Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Nhu cầu vệ sinh cá nhân rất thiết yếu nhưng lại trở thành nỗi bức xúc của hành khách trên đường cao tốc thời gian qua.
Một số bạn đọc cho rằng mặc dù có sự cải thiện nhưng thực tế nhà vệ sinh ở nhiều nơi đang là chuyện đáng phải bàn, không chỉ ở các tuyến cao tốc.
Thậm chí theo một số ý kiến, nhà vệ sinh ở nhiều nơi tại Việt Nam còn gây tâm lý ngán ngại đối với khách nội địa cũng như du khách nước ngoài.
Một số ý kiến gợi ý rằng hãy nhìn xem cách làm du lịch từ nhà vệ sinh của người Nhật, đừng xem đây là chuyện nhỏ.
Chuyên gia về du lịch Nguyễn Văn Mỹ, người từng dẫn nhiều đoàn khách du lịch sang Nhật, chia sẻ về chuyện này.
Nhà vệ sinh có ghế giữ em bé, tay chống hỗ trợ người già
Mấy năm gần đây, lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản ngày càng tăng bởi sức hút của văn hóa Nhật.
Nhưng ấn tượng nhất với tôi, và cũng là của các thành viên đoàn Famtrip Nhật Bản bằng tàu điện Kintetsu chính là… nhà vệ sinh!
Vừa xuống sân bay Nagoya, một tỉnh nhỏ ở miền trung, đập vào mắt du khách là hệ thống nhà vệ sinh rất lạ. Sạch, thoáng, trang nhã, đa dạng về hình thức, kiểu dáng và tiện nghi.
Đa phần nhà vệ sinh đều có hệ thống máy lạnh (mùa hè) và sưởi ấm bàn cầu (mùa đông). Nước nóng điều chỉnh tự động xịt rửa và sấy khô, âm thanh và nhạc.
Ngoài ra, các chức năng phụ như ghế giữ em bé, bàn thay tã lót, tay chống hỗ trợ người già yếu, ổ cắm điện, bàn hoặc móc treo túi xách… Nhiều nơi còn có cả bộ điều chỉnh từ xa (remote).
Bên cạnh vẫn có những buồng vệ sinh mộc, chỉ trang bị bồn cầu bệt hoặc xổm.
Mấy bạn Nhật cho biết những bồn cầu này dành cho người hoài cổ hoặc khách các nước không quen sử dụng nhà vệ sinh hiện đại. Bồn rửa công cộng mà cứ như dịch vụ 4 – 5 sao, có thể uống nước trực tiếp từ các vòi.
Ở các tỉnh nhỏ và vùng nông thôn, nhà vệ sinh luôn biệt lập với bồn tắm. Vùng trung tâm thì thiết kế chung. Dù chung hay riêng đều tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc của nhà vệ sinh Nhật Bản, tiết kiệm và tận dụng từng tấc vuông diện tích một cách hợp lý nhất.
Người Nhật ít sử dụng tiếng Anh, chỉ sử dụng tiếng Nhật. Bù lại là các ký hiệu bằng hình ảnh rõ ràng, dễ hiểu. Dĩ nhiên, những ai lần đầu sử dụng cũng nên nhìn kỹ, không bấm lung tung để thử.
Khách sạn Nhật Bản thường không có sẵn nước chai. Nửa đêm khát, cứ vào toilet uống thoải mái. Hoặc dậy đun nước pha cà phê hay bỏ tiền xu lấy nước lon ngoài hành lang.
Đến Nhật Bản, chẳng phải bận tâm tìm kiếm hoặc ngại ngùng mùi xú uế. Nhật Bản có lẽ là nước duy nhất có Hiệp hội Các nhà vệ sinh (Japan Toilet Association).
Hằng năm, Hiệp hội Các nhà vệ sinh Nhật Bản có cuộc thiết kế nhà vệ sinh đẹp và ấn tượng, có giải thưởng về nhà vệ sinh.
Vì sao nhà vệ sinh được quan tâm?
Người Nhật quan niệm: Nhà vệ sinh là chốn riêng tư nhất, là nhu cầu quan trọng nhất nên cũng phải được ưu tiên nhất.
Còn nhớ, để chuẩn bị cho Olympic 2020 và Paralympic Games, chính phủ nước này còn tổ chức cả cuộc thi thiết kế nhà vệ sinh quốc gia và trao giải, vinh danh công trình nhà vệ sinh sáng tạo một cách trang trọng.
Họ thiết kế nhà vệ sinh không đơn thuần nhằm mục đích giải quyết nhu cầu mà còn đem tới sự tiện nghi cho người sử dụng, thậm chí chúng được nâng lên tầm nghệ thuật.
Bệ xí tại quốc gia này có chức năng làm ấm vào mùa đông, loại hiện đại hơn còn bao gồm cả hệ thống xịt nước, máy sấy, khử mùi và hệ thống âm thanh.
Người Nhật khẳng định hệ thống nhà vệ sinh tuyệt vời đã góp phần phát triển kinh tế và tạo nên bản sắc đặc thù văn hóa Nhật Bản.
Khắp đất nước Nhật Bản, nhà vệ sinh luôn luôn là RESTROOM đúng nghĩa nhất.
Nhà vệ sinh thiếu và bẩn là cách đuổi khách hiệu quả nhất. Nhà vệ sinh Nhật Bản là một trong những lý do để du khách đến và trở lại Nhật Bản.