Thành phố “yêu ma” Sakaiminato và bến cảng Miho

31

Đối với những tín đồ của bộ truyện tranh nổi tiếng như “Thám tử lừng danh Conan”, “Gegege ở xứ sở yêu ma” chắc hẳn ai cũng mong muốn một lần được đặt chân đến xứ sở của anime và manga để có thể có những trải nghiệm độc lạ có một không hai. Là một fan cuồng của văn hóa 2D, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến Tottori – nơi được mệnh danh là “vương quốc Manga”, bởi nơi đây là nơi chôn nhau cắt rốn của hàng loạt những tên tuổi họa sĩ Manga trứ danh.

Về mặt địa lý, Tottori là một trong những tỉnh thành có dân cư thưa thớt nhất Nhật Bản, là vùng ven biển với những thị trấn mang đậm chất thôn quê của Nhật Bản. Ngoài những địa điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn thu hút khách du lịch, bộ truyện tranh “Gegege ở xứ sở yêu ma” của tác giả Shigeru Mizuki đã có công lao to lớn trong việc biến thị trấn Sakaiminato hoang sơ, hẻo lánh nói riêng, và thành phố Tottori nói chung trở nên tấp nập, có sức sống hơn.

Thành phố “yêu ma” Sakaiminato

Di chuyển đến thành phố Sakaiminato

Do nơi đây là một vùng ít khách du lịch nên chưa có nhiều tuyến giao thông được khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn dành cho du khách như:

Vùng Chugoku có vị trí địa lý giáp với biển Nhật Bản, gần với Hàn Quốc nên nơi đây cũng là vùng có khí hậu lạnh hơn những khu vực khác tại Nhật. Mình đi tầm cuối tháng 12 là lúc tuyết bắt đầu ngừng rơi nhưng chưa tan, nên mình cực kì đề xuất trải nghiệm vừa ngồi tàu vừa ngắm những căn nhà lấp ló bên dưới lớp tuyết dày trắng xóa.

Ga Yonago

Sau khi đến ga Yonago, mình bắt tàu tiếp đến ga Sakaiminato. Khi đến ga Yonago, mình cực kì bất ngờ với cách trang trí khu nhà ga từ máy bán hàng tự động, cầu thang, biển báo giờ tàu chạy, thậm chí đến cả thân tàu,… đều sặc sỡ màu sắc, bắt mắt với các nhân vật hoạt hình.

Cả thân tàu là hình ảnh các nhân vật trong bộ manga Conan, dòng chữ trên thân tàu có ý nghĩa “Tottori - vương quốc Manga”

Cả thân tàu là hình ảnh các nhân vật trong bộ manga Conan, dòng chữ trên thân tàu có ý nghĩa “Tottori – vương quốc Manga”

Tuyến Sakaisen là tuyến nối giữa ga Yonago và ga Sakaiminato, đặc trưng bởi 6 con tàu đều được trang trí các nhân vật trong bộ truyện “Gegege ở xứ sở yêu ma”

Tuyến Sakaisen là tuyến nối giữa ga Yonago và ga Sakaiminato, đặc trưng bởi 6 con tàu đều được trang trí các nhân vật trong bộ truyện “Gegege ở xứ sở yêu ma”. Nhà ga số 0 cũng vô cùng đặc biệt bởi các nơi khác nhà ga thường bắt đầu là số 1

Ga Sakaiminato và sự mến khách của người dân địa phương

Sau khi đến ga Sakaiminato, mình càng ấn tượng hơn nữa bởi sự thân thiện, đón tiếp nồng hậu của những bác nhân viên tại ga. Một trong những điều mình hay làm sau khi đặt chân đến một ga tàu ở Nhật là chạy lăng xăng đi tìm những con dấu. Mỗi nhà ga tại Nhật đều có một biểu tượng con dấu riêng và ga Sakaiminato cũng không ngoại lệ. Thông thường mình sẽ tự triện dấu, nhưng bác soát vé tàu đã đến và giúp mình triện dù công việc không nặng nhọc tí nào. Trong lúc mình lóng ngóng ở tủ coin locker (tủ gửi đồ trả bằng tiền xu) thì bác đã chủ động ra hỏi mình gặp vấn đề gì và còn chạy đi hỏi mọi người đổi tiền xu cho mình nữa. Trong lúc trao đổi bằng tiếng Nhật, chắc bác cũng đã nhận ra mình là người ngoại quốc nên bác còn bập bẹ khen mình mấy câu bằng tiếng Anh cực kì đáng yêu.

Cổng vào nhà ga với những đường nét ngoằn ngoèo khiến các em nhỏ hú hét cực kì thích thú

Cổng vào nhà ga với những đường nét ngoằn ngoèo khiến các em nhỏ hú hét cực kì thích thú

Thu thập các con dấu trên con đường “yêu quái” Shigeru Mizuki

Trước khi du lịch tại đây, mình đã tham khảo các website du lịch của tỉnh và được mách cho cách khám phá thị trấn này đó là mua một cuốn sổ để thu thập các con dấu in hình những nhân vật ma, yêu quái xuất hiện trong bộ truyện. Ngay gần nhà ga là con đường Shigeru Mizuki được đặt theo tên tác giả cùng với hơn 150 bức tượng đồng được đúc tinh xảo mô phỏng theo hình tượng những nhân vật yêu ma trong truyện.

Sảnh trước nhà ga được rất nhiều các em nhỏ check in

Sảnh trước nhà ga được rất nhiều các em nhỏ check in

Dọc suốt con đường dài hơn 800m ẩn chứa những con dấu in hình yêu ma mà bạn phải tự khám phá qua tấm bản đồ in trong cuốn sổ. Mỗi trang trong cuốn sổ đều có một ô vuông to để các bạn đóng dấu, và còn kèm thêm những dòng thông tin sơ lược về loại yêu quái đó. Hoạt động này được các em nhỏ đặc biệt yêu thích, nên dọc con đường đâu đâu cũng líu lo tiếng các em í ới gọi bố mẹ để khoe thành quả triện dấu của mình.

Ngôi đền thờ yêu quái với nơi rửa tay, súc miệng trước khi vào đền là hình con ngươi - bố của nhân vật chính Kitaro

Ngôi đền thờ yêu quái với nơi rửa tay, súc miệng trước khi vào đền là hình con ngươi – bố của nhân vật chính Kitaro

Trải nghiệm Kaisendon với món cua tuyết đỏ trứ danh

Sakaiminato là một thành phố ven biển nên tất nhiên hải sản nơi đây vô cùng tươi ngon. Thị trấn này nổi tiếng trên cả nước với hai đặc sản là cua tuyết đỏ và cá ngừ vây xanh.

Cua tuyết đỏ cùng với những loại cá đặc trưng của vùng được ốp gạch lát trên vỉa hè

Cua tuyết đỏ cùng với những loại cá đặc trưng của vùng được ốp gạch lát trên vỉa hè

Chân dung một bát Kaisendon (cơm hải sản) được phục vụ bao gồm cơm cùng những loại cá tươi ngon theo mùa.

Chân dung một bát Kaisendon (cơm hải sản) được phục vụ bao gồm cơm cùng những loại cá tươi ngon theo mùa. Du khách có thể lựa chọn để các loại cá ra đĩa riêng như khi ăn sashimi hoặc để chung với cơm trong bát như trên hình. Một suất ăn phong phú và đầy đặn với giá siêu rẻ chỉ từ 1200 yên (~200.000 VND)

Nếu dư dả thời gian, du khách có thể bắt xe buýt hoặc đi bộ ra khu chợ hải sản cách ga tàu không xa. Bên trong chợ hải sản bán những đặc sản đồ đông lạnh, súp cơm hải sản ăn liền,… và là thiên đường cua tuyết đỏ cho ai có nhu cầu mua mang về. Giá bán cua tuyết đỏ dao động từ 3000 yên – 20000 yên/ con (~340.000 – 500.000 VND).

Khu bán cua tuyết đỏ đắt nhất trong chợ hải sản

Khu bán cua tuyết đỏ đắt nhất trong chợ hải sản

Quầy hải sản nướng với món mực, hàu nướng cực kỳ tươi và mọng nước

Quầy hải sản nướng với món mực, hàu nướng cực kỳ tươi và mọng nước

Cảng Miho và đền Miho

Sau khi dùng bữa trưa xong, mình quay lại khu nhà ga để bắt xe buýt đến cảng Miho. Làng chài Miho không trực thuộc tỉnh Tottori mà thuộc tỉnh Shimane, tuy nhiên cảng chỉ cách thành phố Sakaiminato một cây cầu và tốn khoảng 30 phút di chuyển nên mọi người có thể cân nhắc di chuyển cả hai địa điểm trong cùng một ngày. Mình đến quầy thông tin du lịch tại ga để hỏi về lịch trình xe buýt chạy và được biết chỉ còn 2 chuyến cuối cùng trong ngày để ra cảng. Nếu bắt chuyến đầu tiên thì sẽ kịp giờ để bắt chuyến cuối cùng từ cảng về đến ga. Thời gian khá gấp khiến mình cũng lo lắng vì sợ không bắt kịp chuyến về và bị kẹt lại ở cảng mà không có chỗ nghỉ. Nhưng lại một lần nữa sự hiếu khách, thân thiện của mọi người tại ga đã giúp mình bớt lo lắng hơn rất nhiều.

Dòng nước ngăn cách thị trấn Sakaiminato và cảng Miho

Dòng nước ngăn cách thị trấn Sakaiminato và cảng Miho

Trên chuyến xe buýt ra đảo chỉ vỏn vẹn có 3 hành khách tính cả mình, xe khá nhỏ thuộc loại xe 16 chỗ, không có hỗ trợ trả bằng thẻ IC nên nếu ai đi nhớ chuẩn bị tiền xu lẻ (giá vé 200 yên ~ 34.000 VND cho một lượt di chuyển). Bác lái xe hỏi điểm dừng chân của từng hành khách và còn dặn dò kỹ càng về giờ và địa điểm đón cho chuyến cuối quay lại ga.

Khung cảnh làng chài tĩnh lặng, nên thơ hệt như phong cảnh Âu Châu.

Khung cảnh làng chài tĩnh lặng, nên thơ hệt như phong cảnh Âu Châu.

Cảng nhìn thẳng ra núi Daisen- một trong những ngọn núi linh thiêng nhất Nhật Bản

Cảng nhìn thẳng ra núi Daisen- một trong những ngọn núi linh thiêng nhất Nhật Bản

Điều khiến mình háo hức muốn được đến cảng Miho là bởi nơi đây có đền thờ Miho (美保神社), ngôi đền mẹ hay đền chính, khởi nguồn cho hơn 3000 ngôi đền Miho khác trên khắp đất nước Nhật. Vậy nên cảng Miho mang ý nghĩa tâm linh và linh thiêng nhất định đối với những ai có hứng thú tìm hiểu về Thần đạo.

Đền thờ này thờ con trai cả và vợ của thần Okuninushi (大国主神). Con trai cả của thần là Kotoshironushi (事代主神), hay được biết đến với cái tên Ebisu- là một trong 7 vị thần may mắn của Nhật (七福神, Bảy – Phúc – Thần). Đây là vị thần hiện thân của biển cả và bảo trợ cho buôn bán, những cụm từ quen thuộc thường xuất hiện khi nhắc đến vị thần này như: An toàn khi trên biển ( 海上安全), Đánh bắt nhiều cá (大漁満足), Làm ăn phát đạt (商売繁盛),… Vợ của thần là Mihotsuhime, vị thần của nông nghiệp và gia đình. Sở dĩ bởi thờ đến hai vị thần, nên đền thờ Miho có 2 honden (gian điện thờ chính), khác với những đền thờ khác chỉ có 1 honden.

Theo Thần thoại Nhật Bản, cảng Miho xưa kia từng thuộc đất nước Izumo, nơi được tạo ra bởi các vị thần. Vị thần đầu tiên của Đất nước Izumo bấy giờ cho rằng đây là một đất nước non trẻ, chưa hoàn thiện, chính vì vậy, thần đã nảy ra ý tưởng mở rộng bờ cõi bằng cách kéo một phần Silla (đất nước cổ thuộc bán đảo Triều Tiên) và Koshino (nay là tỉnh Niigata nằm ở phía Bắc Shimane) bằng sợi dây thừng. Phần ranh giới các quốc gia cổ sau khi được ráp lại hiện nay chính là cảng Miho. “Sợi dây” được sử dụng vào thời điểm đó nay là bãi biển Yumigahana, còn “chiếc cọc” dùng để cố định nay là núi Daisen. Đây cũng chính là câu chuyện thần thoại “Kéo đất nước” (国引き) nổi tiếng trong tuyển tập truyện thần thoại của Nhật Bản.

Lối vào đền Miho

Lối vào đền Miho

Nếu như bạn lên đường với một trái tim rộng mở, bạn sẽ nhận ra những nơi chốn tưởng chừng như tẻ nhạt, nhàm chán hóa ra cũng không tẻ nhạt, nhàm chán đến thế. Mỗi địa điểm lại mang những nét hấp dẫn riêng mà du khách phải chịu tìm tòi, phải chịu kiên nhẫn bóc tách từng lớp để thấy được viên ngọc đẹp đẽ ẩn giấu sâu bên trong. Vậy nên hãy “xê dịch” bằng sự chân thành của cả trái tim, và bạn sẽ bất ngờ bởi những gì nơi đó mang lại.