Hong Kong là một trong những thành phố có nhịp độ phát triển nhanh nhất trên thế giới, với những tòa nhà cao chọc trời, nhịp sống hối hả, gấp gáp, dường như ai cũng đang rất bận rộn. Nhưng Hong Kong cũng có những góc yên tĩnh và yên ả đến lạ kỳ. Điều thú vị hơn là giữa những toà nhà cao tầng đó, lọt thỏm một không gian thanh tịnh mà bạn không hề nghĩ lại cách xa mọi âm thanh ồn ào của cuộc sống. Đó chính là và khu vườn Nam Liên.
Thiền viện Chí Liên yên tĩnh giữa lòng Hong Kong
Thông tin về thiền viện Chí Liên (Chi Lin Nunnery)
Thiền viện Chí Liên là một ngôi chùa Phật giáo nằm ở Diamond Hill, khu vực Cửu Long với diện tích 3,6ha. Ngoài việc tổ chức các buổi lễ Phật giáo, thiền viện còn có một viện dưỡng lão, một thư viện và một trường tiểu học và trung học. Thiền viện Chí Liên được thành lập lần đầu tiên vào năm 1934, từng là nơi cho các nữ tu sĩ học tập và thực hành Phật giáo. Vào thời điểm đó, nội chiến Trung Quốc khiến rất nhiều người tị nạn chạy từ đại lục đến các khu vực lân cận Diamond Hill và Wong Tai Sin. Tu viện bắt đầu cung cấp các dịch vụ xã hội cho người tị nạn và thành lập một trường học dành cho trẻ em nghèo vào năm 1948. Năm 1957, thiền viện thành lập trại trẻ mồ côi và nhà dưỡng lão.
Năm 1988, việc xây dựng đường hầm Tate’s Cairn đòi hỏi chính quyền Hong Kong phải phá hủy thiền viện và một số tòa nhà xung quanh. Tuy nhiên, bằng sự hỗ trợ của các nhà tài trợ trong và ngoài nước đã giúp xây dựng lại thiền viện vào năm 1989. Lúc này, thiền viện Chí Liên đã được xây dựng mới theo phong cách kiến trúc của nhà Đường (618-907). Các tòa nhà được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên như gỗ bách, đá và ngói lợp bằng gốm. Điều đặc biệt là thiền viện là một ma trận các dầm gỗ bách lồng vào nhau vì vậy các thợ thủ công không cần sử dụng một chiếc đinh nào để làm nên công trình này. Đây được coi là tòa nhà bằng gỗ thủ công lớn nhất nhì thế giới.
Thiền viện Chí Liên được coi là tòa nhà bằng gỗ thủ công lớn nhất nhì thế giới.
Thiền viện Chí Liên đã được xây dựng theo phong cách kiến trúc nhà Đường
Thiền viện chính thức mở cửa cho khách du lịch tham quan vào năm 2000, cùng với khu vườn Nam Liên (Nan Lian) liền kề. Khu phức hợp bao gồm 16 hội trường, sân trong, thư viện, chùa, tháp chuông, tháp trống và ao sen. Vẻ đẹp và sự thanh bình của thiền viện Chí Liên và vườn Nam Liên khiến nơi đây trở thành địa điểm nổi tiếng đối với du khách.
Năm 2012, thiền viện Chí Liên đã được đưa vào Danh sách dự kiến Di sản Văn hóa Thế giới của Trung Quốc.
Nơi yên bình giữa thành phố nhộn nhịp
Chốn yên bình giữa thành phố nhộn nhịp
Bước xuống MTR tại Diamond Hill, ra khỏi trung tâm mua sắm Hollywood Plaza, mình đi bộ theo bảng chỉ dẫn để tới thiền viện Chí Liên. Chỉ vài phút sau, một cây cầu bê tông kỳ lạ bắc qua dòng xe cộ hiện ra trước mắt. Cây cầu sẽ đưa các bạn thoát ra khỏi thế giới ồn ào của ô tô, khói bụi và bước vào cõi thiên đường. Đứng trên cầu, bạn sẽ thấy cả thiền viện được bao quanh bởi những hàng cây bonsai và tòa nhà cổng gỗ trang nhã. Thật khó để tin rằng chỉ vài bước chân ngắn ngủi đã đưa mình từ thế giới này đến một thế giới khác.
Chỉ vài bước chân từ bến tàu điện ngầm là một thế giới khác
Cảm nhận đầu tiên của mình khi đặt chân vào thiền viện là cảm giác nhẹ nhàng và hết sức thư thái bởi sự hài hoà của kiến trúc và thiên nhiên. Mình tự hỏi tại sao bên ngoài đường xá ồn ào, tiếng còi xe, tiếng động cơ to như vậy mà chỉ qua một cách cổng, dường như mình chẳng còn nghe thấy một âm thanh náo động nào nữa, chỉ còn một không gian êm ả và thanh tịnh như vậy. Thiền viện Chí Liên thực sự là một ốc đảo yên tĩnh giữa lòng thành thị. Đây là một quần thể kiến trúc rộng lớn với sân vườn rộng thoáng cùng với các tòa chính điện được chạm khắc công phu và những thánh tích Phật pháp kỳ vĩ. Trong Phật giáo, hoa sen tượng trưng cho sự giác ngộ, khi nó mọc lên từ bùn lầy, sức sống mãnh liệt và nở hoa tuyệt đẹp. Nụ sen đặc biệt này đã nở rộ tại thiền viện Chí Liên vì Chí Liên có nghĩa là “khát vọng hoa sen”.
Chí Liên có nghĩa là “khát vọng hoa sen”
Cổng Núi (Mountain Gate) được lợp bằng mái ngói đen dày, kết hợp hoàn hảo với ngọn đồi xanh ở phía sau, tên của cổng này thường được sử dụng cho lối vào các ngôi chùa Phật giáo Trung Quốc tượng trưng cho việc bạn bước vào bên trong ngọn núi và bỏ lại phía sau những phiền nhiễu của cuộc sống thế tục.
Thiền viện Chí Liên được xây dựng theo phong cách kiến trúc ngôi chùa thời nhà Đường với cảm hứng được lấy từ một bức bích họa trong hang động Mạc Cao. Đi sâu vào sân đầu tiên bên trong sẽ là Vườn Ao sen (Lotus Pond Garden) với những bông hoa sen, hoa súng đang nở rộ. Có khoảnh khắc mình tưởng như đang ở Nhật Bản khi nhìn thấy chiếc ao được bởi cây cảnh và hòn non bộ. Ở cuối sân, Điện Thiên Vương (Hall of the Heavenly Kings) là một trong những công trình kiến trúc nổi bật của thiền viện. Nằm cạnh tháp trống và tháp chuông, điện thiên vương có mái bằng vàng, giống kiến trúc của toà thiền điện Nhật Bản. Bên trong có bốn bức tượng khổng lồ của Thiên Vương – vị thần canh gác bốn phương và bảo vệ Phật giáo. Bên kia sảnh là sân thứ hai, trồng rất nhiều ụ cỏ và cây cảnh, ngọn đèn Trí tuệ (Lamp of Wisdom) bằng đồng được trang trí công phu. Không gian mang đến cho mình cảm giác thoải mái với sự kết hợp hài hòa giữa hình khối màu xanh lá cây dịu nhẹ và sảnh gỗ tối màu. Ở phía xa của sân là sảnh Anh hùng vĩ đại (Hall of the Great Hero), chính điện có các bức tượng vàng của Đức Phật, hai bên là hai đệ tử của ông là Ma-ha Ca-diếp (Mahakasyapa) và Ananda, Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền bồ tát – những bậc giác ngộ chưa nhập niết bàn để giúp đỡ người khác thoát khỏi vòng luân hồi.
Vườn Ao sen (Lotus Pond Garden)
Bên phải của thiền viện là khu vườn Nam Liên rộng 3,5ha, khu vườn cổ điển tuyệt đẹp này là khu vườn kiểu nhà Đường được đồng tài trợ bởi thiền viện Chí Liên và chính phủ Hong Kong. Nó được khai trương vào năm 2006 và giống như lá phổi xanh giữa lòng thành phố. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt mình là tòa nhà vàng ở trung tâm công viên. Được ngăn cách với phần còn lại của không gian bằng một con hào và hai cây cầu gỗ màu đỏ, Đình của sự hoàn hảo tuyệt đối (Pavilion of Absolute Perfection) là một tác phẩm kiến trúc cổ điển tuyệt đẹp và thơ mộng.
Vườn Nam Liên
Vườn Nam Liên
Vườn Nam Liên
Khi dạo quanh thiền viện Chí Liên, mình loáng thoáng thấy các nữ tu dâng trái cây và cơm cho Đức Phật và các vị La Hán hoặc những đệ tử Phật giáo tụng kinh sau những tấm bình phong. Mình cảm thấy vừa bình an, vừa thâm trầm, rồi mình lại nhìn thấy những tòa nhà cao tầng được ở phía sau thiền viện. Thật là một cảm giác thú vị, bởi đây chính là sự tương phản giữa cũ và mới, giữa ồn ào và bình yên.
Tại thiền viện có một quán trà và một nhà hàng ăn chay trang nhã và lịch sự, món ăn phong phú và đẹp mắt và nhiều sự lựa chọn khác như dim sum, cơm và mì. Cuối tuần, bạn có thể ngồi uống trà chiều và thưởng thức chút bánh ngọt, đồ ăn nhẹ, dim sum và đồ uống. Bạn có thể dừng lại quán trà, thưởng thức những ly trà nóng hổi, thơm lừng trong không gian nhẹ nhàng, thư thái và yên tĩnh.
Một số lưu ý khi tới tham quan thiền viện Chí Liên
Cách đi: Bạn đi metro tới trạm Diamond Hill (thông thường mất khoảng 20 phút từ trạm Tsim Sha Tsui và khoảng 30 phút từ trạm Admiralty/Central). Sau khi tới trạm Diamond Hill bạn đi theo các biển chỉ dẫn từ nhà ga, mất khoảng 5 phút đi bộ đến thiền viện.
Giờ mở cửa: Sảnh chính từ 9h đến 16h30, Sân vườn và ao từ 7h đến 19h
Giá vé vào cửa: Miễn phí
Điện thoại: +852 2354 1888
Nhà hàng Chay ở thiền viện
Đắm mình trong suy nghĩ miên man, mải mê ngắm nhìn từng góc nhỏ của khu vườn và thiền viện, chẳng biết tự lúc nào mình đã ra tới cổng dẫn ra đường và ga tàu điện ngầm gần đó. Dù đã quay trở lại thế giới của còi xe và nhịp sống hối hả nhưng dường như sự trong trẻo và thanh tịnh vẫn còn vương vấn trong tâm trí của mình. Đến thăm giống như mình tạm thời rời khỏi sự ồn ào náo nhiệt trong một thời gian ngắn, giống như tìm thấy một ẩn náu yên bình giữa thành phố ồn ào của Hong Kong.