Tìm về di sản ở Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa

38

Nhắc đến Phan Thiết, hẳn ai cũng sẽ nghĩ ngay đến “đặc sản” là biển. Nhưng không riêng nắng gió hay những hòn đảo đẹp mê hồn, “thiên đường nhiệt đới” này còn là vùng đất của văn hoá, là cái nôi của tinh hoa người Chăm pa cổ lúc bấy giờ. Từ những lễ hội truyền thống, kiến trúc còn lưu lại và đến cả con người, tất cả làm nên một nền văn hoá đặc sắc, nền văn hóa mang tên Phan Thiết!

Cũng từ đây, thứ đặc sản nức tiếng của người Việt ra đời – nước mắm. Một hành trình dài hơn 300 năm đủ các giai đoạn thăng trầm, một thời kỳ sống động và rất đỗi ấn tượng, một đời sống “gài nén ủ chượp” của những người dân “bám biển”… Và dường như, tất cả đều được gợi lại một cách sống động và đáng trân quý, ngay tại Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa.

Không gian bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa đầy hoài niệm.

Không gian bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa đầy hoài niệm.

Đây cũng là lý do mà tôi chọn bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa cho một quãng thời gian ngắn ngủi ghé ngang Phan Thiết.

Không gian văn hoá và nghệ thuật

Nằm trên đường Nguyễn Thông, Phú Hài, Thành phố Phan Thiết, Làng Chài Xưa là bảo tàng nước mắm đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Với tổng diện tích lên đến 1.600m2, bảo tàng gồm 14 không gian riêng biệt với đa dạng chủ đề: Phố cổ Phan Thiết, cánh đồng muối, nhà Hàm Hộ (đại gia nước mắm)… Tất cả tái hiện hành trình mấy trăm năm của Phan Thiết và loại gia vị ấn tượng.

Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa được thiết kế theo phong cách đương đại với cách sử dụng ánh sáng mới lạ. Cùng các khu trưng bày bố cục đơn giản nhưng liên kết với nhau, mang đến một không gian đầy tính nghệ thuật, lại vô cùng ấm cúng và gần gũi. Trước hết, du khách sẽ vào phòng chiếu và thưởng thức một đoạn phim ngắn giới thiệu tổng quan về nước mắm. Chỉ vỏn vẹn 7 phút hơn, song nội dung cùng phần thuyết minh lôi cuốn, người xem cũng phần nào tường tận về lịch sử cũng như quá trình phát triển của thứ gia vị đặc biệt này.

Những thước phim lôi cuốn về nước mắm Phan Thiết.

Những thước phim lôi cuốn về nước mắm Phan Thiết.

Tôi từng lầm tưởng rằng nước mắm du nhập vào nước ta theo con đường tơ lụa. Song từ đây mới biết sự thật là người Việt biết và học được cách làm nước mắm từ người Chăm Pa. Vùng đất Phan Thiết cách đây 300 năm thuộc vương quốc Chăm Pa (Mang Thit). Chính họ đã học những kỹ nghệ làm gốm, ướp cá du nhập từ La Mã và dần dần tạo ra nước mắm theo hương vị mang đặc trưng riêng. Từ “ủ chượp” trong nước mắm cũng có nguồn gốc từ ngôn ngữ của họ. Theo thời gian, nước mắm phổ biến rộng hơn, người dân cho vào tĩn gốm rồi chở bằng ghe bầu đi bán khắp mọi miền.

Nhiều tranh ảnh về nghề truyền thống tại bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa.
Nhiều tranh ảnh về nghề truyền thống tại bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa.

Nhiều tranh ảnh về nghề truyền thống tại bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa.

Có lẽ bởi vậy, mà không gian tham quan đầu tiên là Chăm Pa xưa. Nổi bật với Tháp Chăm thu nhỏ được tái hiện tinh tế và cầu kỳ. Hay bức tượng Kut độc đáo thờ vua, quan từ thế kỉ 15. Đây là một trong những biểu tượng linh thiêng của người dân tộc này lúc bấy giờ.

Qua một con đường cát trắng thật cùng hai hàng dừa là nơi trưng bày bộ sưu tập tĩn xưa và nay. “Tĩn” dùng để chỉ một loại bình đất nung. Đây là loại thùng rất phổ biến để chứa nước mắm thành phẩm sau khi đã ủ chượp trong thùng gỗ, “bí quyết” để tạo nên hương vị đậm đà khó quên của nước mắm Phan Thiết.

Hoà mình vào nhịp sống của người dân địa phương.
Hoà mình vào nhịp sống của người dân địa phương.

Hoà mình vào nhịp sống của người dân địa phương.

Tiếp đó là khung cảnh tái hiện nhịp sống làng chài chân thực và sống động. Người dân kéo lưới cá, rồi nghề làm muối với từng quang gánh trên cánh đồng bát ngát, mênh mông. Hay những bức tranh về Phan Thiết vào những năm 30-40, mô hình phục dụng đình Vạn Thủy Tú (nơi thờ cá Ông) lớn nhất Việt Nam. Rồi chợ xưa khánh thiện với hiện vật cũ như chiếc bàn tính và quả cân mòn, tiệm thâu băng từ những năm 50 với nhiều đĩa nhựa gốc, máy hát có thể mở để thưởng thức ngay.

Một góc tiệm thâu băng cổ xưa tại bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa.

Một góc tiệm thâu băng cổ xưa tại bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa.

Ấn tượng hơn cả là nhà Hàm Hộ cuối cùng còn sót lại. Không gian cổ kính với kiến trúc và những đồ vật đặc trưng. Ngoài ra bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa cũng trưng bày rất nhiều tranh chân dung của những Hàm Hộ nước mắm, người có đóng góp lớn cho ngành nước mắm tại Phan Thiết.

Trải nghiệm có “một không hai”

Tại Bảo tàng Làng Chài Xưa, có một trải nghiệm vô cùng đặc biệt không thể bỏ lỡ, đó là nếm hương vị mắm Tĩn nguyên chất, được lấy trực tiếp từ thùng gỗ ủ chượp. Khu nhà thùng với hai dãy thùng gỗ vừa to vừa cao. Mấy trăm năm trước, nước mắm Tĩn được làm bằng kỹ nghệ ủ chượp nhỏ lẻ dần dần chuyển sang sản xuất lớn trong thùng lều gỗ.

bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa

Khu nhà thùng ủ nước mắm.

Bên cạnh đó còn được học cách xác định nước mắm ngon của người xưa dựa vào màu, mùi, vị dưới ánh sáng. Hay thú vị hơn là phân biệt chúng bằng hạt cơm: Thả hạt cơm nguội vào chén nước mắm, nếu hạt cơm nổi lên hoặc lơ lửng thì là nước mắm truyền thống nguyên chất với độ đạm cao. Còn nếu hạt cơm nhanh chóng chìm xuống sẽ là nước mắm pha công nghiệp với hàm lượng đạm thấp.

Từng không gian nối tiếp nhau như một hành trình thời gian.

Từng không gian nối tiếp nhau như một hành trình thời gian.

Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa cũng thu hút nhiều du khách với không gian thủy cung 3D, nơi có nhiều loài sinh vật biển khổng lồ… Ngoài ra còn có khu bày bán nhiều loại nước mắm từ hương vị nguyên bản đến công thức độc đáo và quà lưu niệm.

Khám phá Bảo tàng Làng Chài Xưa, không chỉ được tìm về những di sản văn hoá hay hương vị của nước mắm truyền thống nơi thủ phủ biển xanh, nắng vàng. Mà còn là hành trình kiếm tìm nguồn cảm hứng mạnh mẽ, khơi gợi tình yêu văn hoá, gìn giữ và phát huy những “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc.

Khung cảnh biển Mũi Né yên bình giữa trưa.

Khung cảnh biển Mũi Né yên bình giữa trưa.

Xong một tour “di sản” đặc biệt, từ bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa chạy thẳng một mạch theo đường Nguyễn Thông là ra Mũi Né. Tôi tranh thủ hít hà chút gió, chút nắng mặn mòi của Phan Thiết trước lúc rời đi. Dạo biển giữa trưa “lạ đời” nhỉ, nhưng mà cũng đặc biệt và thú vị lắm. Nắng trưa làm mặt biển càng trong veo và óng ánh đến huyền ảo. Dưới những rặng dừa mát rượi, tôi đắm mình vào “dịu êm” lúc nào chẳng hay!

360 Nguyễn Thông, Phú Hài, Phan Thiết.

100.000đ (miễn phí cho trẻ em dưới 1m)

9h – 18h (hàng ngày).