Trung Quốc chính thức gia nhập đường đua du lịch vũ trụ
Ngành du lịch vũ trụ đang trở thành mục tiêu mới của Trung Quốc khi công ty Deep Blue Aerospace có trụ sở tại tỉnh Giang Tô hôm 24/10 công bố kế hoạch đưa du khách vào không gian cận quỹ đạo từ năm 2027.
Trong buổi phát trực tiếp, 2 vé trong tour du hành vũ trụ do Deep Blue Aerospace tung ra lập tức có khách chốt cọc xuống tiền nhanh chóng.
Khoảng 3 triệu người đã theo dõi chương trình phát sóng trên nền tảng mua sắm Taobao của công ty Deep Blue Aerospace. Đây là lần đầu tiên một công ty Trung Quốc rao bán vé du lịch vũ trụ công khai. Danh tính của 2 vị khách không được tiết lộ.
Deep Blue Aerospace là một trong những công ty vũ trụ thương mại tiên phong của Trung Quốc phát triển tên lửa nhằm thúc đẩy các kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh về không gian vũ trụ.
Trong đó bao gồm việc xây dựng các chòm sao vệ tinh nhằm cạnh tranh với Starlink của công ty SpaceX (Mỹ). Đây cũng là mục tiêu Trung Quốc muốn trở thành cường quốc vũ trụ sánh ngang với Mỹ.
Giá vé cho mỗi chuyến bay dự kiến khoảng 1,5 triệu tệ (5,3 tỷ đồng). Người mua khi đặt vé phải chốt luôn khoản cọc 50.000 tệ (180 triệu đồng).
Với mức giá này, du khách được mô tả sẽ nhận được “nhiều hơn là trải nghiệm cảm giác không trọng lượng ngắn ngủi”. Du khách sẽ trải nghiệm sự rộng lớn và bí ẩn của vũ trụ, tận mắt chứng kiến cảnh quan ngoài trái đất. Đại diện công ty chia sẻ “đây là chuyến du hành đa giác quan khiến người tham gia cả đời không quên”.
Chuyến bay sẽ vượt qua bầu khí quyển để tiến tới rìa không gian dù không đi vào quỹ đạo. Ít nhất 5 hành khách trong chuyến đi này được trải nghiệm cảm giác không trọng lượng.
Nếu du khách mua tour qua Taobao, giá vé giảm xuống còn 1 triệu tệ (3,5 tỷ đồng). Điều kiện khách mua tour cần có nền tảng thể lực tốt với độ tuổi từ 18 đến 60. Trước chuyến đi, mỗi ứng viên phải trải qua bài kiểm tra nghiêm ngặt về tình trạng sức khỏe.
Deep Blue Aerospace đặt mục tiêu gia nhập một nhóm nhỏ các công ty trên toàn cầu cung cấp những gì được coi là ranh giới tiếp theo của du lịch mạo hiểm. Đó là những chuyến đi đắt đỏ, nơi hành khách sẵn lòng chi hàng trăm nghìn USD để vượt qua ranh giới cách bề mặt trái đất khoảng 100km để vào không gian.
Trên nền tảng phát sóng trực tiếp của Deep Blue Aerospace ngày mở bán vé, nhiều người đặt câu hỏi về việc “chuyến đi có thể quay trở về trái đất ra sao”, ông Hoắc Lượng, nhà sáng lập nhấn mạnh về tính an toàn của tour.
“Chúng tôi không cung cấp vé một chiều mà đây là chuyến đi khứ hồi. Tính mạng con người là quan trọng nhất nên công ty cần đảm bảo để tất cả quay về trái đất an toàn”, vị Chủ tịch nhấn mạnh.
Trước đó, công ty Blue Origin của Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, đã hoàn thành chuyến bay thương mại đầu tiên của con người vào không gian vào năm 2021. Trong khi đó, Virgin Galactic, liên doanh du lịch vũ trụ do tỷ phú người Anh Richard Branson thành lập, đã bắt đầu cung cấp các chuyến đi thường xuyên đến rìa không gian vào năm ngoái.
Du lịch vũ trụ không còn là cuộc chơi riêng dành cho tỷ phú
Hiện các công ty trên thế giới bước vào cuộc đua đưa khách lên vũ trụ và những người mê du hành có thể tìm một chuyến đi với chi phí rẻ hơn trước đó.
Năm 2001, doanh nhân người Mỹ Dennis Tito là du khách vào không gian đầu tiên. Chuyến đi có chi phí 20 triệu USD trong vòng 7 ngày trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Năm 2021, SpaceX thực hiện chuyến bay đầu tiên đưa 4 du khách lên vũ trụ và trở về an toàn. Mỗi khách phải chi trả cho chuyến đi này lên tới 55 triệu USD.
Đến nay mức giá vào không gian này càng cạnh tranh hơn để nhiều người có thể tiếp cận. Đại diện công ty Space Perspective của Mỹ khẳng định, cuộc dạo chơi vào vũ trụ đến nay không chỉ dành riêng cho các tỷ phú nữa.
Khách đặt chỗ trên tàu Spaceship Neptune của hãng sẽ tới khu vực rìa không gian. Tại đây, du khách được ngắm nhìn đường cong của trái đất. Chuyến bay kéo dài 6 tiếng với chi phí 125.000 USD (3 tỷ đồng).