Thương quán ăn ngon ở Huế

11

Không hiểu sao khi nghĩ đến Huế, trong đầu tôi lại văng vẳng bài hát này, dù còn chưa đến Huế lần nào để mà trở lại. Nhưng Huế cứ mang lại cảm giác thân thương như vậy đấy, cho dẫu với một người lần đầu đặt chân đến như tôi. Và như một lẽ đương nhiên, thương Huế hẳn cũng sẽ “thương” món ăn Huế, bởi rẻo đất miền Trung này có nền ẩm thực vô cùng đặc sắc.

Bữa sáng

Quán mệ Kéo là một trong những gánh bún lâu đời nhất ở xứ Huế với hơn 70 năm tuổi đời. Sở dĩ quán có tên là mệ Kéo không phải vì bà chủ quán tên là Kéo, mà bởi vì khách đến đây ăn đều phải tuân thủ quy tắc xếp hàng của quán, chờ hàng người kéo dài mãi mới tới lượt mình. Quán chỉ bán buổi sáng từ 6h-9h, đông đến nỗi không có chỗ mà ngồi. Bàn này vừa có người đứng lên một cái là lập tức có người khác ngồi vào luôn.

Quán tuy nhỏ nhưng thoáng mát có view nhìn thẳng ra dòng sông thơ mộng. Bước vào bên trong sẽ thấy ngay chỗ bày nguyên liệu, nồi nước dùng ở góc nhà. Kế bên là chỗ bán nước tính tiền riêng như món nước cơm rượu, sữa đậu nành… Khách đến quán tự lấy rau sống rồi đi tới chỗ bày nguyên liệu chờ người bán múc đồ ăn và chan nước dùng. Tôi gọi bát bún chả cua giá cho một bát là 35.000 VNĐ. Bát bún siêu đầy đặn, ngập tràn “topping” chả cua, thịt ba chỉ và tiết. Phải nói đây là bát chả cua bún mới đúng vì ăn hết bún rồi vẫn còn mấy miếng chả cua. Nước dùng có vị cay đặc trưng, vị sả thơm nồng được nấu theo công thức truyền thống xưa của người Huế. Để ăn được bát bún đúng điệu chuẩn vị thì các bạn nên đến thật sớm vì quán sẽ hết hàng rất nhanh.

quán ăn ngon ở huế

Bún bò mệ Kéo – 20 Bạch Đằng

Bữa trưa

Quán nằm trên trục đường đi chùa Thiên Mụ. Bánh ướt chủ yếu được làm từ bột gạo pha thêm hỗn hợp bột lọc là củ sắn xay nhuyễn, bánh ăn đến đâu tráng tới đó. Bánh ướt trắng mịn bên trong cuộn rau và thịt nướng, chấm cùng nước mắm ớt xanh. Cá nhân tôi thấy bánh ướt giống kiểu phở cuốn ở Hà Nội, miếng thịt được tẩm ướp thơm đậm vị.

Quán còn có món bún thịt nướng ăn kèm các loại rau thơm, đu đủ thái sợi, dưa chuột thái mỏng. Sau đó rưới thêm nước mắm nêm và lạc rang giã nhỏ rồi trộn đều lên sẽ cảm nhận được đủ vị chua, cay, mặn, ngọt hòa quyện.

Giá cả hợp lý mỗi món dao động từ 20.000 đến 30.000 VNĐ.

quán ăn ngon ở huế

Bánh ướt Huyền Anh – kiệt 52 Kim Long

Món này ngày xưa được gọi vui là cơm nhà nghèo vì nó bình dị và dân dã. Một bát cơm hến ở đây bao gồm cơm nguội, các loại rau sống, lạc rang sơ qua với dầu ăn trông bóng bẩy cùng với hành phi và tóp mỡ rồi rưới thêm một ít nước mỡ. Nếu muốn, các bạn có thể đổi sang mì, nguyên liệu vẫn giống y hệt chỉ là thay cơm bằng mì sợi. Đi kèm sẽ có hai bát canh hến có vị nhẹ nhàng và thanh mát. Chủ quán rất thân thiện, cởi mở, quán đã mở được gần 40 năm, giá chỉ từ 15.000 VNĐ. Tuy nhiên, nếu không quen, bạn có thể cảm thấy cơm hơi rời rạc. Nhưng một khi đã quen rồi thì “nghiện” không biết chừng.

quán ăn ngon ở huế

Cơm hến Hoa Đông – 64 kiệt 7 Ưng Bình, Vĩ Dạ

Quà chiều

Quán này ở gần cung An Định, mọi người có thể kết hợp đi thăm quan cung rồi ghé đây ăn. Quán sạch sẽ, thoáng mát, menu đa dạng các loại bánh có dán bảng giá to rõ ràng trên tường. Chỗ này bán theo kiểu gia đình, phục vụ nhanh nhẹn, nhiệt tình luôn tay luôn chân.

Tôi gọi bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo, bánh ram ít mỗi loại 1 đĩa, tổng thiệt hại là tầm 100.000 VNĐ. Nhìn chung bánh ở đây đều khá ngon và đầy đặn. Ấn tượng nhất là bánh bột lọc có con tôm siêu to và bánh nậm ăn lúc nóng hổi thơm phức ngon lắm nhé.

quán ăn ngon ở huế

Bánh nậm lọc bà Cư – 23 kiệt 177 Phan Đình Phùng

Quán bà Tý có tay nghề lâu đời, hai món làm nên sức hút của quán chính là nem lụi và bún thịt nướng. Quán chỉ mở lúc chiều từ 14h và đóng cửa lúc sẩm tối (khoảng 19h). Quán bày trí đơn giản, thoáng mát giá cả lại bình dân chỉ khoảng 35.000 VNĐ cho một bát bún đầy ắp thịt. Miếng thịt to dày đậm đà, nước trộn vừa vặn kết hợp cùng chút đồ chua ăn đưa đẩy, thêm cả chút giòn giòn ăn vui mồm của lạc rang. Sang đến món nem lụi khiến tôi thật sự bất ngờ vì siêu mập ú, chắc thịt. Món này cũng là thức quà khoái khẩu của học sinh nơi đây.

quán ăn ngon ở huế

Nem lụi/bún thịt nướng bà Tý – 81 Đào Duy Từ

Món ăn gia truyền này bắt nguồn từ ngôi làng quê nhỏ tên là Nam Phổ, giờ đây đã được bán rộng rãi khắp xứ Huế. Một bát bánh canh đúng điệu sẽ bao gồm sợi bánh màu trắng dai ngon, chả tôm, thịt và một chút hành lá. Bánh khá đặc nên cho thêm nhiều nước mắm ớt xanh sẽ dễ thưởng thức hơn. Giá của một bát bánh canh cũng rất bình dân chỉ khoảng 15.000VNĐ.

quán ăn ngon ở huế

Bánh canh Nam Phổ Thúy – 16 Phạm Hồng Thái

Chè Hẻm là một trong những địa chỉ ăn vặt vô cùng quen thuộc của người bản xứ và cả khách du lịch. Sở dĩ có tên là chè hẻm vì quán nằm sâu tít trong một con ngõ nhỏ. Menu chè của quán rất phong phú và đa dạng, giá cả phải chẳng chỉ từ 10.000-12.000 VNĐ. Chè xanh dừa của quán khá ngon, có vị bùi của đậu xanh, vị béo của nước cốt dừa. Chè bột lọc heo quay là một món chè độc lạ được thực khách khi đến quán gọi khá nhiều. Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị mặn của thịt, dai của bột lọc và vị ngọt của đường. Một sự kết hợp giữa mặn và ngọt khá thú vị và đáng thử.

quán ăn ngon ở huế

Chè Hẻm – 1 kiệt 29 Hùng Vương

Ăn đêm

Quán chủ yếu hoạt động về ban đêm, mở cửa từ 19h – 2h sáng ngày hôm sau. Quán lúc nào cũng nườm nượp khách đứng xếp hàng mua, nhưng đừng lo sẽ không phải đợi quá lâu đâu bởi các o luôn chân luôn tay làm nhanh thoăn thoắt.

Bánh mì ở đây be bé cỡ chỉ bằng bàn tay con gái nên phải hai cái mới thấy no. Chiếc bánh mì được bổ dọc bên trong ngập các loại nhân như: pate, chả, trứng, thịt xá xíu, thịt nguội, thịt nướng, nem chua… sau đó được tưới lên loại xốt “thần thánh” sền sệt, beo béo thơm mùi hạt tiêu. Một chiếc như thế được gọi là bánh mì lộn xộn (thập cẩm) có giá là 15.000 VNĐ.

Ngoài ra quán còn bán nước đậu ván vị đắng nhẹ nhưng uống siêu mát, giải nhiệt, giá một túi là 5.000 VNĐ.

quán ăn ngon ở huế

Bánh mì O Tho – 14 Trần Cao Vân

Kết

Không thương món ăn Huế sao được khi món nào cũng ngon và rẻ đến thế. Để rồi sau chuyến du lịch ngắn ngày, cảm giác vấn vương cứ còn mãi. Giờ đã có nhiều hàng đặt món ăn từ Huế đến tận những nơi khác xa hơn để bán, nhưng món ăn Huế phải ăn trên đất Huế mới thỏa mãn được mọi giác quan. Tôi đã sẵn sàng trở lại Huế, lần này có thể hát câu “Trở lại Huế thương, bài thơ khắc trong chiếc nón…” một cách thực sự rồi.