Top 6 bảo tàng Hội An phù hợp cho du khách đam mê văn hóa, lịch sử

51

Top 6 bảo tàng Hội An phù hợp cho du khách đam mê văn hóa, lịch sử

1. Bảo tàng gốm sứ Mậu dịch

Bảo tàng gốm sứ Mậu dịch Hội An lưu giữ các hiện vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ 9 đến 19, xuất xứ từ nhiều nước. Những cổ vật này phản ánh sinh động về gốm sứ mậu dịch trên biển khi Hội An còn là thương cảng lớn. Bảo tàng Hội An này còn trưng bày rất nhiều món cổ vật do thương nhân quốc tế xưa mang đến, đặc biệt là những món đồ gốm sứ cổ Trung Quốc.

Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ những hiện vật khai quật từ tàu buôn bị đắm tại Cù Lao Chàm. Rất nhiều đồ cổ đã được khai quật có kiểu dáng quen thuộc như đĩa, bình có kích thước lớn, trang trí hoa văn, vẫn còn giữ hình dạng ban đầu khi được trục vớt. Những món đồ này có niên đại thế kỷ XV – XVI và được sản xuất ở các lò gốm miền Bắc.

Bảo tàng hiện là nơi du khách ghé thăm, tìm hiểu mối quan hệ giao lưu kinh tế, thương mại trong quá khứ. Không chỉ trưng bày, bảo tàng gốm sứ Mậu dịch Hội An còn tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn cho khách tham quan như trải nghiệm vẽ hoa văn trên gốm, làm tranh, thiệp xoắn giấy thủ công…

Địa chỉ: 80 Trần Phú, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam.

2. Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh

Bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh là bảo tàng Hội An thành lập năm 1994 trưng bày bộ sưu tập độc đáo gồm 946 hiện vật liên quan đến cư dân cổ thuộc hệ văn hoá Sa Huỳnh (niên đại cách nay 2000 năm), được coi là chủ nhân của tiền cảng – thị sơ khai Hội An, từng có quan hệ giao lưu với cả khu vực Đông Nam Á, Nam Ấn Độ và Trung Hoa.

Điều lý thú là các hiện vật đều có địa chỉ khảo cổ học rất tin cậy, vì cùng với hiện vật là hệ thống tài liệu, ảnh chụp… minh chứng rõ ràng vị trí của chúng trong lòng đất. Qua tư liệu, hiện vật, bảo tàng còn phản ánh nhiều thông tin khác về táng tục, quan niệm sống chết, nhận thức thẩm mỹ, mối quan hệ giao lưu… của cư dân cổ thuộc hệ văn hoá Sa Huỳnh trên đất Hội An.

Đặc biệt, bảo tàng còn trưng bày một số hiện vật phát hiện ở di chỉ bãi Ông – Cù Lao Chàm, nơi mà cách đây khoảng hơn 3000 năm đã có cư dân bản địa sinh sống ở đây. Bộ sưu tập hiện vật về văn hoá Sa Huỳnh tại bảo tàng được các nhà khoa học đánh giá là phong phú và độc đáo bậc nhất Việt Nam.

Địa chỉ: 149 Trần Phú, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam.

3. Bảo tàng nghề y truyền thống

Bảo tàng nghề y truyền thống Hội An nằm ở số 34 đường Nguyễn Thái Học mở cửa từ năm 2019. Các hiện vật được trưng bày trong một ngôi nhà cổ có kiến trúc truyền thống. Bên cạnh 200 hiện vật gốc, du khách còn được chiêm ngưỡng một số hiện vật phục chế, tìm hiểu thông tin từ các tư liệu liên quan đến nghề y nói chung và nghề y ở Hội An nói riêng.

Nổi bật trong 6 không gian trưng bày là phòng tư liệu có nhiều cuốn sách quý về Đông y. Theo sử liệu, vào thế kỷ 16-17, đô thị thương cảng mậu dịch quốc tế Faifo (Hội An) đã rất nổi tiếng về nghề y cổ truyền. Sự đa dạng về chủng loại thuốc cùng với nhiều hiệu thuốc Nam, thuốc Bắc đã góp phần đáng kể vào việc phát triển nghề y cổ truyền ở Hội An, cũng như ở Quảng Nam.

Địa chỉ: 34 Nguyễn Thái Học, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam.

4. Bảo tàng Di sản vô giá

Khi đi ngang qua số 26 đường Phan Bội Châu, bạn sẽ bị lôi cuốn bởi không gian Di sản vô giá, một bảo tàng Hội An được thành lập bởi nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn. Ngôi nhà cổ 2 tầng, tầng 1 trưng bày 200 bức ảnh về vẻ đẹp con người, trong đó chủ đạo là tác phẩm về phụ nữ, những người mẹ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số. Phần thứ 2 là bộ sưu tập hình ảnh 35 bộ trang phục truyền thống cùng những câu chuyện liên quan đến đời sống và văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Réhahn cho biết bảo tàng là thành quả của 5 năm tìm tòi và kể lại những câu chuyện của 54 dân tộc Việt Nam. Những trải nghiệm thú vị nhưng cũng không kém phần vất vả. Những chuyến băng rừng vượt suối đến vùng sâu vùng xa nơi có những tộc người thiểu số sinh sống. Trong bảo tàng di sản quý giá của mình, ngoài những bức ảnh và hiện vật, Réhahn còn đưa đến những câu chuyện thú vị được viết bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp.

Địa chỉ: 26 đường Phan Bội Châu, Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam.

5. Bảo tàng Văn hóa Dân gian

Bảo tàng Văn hóa Dân gian là một bảo tàng Hội An nằm trong một ngôi nhà cổ điển hình có chiều dài 57m, chiều ngang 9m, gồm hai tầng, sàn gỗ, thông hai mặt phố Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng. Bằng những hình ảnh, hiện vật gốc, bảo tàng đã thể hiện các giá trị văn hoá phi vật thể, bề dày truyền thống văn hoá, những đóng góp của các thế hệ cư dân trong quá trình phát triển của Hội An.

Ngoài ra, ở tầng 1 của bảo tàng còn có hoạt động trình diễn và giới thiệu một số sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở Hội An như đèn lồng, hàng tơ tằm, tranh giấy dó, dệt chiếu… Bên cạnh đó, bảo tàng Văn hóa Dân gian còn lưu giữ hơn 346 hiện vật tại kho, đó là bộ sưu tập trang phục của người Hoa, người Việt, các dụng cụ, công cụ của người Hội An.

Địa chỉ: 33 Nguyễn Thái Học, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam.

6. Bảo tàng Lịch sử – Văn hóa

Bảo tàng Lịch sử – Văn hoá trước đây là ngôi chùa làng Minh Hương được xây dựng vào thế kỷ XVII để thờ Phật Bà Quan Âm. Hiện bảo tàng trưng bày 335 hiện vật có giá trị bằng gốm, sứ, đồng, sắt, giấy, gỗ… hình ảnh, tư liệu về các thời kỳ phát triển của đô thị cổ Hội An từ thời tiền – sơ sử cho đến nay: tiền – sơ sử, Champa, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam. Đến thăm bảo tàng Hội An này, du khách sẽ có được cái nhìn tổng quát về tiến trình lịch sử cũng như bề dày văn hoá của đô thị cổ.

Địa chỉ: 10b Trần Hưng Đạo, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam.

Theo iVIVU.com

Xem thêm bài viết:

Top 9 món quà lưu niệm Hội An đầy ý nghĩa

Du lịch Hội An – những điểm đến cho người yêu nghệ thuật

Top 8 quán bar ở Hội An có view biển cho những chiều thư thái