Top 5 chương trình biểu diễn nghệ thuật không thể bỏ qua trên khắp Việt Nam

59

Top 5 chương trình biểu diễn nghệ thuật không thể bỏ qua trên khắp Việt Nam

1. Ký ức Hội An

Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Ký ức Hội An” nằm trong công viên Ấn Tượng Hội An, được xây dựng với diện tích 25.000m2, nằm trên bãi bồi sông Hoài. Khán đài có sức chứa đến 3.300 chỗ ngồi với kiến trúc xây dựng được mô phỏng từ chính phố cổ Hội An. Lấy ý tưởng tà áo dài truyền thống kết hợp với kỹ thuật dàn dựng sân khấu hiện đại, “Ký ức Hội An” đã đưa người xem ngược dòng lịch sử trở về Hội An thế kỷ 16 – 17 – nơi giao thoa văn hoá, điểm nối của con đường tơ lụa trên biển.

Sân khấu biểu diễn

“Ký ức Hội An” gây ấn tượng mạnh bởi 5 màn trình diễn thăng hoa, của gần 500 diễn viên chuyên nghiệp, mang đến cho khán giả những hình dung rõ nét về quá trình phát triển của Hội An. Dựa trên những chất liệu lời thơ, tiếng nhạc, vũ điệu, cùng sự đồng đều hoàn hảo trong từng động tác của dàn diễn viên, cùng các hiệu ứng sân khấu ngoạn mục, trang phục chỉn chu, show diễn đã trở thành điểm nhấn của Hội An trong mắt du khách.

Ảnh: Công viên Ấn Tượng Hội An

2. À Ố Show

À Ố Show công diễn tại thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 2 năm 2013, tính đến nay đã có hàng ngàn suất diễn, phục vụ hơn 300.000 khán giả tại TPHCM, Hà Nội, Hội An… À Ố Show đã mang đến trải nghiệm nghệ thuật mới lạ, góp phần làm giàu đời sống văn hoá và làm phong phú thêm các hoạt động, chương trình biểu diễn nghệ thuật trong nước. Buổi diễn tái hiện của những chiếc cầu, bến sông, cảnh sinh hoạt, lao động hằng ngày của người dân nơi làng quê sông nước cho đến những khu vực thành thị ồn ào, tấp nập…

Ảnh: @t.ngocbinh

Chương trình sử dụng các nhạc khí Nam Bộ và các tiếng động trong môi trường sống để sáng tạo các không gian âm thanh đặc trưng. Toàn bộ đạo cụ, sân khấu được làm từ các cây tre, khúc nứa, thuyền thúng, mành mành… Phông màn và sàn sân khấu màu đen, trang phục thiên về đen để có thể khai thác tối đa hiệu ứng trong việc thay đổi không gian, cảnh trí và sự xuất hiện của các nhân vật. Đặc biệt, chương trình còn có sử dụng loại hình đờn ca tài tử.

3. Vở diễn xiếc “Làng tôi”

Vở diễn xiếc “Làng tôi” là chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức ở Hà Nội. Sử dụng tre là chất liệu chính để biểu diễn trong vở kịch xiếc, các nghệ sĩ đã vẽ lên một bức tranh làng quê trữ tình. Kịch xiếc “Làng tôi” là sự kết hợp của nhiều thể loại nghệ thuật sân khấu như xiếc nhào lộn, đu dây, tung hứng, kịch câm, hát… Vở kịch mở màn bằng một hoạt cảnh tĩnh, đưa người xem đến với một buổi sáng tinh mơ ở làng quê Bắc Bộ.

Cảnh kết thúc là khi màn đêm buông xuống, sau một ngày lao động, người mẹ nằm bên cánh võng ru con, cô gái thêu thùa, chàng trai nghêu ngao câu hát. Chạy suốt hai hoạt cảnh là toàn bộ cuộc sống sinh hoạt trong thiết chế làng xã: từ mò cua bắt ốc, đi cấy sáng trăng, buôn thúng bán bưng, chợ phiên, tụng kinh gõ mõ, những đêm ả đào, gái trai hẹn hò, cho đến dựng nhà, lấy vợ, những buổi nông nhàn.

Tre là chất liệu chính làm nên vở diễn, tre tham gia vào câu chuyện như một “nhân vật” sống động. Hàng chục cây tre đủ mọi kích cỡ được đạo diễn và diễn viên tạo hình trên sân khấu khi được tạo thành cầu tre lắt lẻo, khi lại hóa thành sông nước, nhà cửa… Diễn viên tung hứng, đu mình trên những thân tre. Vở kịch xiếc đưa khán giả hòa mình vào hành trình vừa êm đềm, nhưng cũng sôi động và đậm chất thi ca.

4. Tinh hoa Bắc Bộ

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km, “Tinh hoa Bắc Bộ” được xây dựng tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, là sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. Sân khấu là mặt hồ rộng 4.300m2, dựa lưng vào ngọn núi Chùa Thầy, mang đến cơ hội chiêm ngưỡng màn biểu diễn trên khung cảnh thiên nhiên cho khán giả. Toàn bộ màn trình diễn là sự tổng hòa của hình ảnh, hiệu ứng âm thanh, kết hợp mềm mại với vũ đạo, nhào lộn, múa rối…

Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tinh hoa Bắc Bộ” diễn ra vào tối thứ bảy hằng tuần. 75 phút của vở diễn được chia làm sáu phần: Thi ca, Cõi Phật, Hoài cổ, Nhạc họa, An vui, Ngày hội. Mỗi phần thể hiện cho văn hóa, tín ngưỡng, tinh thần của người Việt trong lao động, học vấn, hội làng cùng các lĩnh vực điêu khắc, kiến trúc… được tổng cộng 250 diễn viên tham gia trên một sân khấu tương tác kết hợp với công nghệ hiện đại.

5. Huyền thoại làng chài (Fishermen Show Mũi Né)

Mở cửa đón khách từ tháng 12 năm 2016, Fishermen Show Mũi Né là nhà hát ca vũ nhạc kịch đầu tiên tại Việt Nam được dựng nên để phục vụ duy nhất vở diễn “Huyền thoại làng chài”. Với nội dung hấp dẫn, lôi cuốn cùng phần hiệu ứng được dàn dựng công phu, chương trình biểu diễn nghệ thuật “Huyền thoại làng chài” mang đến cảm nhận chân thực về cuộc sống, con người ở làng chài Phan Thiết xưa.

Đúng như tên gọi, “Huyền thoại làng chài” tái hiện những lát cắt chân thực về cuộc sống, về nếp sinh hoạt gắn liền với biển cả của người dân. Xuyên suốt 60 phút, bạn sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc và bình dị của một làng ven biển, như phiên chợ cá, cánh đàn ông đẩy thúng ra khơi, kéo lưới đánh cá, làm muối, làm gốm… Những khó khăn nơi làng chài vẫn được thể hiện rõ nhằm làm bật tinh thần lạc quan, kiên cường chinh phục sự khắc nghiệt của thiên nhiên để cải thiện đời sống.

Hướng dẫn cách đặt vé các show diễn hấp dẫn:

– Gọi 1900 1870 để được tư vấn.

– Đặt online và xem thông tin chi tiết TẠI ĐÂY.