Thiếu nữ Hà thành xúng xính bên cúc họa mi gọi gió đông

2
Thướt tha trong tà áo dài, nhẹ nhàng với trang phục nàng thơ, các thiếu nữ Hà thành yêu loài hoa gọi gió đông về của Hà Nội lại xúng xính check-in trong sắc trắng tinh khôi của cúc họa mi.
Thiếu nữ Hà thành xúng xính bên cúc họa mi gọi gió đông - Ảnh 1.

Cúc họa mi đầu đông khiến lòng yêu loài hoa này xao xuyến – Ảnh: NAM TRẦN

Chẳng biết từ bao giờ, cúc họa mi được ví như loài hoa gọi gió đông về của Hà Nội khi hoa đều đặn nở vào dịp cuối thu.

Những cánh hoa chúm chím, chỉ chờ gió mùa về là nở ra trắng muốt, khiến bao người mê hoa say đắm.

Thế nhưng năm nay cả mùa hoa và mùa đông có lẽ đều đến muộn. Phải gần cuối tháng 11, cúc họa mi mới chịu bung nở. 

Thiếu nữ Hà thành xúng xính bên cúc họa mi gọi gió đông - Ảnh 2.

Những cánh cúc họa mi bung nở trắng muốt đón gió đông về – Ảnh: NAM TRẦN

Mùa cúc họa mi năm nay không rộn ràng như những năm trước, bởi toàn bộ ruộng hoa trồng ở các bãi ven sông Hồng đều bị xóa sổ bởi trận lụt hồi tháng 9 sau cơn bão Yagi. 

Tuy nước rút ngay sau đó, nhưng do thời gian quá ngắn các chủ vườn không kịp trồng lại.

May mắn vài vườn hoa ở khu vực trong đê tuy chịu mưa, gió của bão số 3 nhưng vẫn phát triển tốt và đơm hoa đúng dịp gió mùa tràn về Hà Nội.

Thiếu nữ Hà thành xúng xính bên cúc họa mi gọi gió đông - Ảnh 3.

Các thiếu nữ Hà thành xúng xính bên cúc họa mi – Ảnh: NAM TRẦN

Chị Phạm Thị Hạnh, quản lý Thung lũng hoa Hồ Tây, cho biết cúc họa mi cần 3 tháng để sinh trưởng, phát triển và cho hoa.

Để hoa vào đúng vụ nhà vườn phải trồng từ tháng 8. Thế nhưng hoa vừa mới trồng được khoảng 1 tháng thì cơn bão số 3 ập đến khiến việc chăm sóc hoa gặp nhiều khó khăn hơn.

“Cúc họa mi là loài hoa đặc trưng của Hà Nội nên năm nào thung lũng hoa cũng dành một diện tích lớn để trồng. Vụ này, cúc họa mi được trồng trên sườn thoai thoải với diện tích khoảng 5.000m2.

Hoa được trồng thành hai đợt để thời gian hoa nở dài hơn, dự kiến mùa cúc họa mi năm nay kéo dài đến cuối tháng 12″, chị Hạnh chia sẻ.

Thiếu nữ Hà thành xúng xính bên cúc họa mi gọi gió đông - Ảnh 4.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều cô giáo cũng đến chụp ảnh với cúc họa mi lưu giữ kỷ niệm trong ngày đặc biệt – Ảnh: NAM TRẦN

Huyền Trang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bộc bạch chỉ biết đến cúc họa mi khi đến Hà Nội học và làm việc, nhưng vẻ đẹp thuần khiết của loài hoa này đã khiến cô phải lòng từ cái nhìn đầu tiên.

“Những năm trước từ cuối tháng 10 mình đã thấy cúc họa mi ngập các góc phố, con đường của Hà Nội, nhưng năm nay mùa hoa muộn hơn hẳn.

Với mình, lúc cúc họa mi bung nở cũng là dấu hiệu báo mùa đông đã đến rồi, chuẩn bị áo ấm thôi. Vừa hay hôm nay cũng là ngày Hà Nội đón cơn gió mùa đầu đông, nên mình đã tranh thủ lên lịch cùng bạn tới check-in mùa cúc họa mi đặc biệt này”, Huyền Trang chia sẻ.

Mùa cúc họa mi cũng mang lại thu nhập cao cho các thợ chụp ảnh. Theo anh Phan Anh Tú, mỗi mùa cúc họa mi, nhu cầu chụp ảnh lại tăng cao. Trung bình một buổi chụp cho các thiếu nữ anh kiếm được 5 – 10 triệu đồng.

“Với gói chụp sự kiện, chẳng hạn hôm nay chụp cho các cô giáo mình thu về khoảng 5 triệu đồng. Còn chụp riêng mẫu đơn lẻ thì khoảng 1,5 – 2,5 triệu/người”, anh Tú cho hay.

Thiếu nữ Hà thành xúng xính bên cúc họa mi gọi gió đông - Ảnh 5.
Thiếu nữ Hà thành xúng xính bên cúc họa mi gọi gió đông - Ảnh 6.
Thiếu nữ Hà thành xúng xính bên cúc họa mi gọi gió đông - Ảnh 7.

Các thiếu nữ xinh xắn bên cúc họa mi đầu đông – Ảnh: NAM TRẦN

Thiếu nữ Hà thành xúng xính bên cúc họa mi gọi gió đông - Ảnh 8.

Ở độ tuổi nào, cúc họa mi cũng khiến người ta phải si mê bởi màu trắng tinh khôi – Ảnh: NAM TRẦN

Thiếu nữ Hà thành xúng xính bên cúc họa mi gọi gió đông - Ảnh 9.

Nhiều bạn trẻ đến từ sớm check-in cùng loài hoa gọi gió đông về – Ảnh: NAM TRẦN

Thiếu nữ Hà thành xúng xính bên cúc họa mi gọi gió đông - Ảnh 10.

Các thợ ảnh chia sẻ kiếm vài triệu mỗi buổi chụp hình cùng cúc họa mi – Ảnh: NAM TRẦN