Thăng Long là vùng đất linh thiêng bởi là nơi “rồng cuộn hổ ngồi”. Vì thế, hơn 1000 năm trước, các vị vua triều Lý đã xây dựng Thăng Long tứ trấn để ghi nhớ công ơn của các vị thần. Ngày nay, 4 ngôi đền vẫn là những công trình kiến trúc tiêu biểu, mang giá trị văn hóa – lịch sử độc đáo. Ngoài ra nơi này còn gắn bó mật thiết với đời sống người dân Thủ đô.
Thăng Long tứ trấn bao gồm: đền Bạch Mã (trấn phía Đông); đền Voi Phục (trấn phía Tây); đền Kim Liên (trấn phía Nam); đền Quán Thánh (trấn phía Bắc). Tương truyền, khi đi lễ, cần tuân theo một số quy ước đặc biệt. Đó là đi lễ tất cả 4 đền trong cùng một ngày và theo thứ tự lần lượt như trên. Tuy nhiên ngày nay tục lệ đã được đơn giản hóa hơn rất nhiều.
Đền Bạch Mã
Đền Bạch Mã trấn giữ phía Đông thờ thần Long Đỗ, vị Thành hoàng của kinh thành Thăng Long. Đền được xây dựng từ thế kỷ 9, có kiến trúc đặc trưng của thời Nguyễn với hệ thống cột gỗ lim, các bộ vì đỡ mái và kết cấu “vòm vỏ cua” đỡ mái hiên. Ngôi đền gồm nhiều phần như nghi môn, phương đình, đại bái, thiêu hương và cung cấm, thể hiện qua một không gian khép kín.
Đền Bạch Mã hiện còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị. Tiêu biểu là 15 bia đá ghi sự tích đền cùng các nghi lễ và những lần trùng tu. Bên cạnh đó là các loại vũ khí thời cổ, lư hương đồng, đỉnh đồng, các pho tượng, các đạo sắc phong… Lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng hai hằng năm với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Địa chỉ: 76 P. Hàng Buồm, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đền Voi Phục
Trấn giữ phía Tây là đền Voi Phục, thờ Linh Lang Đại Vương con vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072). Người có công đánh giặc Tống vào thế kỷ XI, với trận chiến nổi tiếng trên sông Như Nguyệt. Đền Voi Phục được dựng trên một gò cao, ở thế đất rồng uốn lượn chầu về tổ. Hai bên tả, hữu có tinh phong dẫn mạch, nhị thủy án tiền. Dù trải qua nhiều biến động lịch sử, đền vẫn còn lưu giữ nhiều di vật quý.
Lễ hội đền Voi Phục được tổ chức từ ngày 9 đến 11 tháng hai hàng năm với sự tham gia của 13 làng trại. Ngày 10 tháng hai rước kiệu từ Thụy Khuê về Thủ Lệ. Ngày 11 rước kiệu từ Thủ Lệ về Hào Nam. Mỗi lần diễn ra lễ hội, cả vùng lại tưng bừng với đoàn rước dài hàng cây số. Trải qua nhiều thế kỷ, đền luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư ở phía tây Hà Nội.
Địa chỉ: 306B Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.
Đền Kim Liên
Đền Kim Liên trấn phía Nam của Thăng Long tứ trấn. Đền là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương, là 1 trong 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi. Đền được xây trên một gò đất cao. Cổng chính đồ sộ với 4 cột đồng trụ, hai bên là hai cổng phụ 2 tầng 8 mái. Sau cổng là sân gạch rộng, hai bên là 2 nhà dải vũ. Nằm trên đỉnh gò là nghi môn và khu đền chính.
Trong đền Kim Liên hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như: long ngai của Cao Sơn Đại Vương, 2 tấm bia đá, trong đó có bia “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh” được soạn năm 1510, nội dung ca ngợi công lao của thần Cao Sơn. Ngoài ra còn có 39 đạo sắc phong từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn…
Địa chỉ: 148 P. Kim Hoa, Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội.
Đền Quán Thánh
Đền Quán Thánh là ngôi đền thiêng trấn giữ phía Bắc kinh thành Thăng Long. Sở dĩ đền còn được gọi là “quán” bởi đây là một trung tâm hành lễ của Đạo giáo và thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Mặc dù đã bị thu hẹp so với trước nhưng đền Quán Thánh vẫn là một kiến trúc bề thế gồm tam quan, tiền tế, trung tế, hậu cung.
Trong đền Quán Thánh hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật cổ. Như hệ thống hoành phi câu đối, đại tự, cuốn thư được sơn son thếp vàng lộng lẫy cùng nhiều mảng chạm tinh xảo. Đặc biệt hơn là chiếc khánh đồng kích thước lớn có niên đại thời Tây Sơn, chiếc đèn đồng cổ, bức phù điêu bằng đồng được chạm khắc tỉ mỉ, miêu tả cảnh tam giới (thiên – địa – thủy).
Địa chỉ: đường Thanh Niên, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.
Thăng Long tứ trấn là những công trình tôn giáo có ý nghĩa đặc biệt của Thủ đô Hà Nội. Vào dịp đầu năm mới, đây là điểm đến quen thuộc của người dân. Nhiều người Hà Nội giữ thói quen đi lễ tại đây nhằm cầu mong những điều tốt đẹp.
Theo iVIVU.com