Tháp Po Dam – cụm đền tháp Champa đặc biệt ở Bình Thuận

33

Tháp Po Dam (hoặc Pô Tằm) ở huyện Tuy Phong là một trong hai cụm tháp Champa cổ xưa còn tồn tại trên đất Bình Thuận, cùng cụm tháp Po Sha Inu ở thành phố Phan Thiết. Tuy nhiên, Po Sha Inu được rất nhiều du khách biết đến, còn cụm tháp Po Dam lại được rất ít người biết đến.

Cụm tháp Po Dam nằm heo hút bên một sườn núi vắng, tưởng chừng đã bị quên lãng

Cụm tháp Po Dam nằm heo hút bên một sườn núi vắng, tưởng chừng đã bị quên lãng

Đôi nét về cụm tháp Champa “heo hút” ở xứ Panduranga xưa

Lữ Phong từ lâu đã có mối quan tâm đến văn hóa Champa cùng các ngôi tháp Champa cổ kính nằm rải rác trên dải đất miền Trung và Tây Nguyên. Mối quan tâm ấy tình cờ đến với y trong một chuyến rong ruổi độc hành bị lỡ độ đường, phải nghỉ đêm ở lại Phan Rang, rồi được bằng hữu ở thành phố này dẫn lên tham quan tháp Po Klaung Garai nổi tiếng.

Thực ra có những mối duyên rất kỳ lạ. Qua lại ngang dọc miền Trung – Tây Nguyên suốt, nhìn thấy những cụm tháp Champa suốt bao nhiêu năm, chẳng thấy có gì đặc biệt. Rồi tình cờ một ngày chợt nhận ra, nhưng ngôi tháp cổ bằng gạch ấy thật là những công trình kiến trúc, điêu khắc hết sức đặc sắc. Và rồi cắm đầu vào tìm hiểu, càng tìm hiểu càng thấy mê, càng thấy cần tìm hiểu thêm nhiều nữa về Champa, văn hóa Champa.

“Bập” vào Champa một thời gian, Lữ Phong bắt đầu hệ thống lại những cụm đền tháp Champa cổ xưa hiện còn tồn tại, lập kế hoạch đến tất cả những ngôi tháp ấy để chiêm ngưỡng, để tìm hiểu thêm, và trong thời gian sau đó, y đọc được khá nhiều điều thú vị về văn hóa Champa, về những công trình kiến trúc, điêu khắc Champa – mà có những chuyện lại khác hẳn những gì các trang mạng cứ copy lại của nhau.

 Tháp Po Dam nằm ở một vị trí khá heo hút, cách xa khu dân cư

Tháp Po Dam nằm ở một vị trí khá heo hút, cách xa khu dân cư

Tháp Po Dam là một trong những khu đền tháp Champa khiến Lữ Phong hứng thú nhất, bởi vị trí đặc biệt của nó tại sườn một ngọn núi cách xa các khu dân cư ở huyện Tuy Phong, bởi cả sự khác biệt về quy mô và hình dáng những ngôi tháp ở cụm tháp này so với những cụm đền tháp ở khu vực Bình Thuận – Ninh Thuận (xứ Panduranga của Champa xưa) xung quanh. Bởi vậy, nhất định là y phải tìm đến cụm tháp cổ này thôi.

La cà đi thăm tháp cổ Po Dam

Để đến tháp Po Dam, nếu đi xe đò thì phải đến Liên Hương, sau đó bắt xe ôm hoặc thuê xe máy từ Liên Hương lên tháp (khoảng 8km). Nhưng vì còn muốn la cà ngắm cảnh trên đường, và muốn chủ động đến tháp, nên Lữ Phong đi xe máy cá nhân.

Hành lý chất lên chú ngựa sắt cũng khá gọn nhẹ. Chạy xe máy thì có nhiều phương án để tới Liên Hương, nhưng Lữ Phong ưu tiên cho mình la cà ở khu vực Bàu Trắng, nên y chọn cách chạy QL1A ra tới Lương Sơn để rẽ vào đường Lương Sơn – Hòa Thắng – Phan Rí. Đây là cung đường nổi tiếng của dân phượt cách đây chừng chục năm, và cũng chừng ấy năm Lữ Phong mới trở lại, nhưng y thấy rằng, nó vẫn đẹp, vẫn rất đáng đi … hơn cả thời chục năm trước. Ngoài QL1A ồn ào bụi bặm bao nhiêu, thì vào ĐT716 lại tĩnh lặng, trong lành bấy nhiêu.

Một khung cảnh tuyệt đẹp mở ra trên đường ĐT716

Một khung cảnh tuyệt đẹp mở ra trên đường ĐT716

Con đường uốn lượn giữa theo những con dốc vừa phải, xuyên giữa những cánh rừng thấp lúp xúp, thỉnh thoảng một bình nguyên xanh ngắt lại hiện ra sau đỉnh dốc. Và, như mọi khi, hành trình của Lữ Phong bắt đầu tốn thời gian. Trên QL1A, Lữ Phong tranh thủ chạy mải miết bao nhiêu, thì đến khúc này, y la cà bấy nhiêu.

Phong cảnh tuyệt đẹp và thanh bình, đường rất vắng nên thoải mái la cà

Phong cảnh tuyệt đẹp và thanh bình, đường rất vắng nên thoải mái la cà

Một mình một ngựa rong ruổi trên một bình nguyên bao la, những chiếc chong chóng phong điện khổng lồ màu trắng bắt đầu lô nhô xuất hiện phía xa, khiến tốc độ di chuyển của lãng khách chậm hẳn lại, bởi y đã lôi máy ảnh và chân máy ra, loay hoay chụp tới chụp lui, rồi lên xe đi chưa được bao xa, lại tấp ngựa ven đường, vác chân máy ra giữa đường, ngắm ngắm chụp chụp (bởi đường rất vắng, thỉnh thoảng lắm mới có xe chạy qua, nên có thể nhận ra từ rất xa mà thu dọn chiến trường)

Khu du lịch Bàu Trắng, với các dịch vụ xe bán tải tham quan đồi cát

Khu du lịch Bàu Trắng, với các dịch vụ xe bán tải tham quan đồi cát

Chạy đến ngang Bàu Trắng, tự nhiên thấy mây vần vũ, vì lo mưa tới nên Lữ Phong xếp la cà lại, mải miết lên đường, hơn 20km đường Bàu Trắng – Phan Rí tuyệt đẹp xuyên qua sa mạc cát, y cũng không dừng chụp tấm ảnh nào.

Cụm tháp Po Dam cổ tưởng chừng bị lãng quên nơi rừng núi

Lo muộn, Lữ Phong bỏ qua luôn không dừng lại Liên Hương, bởi việc kiếm chỗ nghỉ thì muộn một chút không sao, chứ lên tháp mà muộn thì hỏng kế hoạch.

Đường đi từ ngã tư Liên Hương lên tháp Po Dam ngoằn ngoèo với con đường không tên, xuyên qua khu dân cư gần UBND xã Phú Lạc, băng qua cánh đồng mênh mông, chui qua gầm cầu đường sắt Bắc Nam là tới cụm tháp. Cụm tháp cổ nằm trên sườn núi, ở độ cao chỉ khoảng hơn 10 với mặt đường mòn dưới chân núi, gần như chìm khuất dưới tán cây rừng trong buổi chiều, với các ngôi tháp cổ khá nhỏ, với phần thân và mái đã hư hại rất nặng nề – dù trước đó đã từng được tu sửa.

Cụm tháp Po Dam khi lần đầu Lữ Phong đến, chỉ còn 3 ngôi tháp và 2 bức vách của ngôi tháp thứ 4 (ngay kề sau 2 ngôi tháp bên trái bức ảnh)

Cụm tháp Po Dam khi lần đầu Lữ Phong đến, chỉ còn 3 ngôi tháp và 2 bức vách của ngôi tháp thứ 4 (ngay kề sau 2 ngôi tháp bên trái bức ảnh)

Một điểm đặc biệt nữa ở cụm tháp này là 3 trong 4 ngôi tháp còn giữ được hình thù, đều có cửa chính hướng chếch về phía Nam (không như đa số những ngôi tháp Chăm khác có cửa chính mở về hướng Đông). Và cũng bởi cụm tháp nằm ở sườn phía Đông của núi Ông Xiêm, nên mặc dù chiều chưa muộn lắm, nhưng những tia nắng đã không còn rọi xuống tới chúng được nữa, khiến không gian càng trở nên cô tịch.

Một đoàn tàu hàng chạy ngang qua cụm tháp Po Dam, đường mòn dưới chân núi vắng ngắt

Một đoàn tàu hàng chạy ngang qua cụm tháp Po Dam, đường mòn dưới chân núi vắng ngắt

Các tài liệu khảo cổ ghi nhận rằng ở cụm tháp này có 6 ngôi tháp, chia thành hai khu phía Nam và phía Bắc, nhưng nay chỉ còn 3 ngôi tháp cùng phế tích của ngôi tháp thứ tư – chỉ còn lại một góc giao của hai mảng tường. Cụm phía Bắc còn lại ngôi tháp lớn và lành lặn nhất; cụm phía Nam còn 2 tháp và 1 phế tích đứng sát cạnh nhau, đều là dạng tháp lùn và nhỏ. Trong đó phần mái của ngôi tháp Tây Nam đã hư hại đến mức có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Sự đổ nát của cụm tháp Champa cổ kính giữa rừng núi Tuy Phong

Sự đổ nát của cụm tháp Champa cổ kính giữa rừng núi Tuy Phong

Ngôi tháp phía Bắc lớn nhất và còn lành lặn nhất, với dấu tích tu bổ còn để lại rõ

Ngôi tháp phía Bắc lớn nhất và còn lành lặn nhất, với dấu tích tu bổ còn để lại rõ

Tuy phần mái đã hư hỏng nhiều, và phần thân tháp cũng đã từng được tu bổ, gia cố, nhưng trên thân ngôi tháp lớn nhất này vẫn còn lưu giữ được những mảng điêu khắc trực tiếp trên gạch vô cùng quý giá, mà nhờ vào việc so sánh những chi tiết điêu khắc này với các ngôi tháp khác trên dải đất miền Trung, mà người ta tạm thời xác định niên đại của ngôi tháp này được xây khá sớm, ở vào khoảng thế kỷ IX.

Nhờ những nét điêu khắc cổ xưa còn lưu lại trên tháp Bắc, mà người ta tạm xác định rằng nó được xây dựng từ rất sớm, và đã tồn tại hơn 1.000 năm

Nhờ những nét điêu khắc cổ xưa còn lưu lại trên tháp Bắc, mà người ta tạm xác định rằng nó được xây dựng từ rất sớm, và đã tồn tại hơn 1.000 năm

Nắng chiều trốn dần về phía Tây, nên cụm tháp nằm bên sườn Đông của ngọn núi sớm trở nên âm u, nhưng từ đây phóng tầm mắt về phía Đông – phía biển – thì vẫn thấy bình nguyên phía xa vẫn còn chút dương quang cuối ngày, những cánh quạt phong điện cứ từ từ quay trên nền trời chiều.

Những trụ phong điện Tuy Phong, nhìn từ tháp Po Dam

Những trụ phong điện Tuy Phong, nhìn từ tháp Po Dam

Dạ thần đang dần phủ bóng xuống khu tháp cổ Po Dam

Dạ thần đang dần phủ bóng xuống khu tháp cổ Po Dam

Bóng tối dần buông xuống rừng núi, bóng tháp mờ dần, lẫn vào tán cây rừng. Không gian vô cùng vắng lặng, u tịch. Lữ Phong rời khu tháp cổ trở lại Liên Hương tìm chỗ nghỉ. Đêm ấy, y thay đổi kế hoạch, không trở lại tháp Po Dam vào hôm sau nữa, mà thẳng tiến ra Phan Rang để thăm ông cụ coi tháp Po Rome, bởi cũng đã lâu y chưa ghé thăm cụ.

… Nhưng tháp Po Dam không bị lãng quên

“Lần đầu tiên gặp nhau” ấy khiến Lữ phong cảm thấy buồn và tiếc thương cho số phận cụm tháp cổ Po Dam, y nghĩ rằng có lẽ giới khoa học, và cả cư dân Chăm quanh vùng đã quên lãng khu đền tháp ấy. Vì buồn chuyện ấy mà chuyến đi ấy của y đoạn sau đã thay đổi hẳn so với kế hoạch ban đầu.

Nhưng may mắn thay, Lữ Phong đã nhận định sai. Tháp Po Dam chưa bao giờ bị giới khoa học hay cộng đồng Chăm ở Tuy Phong quên lãng. Không lâu sau đó, tháp Po Dam được tỉnh Bình Thuận đầu tư trùng tu lớn, kết hợp nghiên cứu khảo cổ. Các ngôi tháp được tu bổ, phục dựng lại theo những kết quả nghiên cứu kỹ lưỡng (có lẽ vì sự chuẩn bị này khá mất thời gian, nên một thời gian dài, cụm tháp phải “chờ” trong tình trạng xuống cấp nặng).

Tháp Tây Nam và Đông Nam đã được trùng tu khang trang

Tháp Tây Nam và Đông Nam đã được trùng tu khang trang

Ngôi tháp thứ 4 cũng được phục dựng lại từ góc tường cổ xưa, và đặc biệt công tác khảo cổ trong thời gian trùng tu, đã tìm thấy thêm nhiều dấu tích những công trình khác, cũng như phát lộ dãy bậc thang xây bằng gạch dẫn từ chân núi lên khu tháp. Điều này chứng tỏ rằng, xưa kia nơi đây là một quần thể công trình tôn giáo lớn của người Champa xứ Panduranga.

Bậc thang cổ từ chân núi lên tháp được tìm thấy, ngôi tháp thứ 3 ở cụm phía Nam được phục dựng lại từ hai mảng tường cổ còn sót lại

Bậc thang cổ từ chân núi lên tháp được tìm thấy, ngôi tháp thứ 3 ở cụm phía Nam được phục dựng lại từ hai mảng tường cổ còn sót lại

Không những thế, những lễ hội truyền thống đang được bà con người Chăm ở Tuy Phong lên kế hoạch tái tổ chức sau khi đền tháp được trùng tu khang trang. Nhiều báo hoặc trang mạng đưa ra thông tin rằng, hàng năm bà con Chăm tổ chức lễ hội Kate trên tháp Po Dam, thực ra điều đó không đúng, nhưng họ vẫn tổ chức một số lễ hội truyền thống khác trên cụm tháp cổ này – mặc dù thời gian trước đây bị gián đoạn rất lâu, nhưng sau khi tháp được trùng tu lại, họ đang bắt đầu khôi phục lại việc tổ chức các lễ hội truyền thống của mình trên tháp.

Tháp trung tâm (đã được trùng tu lại bộ mái) trong một buổi chuẩn bị cho lễ hội

Tháp trung tâm (đã được trùng tu lại bộ mái) trong một buổi chuẩn bị cho lễ hội

Cụm tháp Po Dam đã “hồi sinh”, kết hợp cùng các điểm du lịch nổi tiếng ở khu vực Liên Hương như: chùa Cổ Thạch, bãi đá bảy màu Cổ Thạch, cù lao Câu, cánh đồng quạt gió Tuy Phong, … sẽ thu hút nhiều du khách trong thời gian tới.

Lễ hội đầu tiên được tái tổ chức trên khu tháp Po Đam là Lễ cầu an (Yuer Yang Po Dam) năm 2022. Đây là lễ hội đặc sắc của bà con Chăm Tuy Phong, nhất định Lữ Phong sẽ kể lại cho các bạn trong một bài viết khác nhé.