Trở thành điểm du lịch, ga Đà Lạt tăng giá vé gấp 10 lần

10
Từ ngày 1-10 tới đây, du khách khi tham quan ga Đà Lạt (TP Đà Lạt) sẽ phải trả giá vé vào cổng 50.000 đồng/lượt so với mức 5.000 đồng hiện nay.
Trở thành điểm du lịch, ga Đà Lạt tăng giá vé gấp 10 lần  - Ảnh 1.

Điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt” – Ảnh: YIRU

Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn, thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, vừa chính thức thông báo việc tăng giá vé vào cổng ga Đà Lạt – Trại Mát.

Quy định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-10, được đưa ra sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận ga Đà Lạt là điểm du lịch chính thức.

Theo thông báo của cơ quan quản lý và khai thác, việc tăng giá vé dựa trên quyết định công nhận ga Đà Lạt là điểm du lịch của UBND tỉnh Lâm Đồng. Nhiều năm qua, ga cổ này hoạt động du lịch với cơ chế của ngành vận tải.

Do đó, mục tiêu của việc tăng giá vé là để đảm bảo nguồn lực duy tu, bảo tồn và nâng cấp cơ sở hạ tầng của nhà ga, đáp ứng các tiêu chuẩn di sản quốc gia và nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Mức giá vé tham quan 50.000 đồng áp dụng cho cá nhân trên 6 tuổi và miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,32m. Các trường hợp miễn giảm dành cho người khuyết tật sẽ được áp dụng theo quy định của Chính phủ.

Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn cũng cho biết mức phí này chỉ áp dụng cho việc tham quan nhà ga, không bao gồm chi phí vận chuyển trên tuyến đường Đà Lạt – Trại Mát.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, cộng đồng doanh nghiệp đón tin điều chỉnh giá vé vào cổng ga Đà Lạt – Trại Mát gấp 10 lần so với trước đó trong tâm lý khá sốc. Họ cho rằng việc tăng giá vé không phải vấn đề, mà vấn đề là ga Đà Lạt chưa đầu tư thêm gì hơn so với trước đó.

Ngoài ra, ngoài vé vào cổng, du khách vẫn phải trả thêm tiền vé khứ hồi nếu chọn trải nghiệm đi tàu từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát (8km). Chi phí này từ 72.000 đồng đến 100.000 đồng/chuyến.

Một tổng giám đốc du lịch cũng cho rằng đây là quyết định vội vã của ngành đường sắt vì việc tăng giá nhưng không bổ sung thêm trải nghiệm nào khác cho du khách là không công bằng. Nếu chỉ suy nghĩ vì “được công nhận là điểm du lịch nên tăng giá vé” thì các điểm nhà thờ Đức Bà hay Bưu điện TP.HCM cũng có thể bán vé!

Ông Phước Đặng, CEO Outbox Company, cũng bày tỏ quan điểm với một điểm đến du lịch, việc tăng giá vé bình thường và có nhiều lý do cơ quan quản lý điều chỉnh tăng, nên điều quan trọng là khách phải biết được tăng vì lý do gì hoặc họ sẽ nhận được thêm những gì với giá vé mới.

“Tuy nhiên, theo thông báo tăng giá vé vào cổng ga Đà Lạt thì chưa thấy rõ các giá trị cộng thêm này. Khách phải trả nhiều tiền hơn cho những trải nghiệm cũ. Điều này sẽ dễ dẫn đến sự thất vọng của du khách, thậm chí có phản ứng ngược, về lâu dài nguy cơ điểm đến bị xa lánh, hay ế ẩm”, ông Phước phân tích.

Còn theo Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn, việc tăng giá vé này là một phần trong nỗ lực huy động nguồn lực để bảo tồn di sản của nhà ga, nâng cấp cơ sở vật chất, và cải thiện dịch vụ cho du khách tại một trong những địa điểm lịch sử nổi tiếng của Đà Lạt.

Trở thành điểm du lịch, ga Đà Lạt tăng giá vé gấp 10 lần - Ảnh 2.

Công trình nhà ga Đà Lạt gắn liền với tên tuổi kiến trúc sư người Pháp Moncet. Năm 1932, kiến trúc sư cùng đồng nghiệp Reveron đã thiết kế và thi công ga hỏa xa Đà Lạt. Sau 5 năm thi công (vào năm 1936), nhà ga hoàn thành – Ảnh: M.V

Trở thành điểm du lịch, ga Đà Lạt tăng giá vé gấp 10 lần - Ảnh 3.

Dấu ấn di sản đã giúp ga Đà Lạt trở thành một viên ngọc sáng làm nên chất liệu du lịch của TP Đà Lạt – Ảnh: M.V

Trở thành điểm du lịch, ga Đà Lạt tăng giá vé gấp 10 lần - Ảnh 4.

Tuyến đường sắt đưa du khách di chuyển từ trung tâm Đà Lạt đi Trại Mát chỉ dài 7km – Ảnh: M.V