‘Treo tôm hùm bán cá viên chiên’: Lễ hội hay hội chợ thập cẩm?

48
Lễ hội tôm hùm Cam Ranh 2024 chủ đề “Vịnh xanh bừng sáng” nhưng tôm hùm đâu chẳng thấy. Bạn đọc cho rằng hiện nay nhiều lễ hội chỉ có cái tên, còn mặt hàng thì chẳng liên quan gì.
Lễ hội tôm hùm Cam Ranh "Vịnh xanh bừng sáng" nhưng khu vực ăn uống chỉ là những món ăn vặt - Ảnh: TRẦN HOÀI

Lễ hội tôm hùm Cam Ranh “Vịnh xanh bừng sáng” nhưng khu vực ăn uống chỉ là những món ăn vặt – Ảnh: TRẦN HOÀI

Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Tối 9-8, UBND TP Cam Ranh (Khánh Hòa) tổ chức lễ khai mạc Lễ hội tôm hùm Cam Ranh 2024 với chủ đề “Vịnh xanh bừng sáng”, thu hút hàng ngàn khách du lịch đến thưởng thức các món ăn đặc trưng của địa phương.

  • Lễ hội tôm hùm nhưng không thấy tôm hùm đâu, ban tổ chức nói gì?

Tuy nhiên, điều khiến nhiều du khách bức xúc khi đến với hoạt động này thì không thấy tôm hùm, mà toàn là những gian hàng ăn vặt, hội chợ mua sắm và một số món ăn đến từ các địa phương khác.

Trả lời Tuổi Trẻ Online chiều 10-8, ông Ngô Hữu Hiền – phó chủ tịch UBND TP Cam Ranh, trưởng ban tổ chức Lễ hội tôm hùm Cam Ranh 2024 – cũng thừa nhận chuyện này.

Theo ông Hiền, lúc đầu ban tổ chức đã bố trí khoảng 4 – 5 gian hàng liên quan đến tôm hùm để chế biến các món ăn, sản phẩm từ tôm hùm. Nhưng sau đó do các sự cố bất khả kháng nên Lễ hội tôm hùm Cam Ranh phải dời thời gian lại.

“Những đơn vị đăng ký họ đến với các lễ hội khác hoặc vì lý do khác mà họ không kịp tham gia với chúng tôi. Do đó tại lễ hội này chỉ có 1 – 2 gian hàng tôm hùm” – ông Hiền nói.

Treo tôm hùm, bán cá viên chiên!

Theo vị trưởng ban tổ chức, do đặc thù của các sản phẩm từ tôm hùm là phải tươi, bảo quản tốt, việc chế biến đạt chất lượng ngay tại các gian hàng cũng rất khó.

Không chấp nhận lời giải thích này, tài khoản nsin****@gmail.com nêu ý kiến: “Vào tới TP.HCM, ra tới Hà Nội, tới nước ngoài… mà tôm hùm vẫn bơi tung tăng, trong khi ngay tại quê nhà lại kêu khó bảo quản. Ai mà tin được”.

  • Chợ đêm nào cũng chỉ cá viên chiên, bánh tráng trộn… không vắng mới lạ

“Đã là lễ hội về tôm hùm thì phải có nhiều món ăn được chế biến từ tôm hùm mới gọi là bản sắc và độc đáo chứ. Đọc phần giải thích của ban tổ chức mà sao nực cười quá” – độc giả Cong Tam viết.

Tài khoản Minh Ròm chua chát: “Cái lễ hội này có tên là Tôm Hùm chứ không phải lễ hội về tôm hùm. Kiểu như trong gói mì tôm không bao giờ có tôm”!

Theo nhiều bạn đọc, không riêng gì Lễ hội tôm hùm Cam Ranh, gần đây hầu như hoạt động nào liên quan đến ẩm thực, món cá viên chiên vẫn luôn đóng vai trò chủ đạo.

Bạn đọc tài khoản Nguyen Huu Tien chia sẻ: “Quá quen thuộc, đi đâu, địa phương nào, lễ hội nào cũng chỉ có các món cá viên chiên”.

Cùng quan điểm, bạn đọc Khanguy bình luận: “Nói thật, lễ hội ẩm thực nào cũng đặt những cái tên rất hay nhưng cá viên chiên, bò viên chiên, xúc xích nướng, bánh tráng trộn, trà sữa là chủ đạo”!

Bạn đọc Yến kể: “Quê tui miền Tây, mấy năm trước có lễ hội sen, lễ hội xoài quảng cáo rầm rộ nhưng tới thì không có gì để thưởng thức, được vài ba món là làm từ sen hay xoài.

Bán kem xoài thì thực chất là nguyên miếng xoài tươi đông đá. Chào hàng sữa sen thì vị như bột hòa tan trong nước. Quảng bá sản phẩm, đặt tên lễ hội này lễ hội nọ cho kêu vậy mà đem ra chào hàng toàn những cái dở… bảo sao người ta không phản ứng”.

Từng chứng kiến một lễ hội nông nghiệp nhưng khi đến nơi thì thấy bán quần áo, đồ ăn nhanh, trà sữa, khu ẩm thực thì bán sushi, mì Hàn, chè Thái…, độc giả Hai bức xúc: “Họ chỉ biết thu tiền chứ nội dung, mục đích lễ hội thì bỏ ngỏ”.

Đừng lạm dụng từ “lễ hội”

Trả lời cho câu hỏi này, theo đông đảo bạn đọc, người chịu trách nhiệm đầu tiên thuộc về ban tổ chức.

Độc giả Trần Nguyên lên tiếng: “Nếu ban tổ chức chưa có kinh nghiệm thì đừng tổ chức. Chứ không biết mà vẫn làm thì thất bại là điều thấy trước. Việc xác lập kỷ lục, không cho báo chí chứng kiến thì liệu có khách quan, trung thực về kết quả?”.

  • Xem xét xử lý đơn vị tổ chức hội chợ thương mại 'bát nháo' tại Long An

Đồng tình, bạn đọc Nguyễn Văn Hoàng có ý kiến: “Không đánh giá và lường trước sự việc thì tổ chức làm gì, hay mục đích chỉ là xác lập kỷ lục? Nếu mục đích như vậy thì quá lố”.

Còn theo bạn đọc Tiên, cái dở của nhiều lễ hội ở Việt Nam là đặt tên thì rất “kêu”, rất hoành tráng nhưng đến nơi thì trông như hàng quán ở chợ đêm bày bán các món ăn đường phố, hàng rong. Do đó du khách thất vọng và mất lòng tin với những lễ hội là đương nhiên.

“Đã là lễ hội vinh danh sản phẩm thì sản phẩm chính phải là sản phẩm chủ đạo. Nếu không chuẩn bị kịp thì không nên gọi đó là lễ hội” – tài khoản lvng****@gmail.com thẳng thắn.

Bạn đọc Cauvongxanh cho rằng: “Mục đích và tiêu chí đều không đạt và cả cách giải thích cũng không thuyết phục… Thôi thì cứ xem như đi hội chợ thập cẩm vậy”.

Góp thêm góc nhìn xây dựng, bạn đọc có tên Ủng Hộ Cái Tốt viết: “Nên lên danh sách chấm điểm những đơn vị tổ chức tốt. Cái tốt cái hay nhân rộng, ủng hộ. Nhưng ngược lại cũng có biện pháp với cái chưa chuẩn”.

Cùng quan điểm cần phải chuẩn bị kỹ càng để lễ hội không chết yểu, bạn đọc Minh hiến kế: Thứ nhất, phải đặt tên lễ hội cho sát với mục đích, đừng chọn những cái tên quá to tát làm gì mà không đúng thực chất. Thứ hai, phải chọn lọc, rà soát lại các gian hàng tham gia. 

Cũng theo bạn đọc này: “Phải nhất quyết loại những gian hàng ăn theo không liên quan, nâng chất lễ hội cả chiều rộng và chiều sâu, có như thế mới lấy dần lại uy tín cho những lễ hội ở các địa phương”.