“Mưa lớn xối xả tát thẳng vào cửa kính, giường rung lên khiến tôi chóng mặt chao đảo như bị tiền đình. Chỉ vài phút sau, trần nhà bằng thạch cao nứt ra, bụi rơi xuống mờ mịt. Lúc này tôi liên tục có suy nghĩ chỉ sợ khách sạn sẽ đổ sập”, Kim Phương rùng mình khi nhớ lại khoảnh khắc ở tâm bão Yagi.
Chuyến du lịch tới thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) của đoàn được đặt từ cách đó 2 tháng. Khách sạn nơi đoàn khách Hà Nội dừng chân là một cơ sở lưu trú cao cấp 5 sao nằm bên bãi biển ở Bãi Cháy.
Khoảng một tuần trước ngày khởi hành, thông tin về siêu bão Yagi sắp đổ bộ liên tục xuất hiện trên các nền tảng thông tin khiến Phương đắn đo suy nghĩ. Cô muốn hủy chuyến để đảm bảo an toàn, nhưng vì nhiều lý do khách quan nên chuyến đi vẫn được diễn ra.
12h ngày 6/9, cả đoàn xuất phát từ Hà Nội, thẳng tiến xuống thành phố Hạ Long. Lúc này bên trong khách sạn, các nhân viên đã mỗi người một việc, bận rộn chuẩn bị mọi công tác phục vụ phòng chống bão. Tuy nhiên điều không ai ngờ tới đó là cường độ bão lớn hơn rất nhiều so với dự kiến.
Sau khi làm thủ tục check-in, vị khách Hà Nội vẫn thấy thời tiết của Hạ Long ổn định. Trời trong xanh và không ai biết rằng chỉ chưa tới 24h nữa, cơn cuồng nộ của thiên nhiên chuẩn bị ập tới.
Cả đoàn dự kiến trong những ngày mưa bão chỉ ở lại khách sạn nghỉ ngơi mà không ra ngoài để đảm bảo an toàn. Sáng 7/9, sau khi dùng bữa sáng, mỗi người trở về phòng riêng.
Khoảng 12h30, Phương giật mình tỉnh giấc thì lúc này siêu bão đang đổ bộ. Khe cửa bắt đầu rỉ nước còn gió từ ngoài đập vào ô kính rung lên bần bật.
Thấy từng mảng trần nhà rơi xuống, vị khách hoảng sợ vội vã thu dọn hành lý. Chưa bao giờ cô phải trải qua cảm giác lo lắng như vậy. Dù khách sạn được thiết kế rất kiên cố nhưng cô vẫn cảm nhận được sự cuồng nộ của siêu bão đang quần đảo bên ngoài.
Không liên hệ được với nhân viên lễ tân, Phương vội gọi điện cho những người trong đoàn. Khu vực này đã mất điện nhưng khách sạn chạy máy phát nên vẫn có điện lưới và mạng để khách không bị mất kết nối sóng điện thoại, wifi.
“Lần đầu tiên trong đời tôi trải qua cảm giác kinh khủng như vậy. Sau khi dọn xong đồ, tôi liên hệ được với mọi người trong đoàn và nhân viên đưa xuống lánh tạm tại một phòng ở tầng 13. Tưởng mọi chuyện sẽ ổn nhưng chỉ 15 phút sau trần nhà lại rung lên rồi rơi xuống”, Phương nhớ lại.
Lúc này, khách sạn phải mở phòng lánh nạn nằm trên tầng 13 cho khách vào trú ẩn. Đó là căn phòng có diện tích rất lớn với sức chứa lên tới hàng trăm người. Trên gương mặt của tất cả đều hiện rõ sự lo lắng nhưng không ai nói gì, chỉ biết chờ đợi bão qua.
Khoảng 17h cùng ngày, nhận thấy tình hình bên ngoài đã ổn, nhân viên báo khách di chuyển ra ngoài. Sau đó, khách sạn sắp xếp phòng mới ở tầng 13 cho đoàn khách nghỉ lại.
Tối 8/9, không khách nào xuống được dưới sảnh vì bị mất cửa và gió lớn.
Sáng hôm sau, khi bước xuống sảnh tiếp đón khách và tầng 2 khu vực ăn uống, một quang cảnh tan tác hiện ra trước mắt vị khách. Toàn bộ hệ thống cửa kính đều bị vỡ vụn và đồ đạc rơi rụng ngổn ngang.
Các tầng bên dưới chịu luồng gió cực mạnh từ biển đổ vào nên vỡ vụn còn khu vực phòng của khách ở những tầng trên gần như không bị ảnh hưởng gì. Dù trước đó, phía khách sạn đã phòng bị để chống bão nhưng không ai ngờ sức công phá lần này lại lớn như thế.
“Đây là cơn bão lớn nhất trong vài chục năm trở lại đây và đều nằm ngoài sức tưởng tượng”, Phương nói.
Dù gặp phải sự cố nhưng vị khách Hà Nội cho rằng các dịch vụ của khách sạn đều khá tốt, đặc biệt là việc hỗ trợ khách khi gặp phải thiên tai. Tối 7/9 và sáng 8/9, cả đoàn vẫn lưu trú tại đây. Mọi bữa ăn vẫn được phục vụ đầy đủ.
Trưa 8/9, cả đoàn trở về Hà Nội đúng theo lịch trình. Còn với Phương, trải nghiệm lưu trú ở tâm bão là điều khiến cô không thể quên.
Từ câu chuyện của mình, vị khách cho rằng đây cũng là bài học kinh nghiệm để mỗi người tự đúc rút. Nếu chuyến du lịch xảy ra vào thời điểm dự kiến có bão hay thiên tai, du khách nên cân nhắc và thận trọng nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa cho bản thân.