Tối 3/5, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức Lễ khai mạc Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn (ngoài cùng bên phải) giới thiệu quá trình biến cầu đi bộ Trần Nhật Duật trở nên vui tươi, sinh động hơn và được thắp sáng vào buổi tối bởi ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng.
Cầu có thiết kế bằng thép và bê tông cốt thép chiều dài 44,6m, gồm 2 nhịp dầm, chiều rộng cầu 3m, tĩnh không tối thiểu 4,75m. Cầu xây dựng trên 4 mố trụ chính và 1 trụ cầu thang.
Nhóm họa sĩ Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân đã tân trang diện mạo của cầu đi bộ với chủ đề Hầm thủy cung, kết hợp giữa các tác phẩm nghệ thuật và hệ thống chiếu sáng.
“Với chủ đề Nước, nhóm chúng tôi sẽ biến cây cầu đi bộ thành một tác phẩm sắp đặt ánh sáng, giống như một đường Hầm thủy cung với các loài cá đại dương đang bơi lội phía trên vòm cầu. Chủ đề Nước có 2 tác phẩm vẽ 3D, tương tác với trụ cột cầu thành 1 hình kéo khóa nước chảy tràn và 1 bức tranh 3D những con thuyền giấy phía sau bức tường đê”, Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn nói.
Cầu đi bộ Trần Nhật Duật là một lối giao thông đi bộ kết nối khu phố cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê. Du khách chỉ mất 10 phút đi qua cầu Trần Nhật Duật, sang phố Phúc Tân, chiêm ngưỡng dự án nghệ thuật tại đây.
Đây là khu vực ven sông Hồng lịch sử, có “view” (tầm nhìn) hướng ra cầu Long Biên và dòng sông thơ mộng, vốn bị coi như mặt sau của thành phố, là nơi nhiều người dân xả rác.
16 nghệ sĩ đã tình nguyện biến nơi đây thành dự án nghệ thuật công cộng, hoàn thành vào tháng 2/2020.
Người dân thích thú trải nghiệm tác phẩm sắp đặt “Nhà nổi” kết hợp thủ pháp đồ họa và công nghệ hiện đại như cắt khắc laze xuyên sáng, tái hiện những ngôi nhà hay cảnh sinh hoạt của người dân lên những chiếc thùng phuy.
“Nhà nổi” lập lòe phản chiếu góc khuất của những thành phố đang phát triển, như một vế đối thú vị với hình ảnh thường thấy ở sông Hồng xưa đến nay.
Tác phẩm “Những thánh gióng đương đại” của nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm. Hai “hiệp sĩ” đi xe máy (ngựa sắt) dùng cây giáo để tiêu diệt 2 con mãng xà tạo từ khí thải của chính 2 con ngựa sắt.
Phía dưới là băng ghế được thiết kế như một phòng trưng bày các bộ phận “ngựa sắt” cũ luân phiên, là chỗ nghỉ cho khách tham quan và người dân địa phương.
Bãi rác ở khu vực phường Phúc Tân được biến thành sân chơi công viên rừng Phúc Tân, một không gian giao lưu cộng đồng sôi động.
Không gian nghệ thuật công cộng cầu đi bộ Trần Nhật Duật nối dài không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân, khu Phố cổ Hà Nội với địa điểm Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.
Ba địa điểm và không gian nghệ thuật này khi được kết nối với nhau tạo thành một tour nghệ thuật đi bộ hấp dẫn thu hút khách tham quan du lịch, kích thích phát triển kinh tế, văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương.
Dự án này cũng giúp thúc đẩy thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hóa nghệ thuật trong đô thị, một thói quen cũng dần phát triển trở lại trong những năm gần đây.