thống, các loại rau củ (phổ biến nhất là cải thảo) được rửa sạch, ngâm muối rồi thêm gia vị tỏi ớt, bột ớt, lá hẹ, bột gạo cho lên men rồi xếp vào lọ đất sét, đặt ở nơi thoáng khí.

Trong khi đó, vào tháng 12/2020, Trung Quốc nhận được chứng nhận từ Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) cho “pao cai” là món dưa muối có xuất xứ từ Tứ Xuyên, tỉnh nằm ở phía tây nam nước này.

Đại diện của ISO cho biết, tổ chức này dựa trên các tiêu chuẩn và không bình luận về thực phẩm, di sản văn hóa.