Chẳng phải Angkor Wat hay Ta Phnom nổi tiếng, trái tim phiêu lưu của mình đã bị đánh rơi ở này. Đó là một Preah Khan – ngôi đền sở hữu phép thuật khiến mình say mê, một Pre Rup mang màu sắc đặc biệt nhất trong số các ngôi đền, một Bayon có nụ cười ấm áp, một Neak Pean huyền bí và một Phnom Bakheng – nơi hoàng hôn xé toạc đất trời Angkor. Mỗi ngôi đền đã mang đến cho mình những kỷ niệm thật đẹp về một thời quá khứ huy hoàng của vương quốc Khmer. Để rồi mình phải tự hỏi “làm thế nào họ có thể xây được như thế?”
Hai bức tượng thần đang chảy máu vì bị mấy kẻ trộm lấy mất đầu đi bán (Đền Preah Khan)
Đền Preah Khan – ngôi đền ở Angkor nắm giữ một ma thuật khiến mình say đắm
Preah Khan là một ngôi đền ở Angkor đã làm mình ngả nghiêng với những bức tường cổ kính rêu phong, các bức tượng hoàng hậu huyền bí ẩn sâu trong đền. Có ba cổng để tiếp cận ngôi đền linh thiêng này là đi từ cổng Tây, cổng Bắc, cổng Nam và cổng Đông. Lối vào chính của Preah Khan nằm ở phía đông, nhưng hầu hết khách du lịch vào cổng phía tây vì nó gần đường chính. Hôm đấy, mình được anh lái tuktuk thả xuống cổng đông với lối vào nhìn ra hồ Jayatataka Baray có một bến đỗ nhỏ cho thuyền.
Theo mình được biết, từ đây nhà vua sẽ đi thuyền tới đền Neak Pean. Đây là lối đi dành riêng cho vua, điều mình khá bất ngờ là không một bóng dáng du khách nào ngoài nhóm mình đi từ cổng đấy.
Sau hơn 20 phút cuốc bộ, cuối cùng mình cũng thấy được cánh cổng đền phía xa xa. Con đường dẫn vào cổng đền có hai hàng cột đá dài thẳng tắp. Ở đây bạn có thể nhìn thấy các tác phẩm chạm khắc về Đức Phật và các vị thần trong tín ngưỡng Khmer.
Đây là cổng phía Đông nơi vua ra vào đền
Preah Khan có dáng hình chữ nhật, rất rộng và được bảo vệ bằng hào cũng như bức tường kiên cố có trang trí các tượng thần Garuda bằng đá hay sinh vật thần thánh giống đại bàng.
Ngôi đền ở Angkor này có thiết kế bằng phẳng, với sơ đồ cơ bản gồm các phòng trưng bày hình chữ nhật liên tiếp xung quanh một thánh địa Phật giáo, xung quanh là các ngôi đền của đạo Hindu và nhiều công trình bổ sung sau này. Giống như Ta Prohm, Preah Khan phần lớn không được phục hồi, nên vô số cây cối mọc lên giữa đống đổ nát.
Rễ cây khổng lồ ôm lấy những bức tường ở Preah Khan – Đền ở Angkor
Về kiến trúc, ngày nay, bạn vẫn có thể tìm thấy nhiều bức phù điêu tinh xảo, bao gồm cả các tác phẩm chạm khắc các vũ nữ Apsara trên các cột đá hay các bức tượng về hoàng hậu, tượng Phật ngồi uy nghiêm một góc phòng.
Những bức tượng Phật được khắc vào đá
Tại đền ở Angkor này bạn sẽ tìm thấy một phòng trưng bày hình ảnh một cái cây đá, thông qua tia nắng bên ngoài nó sẽ trở thành một cây nến lung linh như thật. Chưa hết, trong một gian phòng đặc biệt ở Preah Khan, khi bạn vỗ mạnh vào lồng ngực của mình 3 hồi thì âm thanh đó vang rất to. Hỏi anh bảo vệ đền thì anh ấy nói, đây là căn phòng duy nhất trong đền có thể làm được điều này bởi vì cấu trúc đặc biệt có những lỗ đục rất lạ. Mình cũng chẳng biết lý giải ra sao ngoài hai từ “rất lạ”.
Đó là cây nến mình đề cập, và những chiếc lỗ nhưng nơi đây không thể tạo ra âm thanh như mình miêu tả
Điều mình thấy tiếc nhất ở Preah Khan đó chính là nhiều bức tượng Phật, các tác phẩm nghệ thuật ở đây đã bị phá hủy, bị trộm trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của nó. Có lẽ vì thế lượng cảnh sát bảo vệ ở trong đền này nhiều hơn mấy đền khác mình đi. Các anh ấy vô cùng thân thiện và nhiệt tình giới thiệu tất tần tật về những chỗ đáng tham quan trong đền, lịch sử, nguồn gốc các bức tượng… Tóm lại, khi đến Angkor, hãy dành nhiều thời gian hơn để khám phá Preah Khan bạn nhé!
Đền Pre Rup – Ngôi đền ở Angkor thấp thoáng bóng dáng những tháp Chăm
Nằm cạnh đền Banteay Kdei là đền Pre Rup, một ngôi đền ở Angkor làm bằng gạch vĩ đại nhất của đế chế Khmer cổ đại. Vì nằm ở gần đường lớn, nên việc tiếp cận đền rất dễ dàng. Trong cái nắng mật ong của xứ Angkor, màu gạch nung của Pre Rup nổi bần bật cả một góc khiến ai đi ngang cũng trầm trồ (trong đó có mình).
Mặt trước của đền Pre Rup hao hao giống tháp Chăm ở Việt Nam
Đền Pre Roup được xây dựng bởi Rajendravarman II và là địa điểm nổi tiếng để ngắm hoàng hôn. Ngôi đền ở Angkor này được cho là đại diện cho núi Meru, ngôi nhà thần thoại của các vị thần Hindu. Cấu trúc Pre Rup gồm các lớp được xây bằng đá ong và gạch. Phong cách kim tự tháp với năm tòa tháp dành riêng cho Shiva, Vishnu, Parvati và Lakshmi. Theo mình tìm hiểu và nghe được từ anh hướng dẫn viên đoàn khác thì nơi đây có thể từng là nơi hỏa táng của hoàng gia thời kỳ đầu.
Hì hục leo lên tháp, mình phát hiện ở trên cùng là phần còn lại của năm tòa tháp. Tháp trung tâm là lớn nhất với bốn ngôi đền nhỏ hơn ở mỗi góc. Tất cả đều có lối vào phía đông, ba mặt còn lại là các ô cửa giả. Các tòa tháp được trang trí rất với nhiều hình chạm khắc và chữ khắc nhưng đang dần bị thời gian ăn mòn.
Đi vào bên trong là một sự hùng vĩ đến choáng ngợp của Pre Roup
Thời gian để có những bức ảnh đẹp với Pre Rup là vào buổi sáng và chiều muộn khi ánh sáng phủ lên các tháp với gam màu ấm áp, càng làm cho đá ong và gạch nung thêm phần nổi bật.
Đền Bayon – kiệt tác thể hiện tay nghề bậc thầy của các nghệ nhân Khmer xưa
Không một từ ngữ nào có thể diễn tả chính xác cảm xúc thán phục của mình dành cho Bayon, một ngôi đền của những kiệt tác.
Bayon được xây dựng để tượng trưng cho núi Meru – trung tâm của vũ trụ trong cả thần thoại Ấn Độ giáo và Phật giáo. Dù bạn đi từ bất kỳ hướng nào vào Angkor Thom thì cũng có thể bắt gặp Bayon vì ngôi đền này nằm trong trái tim của thành phố vĩ đại Angkor Thom.
Bayon trong một chiều nắng
Nhìn từ xa, thoạt nhìn ngôi đền ở Angkor này trông giống như một đống gạch vụn đen thẫm vươn lên bầu trời xanh. Nhưng càng đi vào xong trong các mê cung thì nét đẹp ẩn giấu của ngôi đền mới hiện rõ.
Đó là các bức phù điêu với hàng ngàn hình vẽ mô tả cuộc sống hàng ngày của người Khmer trong thế kỷ 12 cũng như ghi chép về các sự kiện lịch sử như các sự kiện khác nhau từ trận chiến với người Chăm. Ngoài ra còn có những hình chạm khắc trên bức tường bên ngoài của tầng một mô tả những cảnh sống động của cuộc sống đời thường ở Campuchia. Mình đã thực sự bất ngờ với cách ghi lại lịch sử này của người Khmer xưa. Họ đã thổi linh hồn vào trong từng nét khắc, mình ngắm mãi không thôi vì mỗi bức là một cảnh, một cuộc sống, một câu chuyện.
Có hẳn một con cá khổng lồ to hơn cá sấu luôn
Hình ảnh vũ công Apsara được khắc tinh xảo trên cột
Theo lời hướng dẫn mình nghe được từ đoàn khác thì ở Bayon có đến 54 tòa tháp với 216 khuôn mặt được điêu khắc trên đó. Điểm cuốn hút của ngôi đền ở Angkor này đó chính là dù bạn đi đâu, bạn cũng có thể cảm nhận được nụ cười thân thiện, hiền hoà của các gương mặt.
Mọi góc bạn đều bắt gặp những khuôn mặt cười thế này
Đền Neak Pean – ngôi đền ở giữa hồ độc đáo
Neak Pean, có nghĩa là “những con rắn quấn chặt” là một ngôi đền nhỏ nằm trên một hòn đảo ở trung tâm Jayatataka baray. Đây là một hồ chứa nước rộng được bao quanh là rừng cây xanh rậm rạp. Để đến được ngôi đền ở Angkor này, bạn phải đi một cây cầu gỗ bắc ngang hồ Jayatataka baray. Điều thú vị là hồ nước được bao phủ bởi hoa sen, hoa súng cùng với những cây khô trông rất đẹp. Lâu lâu, những cơn gió thổi nhè nhẹ làm mặt hồ gợn sóng êm ả.
Khung cảnh vô cùng thanh bình – đền ở Angkor
Đi khoảng 15 phút thì mình cũng đến được đền Neak Pean. Chính giữa ao trung tâm là một hòn đảo hình tròn, trên đó có thánh đường. Điện thờ bằng đá sa thạch, có hai thần rắn Naga bao quanh, canh giữ lối vào phía Đông của chùa. Có lẽ đó là nguồn gốc của cái tên Neak Pean.
Bạn có nhìn thấy đầu của thần rắn đang nhô lên mặt nước không?
Đền Phnom Bakheng – ngôi đền có chiếc view toàn cảnh Angkor Wat
Phnom Bakheng được gọi là ngọn núi đền thờ, đây là nơi thờ thần Shiva của đạo Hindu. Nhờ vị trí trên ngọn đồi cao 60 mét, ngôi đền ở Angkor này đã trở thành địa điểm check in rất nổi tiếng với cảnh hoàng hôn buông xuống cánh rừng già và Angkor Wat.
Để lên được ngọn đồi, bạn phải đi bộ hơn 20 phút qua khu rừng. Con đường lên toàn là cát với khung cảnh một bên là rừng, một bên là tầm nhìn ra hồ Baray. Vì là cuối ngày, nên việc leo đồi đối với mình vô cùng khó khăn nhưng vì cảnh đẹp sắp tới, mình cũng phải cố gắng đi. Không riêng gì mình, có rất nhiều người cùng leo để “săn” khoảnh khắc kỳ diệu cuối ngày.
Con đường cát được bao quanh bởi cây xanh. Lâu lâu mình còn nghe thấy tiếng chim kêu inh ỏi
Khi lên tới Phnom Bakheng, mình vô cùng sửng sốt bởi số lượng người quá đông đang cùng chờ ngắm hoàng hôn. Dù thời điểm mặt trời lặn là 5h40 nhưng từ rất sớm đền đã kín người. Lúc này mình chỉ có thể dạo quanh Phnom Bakheng và ngắm nhìn kiến trúc của nó trước khi săn hoàng hôn.
Đây là ngôi đền ở Angkor có hình kim tự tháp gồm 7 tầng, tượng trưng cho ngọn núi Meru linh thiêng và 7 tầng trời của đạo Hindu. Thật không may, hầu hết các tòa tháp này đã sụp đổ nên mình không chụp cảnh ngôi đền (một phần nữa là chỗ nào cũng toàn là người với người.)
Một đỉnh tháp Phnom Bakheng – đền ở Angkor
Bạn biết không, từ Phnom Bakheng có thể thấy hết Angkor Wat đấy.
Đốivới bạn, ngôi đền ở Angkor nào để lại ấn tượng nhiều nhất trong số 5 ngôi đền trên? Riêng mình, chẳng có một thứ hạng nào đánh giá được hết vẻ đẹp của các ngôi đền bởi mỗi đền một nét đẹp và ý nghĩa riêng. Có tận mắt chứng kiến những công trình này, mình mới thấy được sự tinh xảo, tài năng và lòng kiên nhẫn của người xưa như thế nào. Dù là tuyệt tác nhân gian đẹp đến cỡ nào cũng do chính tay con người làm ra. Vì vậy, hãy đến Angkor trước khi những phiến đá cuối cùng sụp đổ, bạn nhé!