
Thu hút du khách quốc tế từ các sự kiện, lễ hội là mục tiêu của TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại tọa đàm “Nâng tầm sản phẩm du lịch chất lượng từ các sự kiện, lễ hội” được tổ chức ngày 20-2 ở TP.HCM, ông Vũ Thế Bình – chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam – cho rằng để nâng tầm các sản phẩm du lịch từ các sự kiện, lễ hội, việc đầu tiên nhà làm chính sách phải xem sự kiện là “nguyên liệu” chính để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo và phải nghiên cứu, tái tạo liên tục.
Sự kiện du lịch nhưng vắng du khách!
Gần đây, tỉnh nào cũng có lễ hội, thậm chí cấp huyện cũng có và ai cũng bảo là sự kiện phục vụ du lịch.
“Tuy nhiên nhiều sự kiện hiện nay tôi không thấy du khách, toàn thấy lãnh đạo, đại diện cơ quan nhà nước. Vậy mà chúng ta gọi đó là sự kiện du lịch thì đúng là hơi buồn. Đáng ra yếu tố du lịch phải quan trọng nhất trong các lễ hội ấy, là cái hay hấp dẫn, độc đáo… cần được giới thiệu đến du khách”, ông Vũ Thế Bình thẳng thắn.
Ông Vũ Thế Bình góp ý: Cần tập trung khai thác giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của từng địa phương để tạo ra các sự kiện, lễ hội thu hút khách du lịch. Bởi điều du khách mong muốn xem nhất ở các lễ hội, sự kiện là giá trị văn hóa, lịch sử bản địa.
Nếu thực sự làm tốt thì du lịch Việt Nam đã có thể đón 30 triệu lượt khách quốc tế, chứ không chỉ 17,5 triệu lượt như năm rồi.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng – phó tổng giám đốc Vietravel – cũng nêu những hạn chế trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch từ các sự kiện, lễ hội.
Thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp du lịch có nhận được lịch các sự kiện hằng năm. Nhưng để xây dựng tour du lịch đi kèm sự kiện mà nhiều nước trong khu vực đã làm rất thành công thì chúng ta chưa có.
“Cần định vị sản phẩm mang tính biểu tượng. Ví như Lễ hội áo dài, Lễ hội bánh mì, Lễ hội du lịch quốc tế… thì chúng ta ưu tiên thế nào? Khi định vị rồi thì thiết kế các chiến dịch truyền thông trước, trong và sau sự kiện rất quan trọng thì mới thu hút được du khách, ở dài hơn và sử dụng nhiều dịch vụ hơn”, bà Hoàng nêu ý kiến.
Đón khách quốc tế nhưng khách nội địa cũng rất quan trọng
Bà Nguyễn Thị Khánh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cũng thừa nhận cái khó của việc tổ chức các lễ hội, sự kiện hiện nay là duy trì tính định kỳ để thông tin cụ thể đến du khách, công ty lữ hành. TP.HCM có nhiều sự kiện, nhưng quyết định việc tổ chức cần cả quy trình thủ tục và kinh phí quảng bá.
Với vai trò quản lý nhà nước, ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, chia sẻ về những định hướng phát triển các sản phẩm du lịch của thành phố. Theo ông, các sản phẩm du lịch cần được phân loại rõ ràng theo đối tượng khách hàng, bao gồm du lịch sự kiện, du lịch văn hóa lịch sử, và các hoạt động gắn với bản sắc địa phương.
Hiện nay TP.HCM đang đầu tư nhiều hơn vào các sự kiện văn hóa, để giúp du khách hiểu rõ hơn về đặc trưng lịch sử và bản sắc dân tộc. Nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử đã được chuyển ngữ sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhằm tạo điều kiện cho du khách quốc tế dễ tiếp cận.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đang xem xét việc ứng dụng các hình thức hướng dẫn online để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
“TP.HCM đang đặt mục tiêu doanh thu du lịch đạt 260.000 tỉ đồng trong năm nay, việc duy trì và phát triển các sự kiện thường niên như Ngày hội Du lịch, các giải chạy marathon, sự kiện âm nhạc đang được xem là chiến lược quan trọng nhằm tăng tỉ lệ khách, trong đó không xem nhẹ vai trò khách nội địa”, ông Hòa khẳng định.