Thưởng thức đặc sản Hà Giang mùa tam giác mạch (Phần 2)
Rượu ngô Thanh Vân
Mỗi tỉnh thuộc khu vực miền núi dường như đều có loại rượu chế biến theo cách đặc trưng. Rượu ngô Thanh Vân của bà con dân tộc Mông là một men say như thế.
Nguyên liệu nấu rượu là ngô nương thường, nhưng nước nguồn và thứ men làm từ 36 loại lá thuốc đã cho ra sản phẩm nổi tiếng của huyện vùng cao Quản Bạ. Tiết trời vùng cao giá lạnh, người lấp trong sương mà được tấp vào quán tránh rét nhấp môi chén rượu ngô thì ấm lòng biết mấy.
Cam sành Bắc Quang
Đã từ lâu, cam sành trở thành một đặc sản nức tiếng mỗi khi người đi xa về gần nhắc đến đất Bắc Quang, thứ đến mới là chè. Có được điều đó là bởi vùng đất này có những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không giống với bất cứ vùng đất nào để tạo nên những trái cam mang hương vị riêng biệt, vô cùng ngọt ngào và hấp dẫn của miền núi rừng phía nam của tỉnh Hà Giang.
Cam sành Bắc Quang có thể coi là sản vật của núi rừng, sự kỳ công chăm sóc của người dân và của sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển của huyện Bắc Quang. Từ đó, cho ra một sản phẩm cam sạch, giá cả phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của những người ưa hàng Việt chất lượng cao.
Thịt chuột La Chí
Con chuột không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà nó còn gắn chặt với đời sống thường ngày của người La Chí. Món thịt chuột được họ coi là món ăn hàng ngày, như người Kinh ăn thịt lợn, nên họ có thể ăn quanh năm suốt tháng.
Con chuột gắn bó với người La Chí từ hàng nghìn năm nay, nên không biết từ khi nào, chuột đã trở thành đặc sản. Nếu bạn lên Hoàng Su Phì, hỏi về các món đặc sản, ngoài thắng cố, rượu ngô của người Mông, lợn cắp nách của người Mán, thịt chua của người Nùng, chuột khô chính là đặc sản của người La Chí.
Vào mùa thu hoạch lúa, chuột bắt được nhiều, ăn không xuể, đồng bào La Chí làm món chuột khô để ăn dần. Chuột được chế biến và ướp gia vị rồi treo trên gác bếp. Lửa và khói ở bếp cháy suốt ngày đêm sẽ làm cho thịt chuột khô quắt lại sau một tuần. Khi chuột quắt lại, cứng như khúc củi, có thể để được cả năm trời, lúc nào thích thì gỡ ra ăn.
Phở chua Hà Giang
Phở chua Hà Giang thực chất được lan sang Hà Giang từ Trung Quốc, mà người ta vẫn hay gọi là “Lường Pàn” nghĩa là “Phở mát”. Món ăn này có vị chua chua, lạ miệng, ăn rất mát nên được nhiều người yêu thích vào mùa hè.
Công thức làm phở chua Hà Giang không quá khó, nếu ai muốn tự tay mình nấu được bát phở chua thì có thể tham khảo công thức. Nguyên liệu của món phở chua bao gồm: thịt lợn rán (xá xíu), vịt quay, lạc đã chao dầu, lạp xường hoặc xúc xích tự chế. Ngoài ra còn có rau ăn kèm gồm rau húng thơm, tỏi tươi, đu đủ hoặc dưa chuột nạo. Nguyên liệu chính là bánh phở yêu cầu phải là bánh phở tươi được tráng mềm, không dùng bánh phở khô.
Chè Shan Tuyết
Những cây chè shan cổ thụ vùng cao màu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết nên được gọi là chè shan tuyết – đặc sản Hà Giang. Đây là nguồn nguyên liệu sạch vì khai thác từ tự nhiên.
Giữa núi rừng, ngồi ở bậc cửa nhà người đồng bào thưởng trà Shan tuyết là mong muốn trải nghiệm của rất nhiều người. Người ta bảo pha trà Shan tuyết phải dùng nước nguồn trên núi chảy về thì mới cho ra đúng vị đậm đà của loài cây quý. Chén trà mới pha bốc khói nghi ngút giữ ấm lòng người bằng hương thơm thanh và màu tươi ngon. Nhấp môi sẽ thấy chè chan chát nhẹ nhưng lại ngọt hậu nồng nàn.
Chè Shan Tuyết núi cao Hà Giang có giá khoảng 300.000 đến 700.000 đồng một kg.
Lạp xường
Lạp xường Hà Giang vừa giòn, ngậy thịt lại mang mùi nắng quyện mùi khói bếp và mùi mắc mật tạo thành nét riêng khiến người ăn nhớ đậm ghi sâu. Lạp xường được làm từ thịt lợn vai được lạng bỏ lớp bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, bột ngọt, rượu trắng, nước gừng và đặc biệt là quả mắc mật khô xay nhỏ. Tiếp đó, dồn thịt vào lòng non, buộc lại thành khúc và thỉnh thoảng châm kim để khí thoát ra giữ lạp xưởng nguyên khối ngon lành, không nứt vỡ. Cứ thế từng dải lạp xưởng được hong trên gác bếp hay phơi nắng cho khô dần.
Lạp xường có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu.
Lạp xường có giá khoảng 300.000 đồng một kg.
Lợn cắp nách
Lợn cắp nách có tên gọi rất đặc biệt khiến ai cũng tò mò. Sở dĩ chúng được gọi như vậy vì tcon lợn này khá bé, người dân khi bắt lọ hay để ôm thọt vào người, hoặc treo dưới nách.
Lợn cắp nách ó thể chế biến tùy theo sở thích của mỗi người. Với thịt lợn này có thể dùng nướng, hấp, kho tùy sở thích, có thể dùng xương để ninh thành món canh ngon. Ngon nhất phải kể đến món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặt hạt dổi, ớt xanh. Vị hơi chua, chát và mùi thơm của hạt dổi, lá chanh gặp món thịt ba chỉ ăn cũng sẽ có hương vị đặc biệt.
Xôi ngũ sắc
Dạo một vòng phố cổ Đồng Văn buổi sáng, gần cuối phố là hàng xôi rất ngon. Quán tuy đơn sơ vài ba thức xôi nhưng khách mua đông, cô bán hàng phải xới luôn tay. Xôi ngũ sắc được chú ý và chọn mua nhiều nhất bởi chỉ thoáng nhìn qua màu sắc bắt mắt, nhiều thực khách đã có cảm giác “ưng cái bụng”.
Xôi ngũ sắc có 5 màu nổi bật khác, trắng, vàng, tím, đỏ, xanh được hòa hợp lại tạo lên món ăn ngon mà bắt mắt. Xôi này được làm từ một loại gạo nếp thơm và dẻo do chính người dân tộc trồng.
Chỉ từ 5.000 đến 10.000 đồng, bạn có thể no đến trưa với một nắm xôi ngũ sắc mềm ngọt, dẻo thơm rất hấp dẫn.
Theo Zing News
Xem thêm các bài viết:
Cung đường lúa tháng 10 ở Hoàng Su Phì
Phượt vùng Đông Bắc nhất định phải thử những điều dưới đây
Hành trình phượt Hà Giang của nhiếp ảnh gia nước ngoài