Tham quan Bảo tàng Hàng không và Không gian Hoa Kỳ, Mỹ

132

Hoa Kỳ là quốc gia có ngành hàng không, nghiên cứu và khám phá vũ trụ tiên phong, dẫn đầu trên toàn thế giới. Nếu bạn là một người đam mê khám phá, yêu thích bầu trời, các chiến hạm, không gian, hay yêu thích khoa học – công nghệ, thì Bảo tàng Hàng không và Không gian Hoa Kỳ là nơi đặc biệt, chứa đựng những điều hấp dẫn mà bạn nên ghé đến để tham quan và tìm hiểu.

Chắc chắn rằng bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức và những trải nghiệm tuyệt vời tại đây!

Đôi nét về Bảo tàng Hàng không và Không gian Hoa Kỳ

Nếu có dịp đến thủ đô Washington D.C, bạn hãy ghé đến Bảo tàng Hàng không và Không gian Hoa Kỳ nằm gần National Mall, giữa lâu đài Smithsonian và Điện Capitol.

Bảo tàng được thành lập vào năm 1946 với tên gọi là Bảo tàng Hàng không Quốc gia, thuộc một phần của Viện Smithsonian – nhóm các viện bảo tàng và trung tâm nghiên cứu do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Đây là nơi lưu trữ các kiểu máy bay dân dụng, quân sự và các thiết bị về thám hiểm không gian lớn nhất thế giới.

Sau khi thành lập vào ngày 12/08/1946, bảo tàng không đủ lớn để chứa hết những món trong bộ sưu tập, những thứ lớn như hỏa tiễn. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có rất nhiều phi cơ được Bộ Quốc phòng trao tặng cho Viện Smithsonian, khiến tổ chức này phải suy nghĩ đến việc xây dựng Viện bảo tàng Hàng không để trưng bày các phi cơ này.

Bảo tàng Hàng không và Không gian Hoa Kỳ

Cơ sở thứ hai của Bảo tàng Hàng không và Không gian Hoa Kỳ nằm gần sân bay Quốc tế Dulles, Virginia.

Khi đến tham quan Bảo tàng, bạn hoàn toàn không cần trả bất kỳ khoản chi phí nào, vì các bảo tàng ở Washington D.C hầu như đều được miễn phí. Bảo tàng được mở quanh năm, chỉ trừ ngày Giáng Sinh. Tuy nhiên, lượng khách đến tham quan bảo tàng rất đông, đặc biệt là vào những dịp cao điểm như ngày nghỉ, ngày lễ hoặc mùa hè. Nếu lượng khách quá đông, có thể bạn sẽ được nhân viên hẹn lại vào một ngày khác.

Nhưng bạn không cần lo lắng mình sẽ bị dời lịch trình, Bảo tàng còn có một cơ sở khác tên là Trung tâm Steven F. Udvar-Hazy, nằm gần sân bay Quốc tế Dulles ở tiểu bang Virginia, chỉ cách cơ sở chính 30 dặm, khoảng 40 phút lái xe. Cơ sở này mới hơn, còn chứa thêm một bộ sưu tập máy bay và tàu vũ trụ mới, bao gồm cả tàu con thoi của Discovery.

Du khách sẽ choáng ngợp với rất nhiều thể loại máy bay ở bảo tàng.

Du khách sẽ choáng ngợp với rất nhiều thể loại máy bay ở bảo tàng.

Gia đình tôi có dịp đến tham quan bảo tàng ở thủ đô Washington D.C vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Hoa Kỳ 4/7, lượng khách rất đông nên chúng tôi đã đến cơ sở thứ hai Trung tâm Steven F. Udvar-Hazy.

Bảo tàng mở cửa hàng ngày từ 10h00 – 17h30. Vào cửa miễn phí, gửi xe 15$/ xe ~ 360.000VNĐ (miễn phí cho xe vào sau 16h00).

Những chiếc máy bay tương tự của anh em nhà Wright bay thành công lần đầu vào năm 1903.

Bảo tàng trưng bày có cả những chiếc máy bay tương tự của anh em nhà Wright bay thành công lần đầu vào năm 1903.

Những điều đặc biệt ở Bảo tàng Hàng không và Không gian Hoa Kỳ

Tàu con thoi của Discovery

Khi bước vào bên trong, chiếc tàu con thoi của Discovery sẽ thu hút ánh nhìn của bạn vì nó nằm ngay vị trí trung tâm. Discovery là tàu vũ trụ lâu đời nhất của NASA, nó đã thực hiện 39 chuyến bay vào không gian. Trong suốt 27 năm hoạt động, con tàu này đã bay tổng cộng 238,5 triệu km, đưa 252 lượt nhà du hành lên không gian, với thời gian hoạt động trong không gian là 366 ngày và bay tổng cộng hơn 5.800 vòng quanh Trái Đất. Tàu đã đưa 31 vệ tinh, trong đó có cả Kính thiên văn Hubble vào quỹ đạo.

Bảo tàng Hàng không và Không gian Hoa Kỳ

Tàu con thoi của Discovery.

Tại đây, bảo tàng có một màn hình livestream để du khách có thể đặt câu hỏi cho các chuyên gia về cấu tạo, cũng như thông tin về tàu con thoi này, và bạn sẽ được giải đáp trực tiếp.

Du khách có thể đặt câu hỏi cho các chuyên gia tại đây.

Du khách có thể đặt câu hỏi cho các chuyên gia tại đây.

Trang phục của các phi hành gia

Robert Alan Eustace (sinh năm 1957) là một nhà khoa học máy tính người Mỹ, từng giữ chức Phó Chủ tịch Cấp cao về Kỹ thuật tại Google cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2015. Vào ngày 24 tháng 10 năm 2014, ông đã thực hiện cú nhảy rơi tự do từ tầng bình lưu, phá kỷ lục thế giới của Felix Baumgartner. Cú nhảy từ độ cao 135.890 feet (41,42 km) và kéo dài 15 phút, kỷ lục độ cao được duy trì tính đến năm 2023.

Trang phục của phi hành gia Alan Eustace.

Trang phục của phi hành gia Alan Eustace.

Bộ đồ vũ trụ Apollo A7L được phi hành gia Buzz Aldrin mặc trên tàu Apollo 11.

Bộ đồ vũ trụ Apollo A7L được phi hành gia Buzz Aldrin mặc trên tàu Apollo 11.

Tàu thăm dò Sao Hoả của NASA

Sứ mệnh Mars Pathfinder là bước đi quan trọng đầu tiên trong lĩnh vực máy thám hiểm của NASA. Sứ mệnh được khởi động vào ngày 4 tháng 12 năm 1996 và hạ cánh vào ngày 4 tháng 7 năm 1997, bao gồm tàu thám hiểm thành công đầu tiên trên Sao Hỏa, được gọi là Sojourner, được tàu đổ bộ Pathfinder đưa lên bề mặt.

Một trong những cải tiến của sứ mệnh là hệ thống hạ cánh của Pathfinder. Thay vì sử dụng tên lửa thông thường để chạm xuống bề mặt, NASA quyết định sử dụng kén túi khí để thay thế. Sau khi đi qua các phần cao hơn của bầu khí quyển, Pathfinder triển khai một chiếc dù và cũng trút bỏ tấm chắn nhiệt bảo vệ tàu vũ trụ khỏi sức nóng tích tụ trên tàu vũ trụ trong quá trình quay trở lại khí quyển.

Pathfinder - Tàu thăm dò Sao Hoả của NASA.

Pathfinder – Tàu thăm dò Sao Hoả của NASA.

Tên lửa

Tại bảo tàng, du khách có thể quan sát các bản mô phỏng các loại tên lửa đến từ nhiều Quốc gia với các thông tin rõ ràng bên dưới.

Mô phỏng dàn tên lửa của các Quốc gia trên thế giới.

Mô phỏng dàn tên lửa của các Quốc gia trên thế giới.

Khu thực tế ảo

Du khách khi đến bảo tàng còn có thể tham gia khu thực tế ảo, khu này bạn sẽ phải xếp hàng để mua vé vào chơi từng trò. Các trò chơi ở đây sẽ cho bạn trải nghiệm cảm giác và hình ảnh khi sắp phóng tàu lên vũ trụ, các bạn nhỏ sẽ rất thích với hoạt động này.

Mỗi trò chơi bạn sẽ được trải nghiệm khoảng 10 -15 phút, giá tiền cho mỗi trò từ 10 – 12$ ~ 240.000 – 280.000VNĐ.

Khu vực trò chơi thực tế ảo.

Khu vực trò chơi thực tế ảo.

Du khách xếp hàng chờ chơi các trò chơi.

Du khách xếp hàng chờ chơi các trò chơi.

Khu quà lưu niệm

Hầu hết các bảo tàng ở Hoa Kỳ đều có khu để du khách mua sắm quà lưu niệm, tại đây bạn có thể mua các mô hình máy bay, quần áo phi hành gia, gấu bông,… có logo của NASA và logo của viện Smithsonian để làm kỷ niệm.

Khu mua sắm quà lưu niệm.

Khu mua sắm quà lưu niệm.

Ngoài ra, du khách có thể tìm thấy nhiều máy bay và những hiện vật của các dự án liên quan đến hàng không và không gian tại đây.

Red Bull Stratos là một dự án nhảy dù độ cao liên quan đến vận động viên nhảy dù người Áo Felix Baumgartner. Vào ngày 14 tháng 10 năm 2012, Baumgartner đã bay khoảng 39km vào tầng bình lưu ở bang New Mexico, Hoa Kỳ, trong một khinh khí cầu heli trước khi rơi tự do trong bộ đồ áp suất và sau đó nhảy dù xuống Trái đất. Cú nhảy với tốc độ nhanh hơn vận tốc âm thanh. Trong suốt quá trình rơi tự do kéo dài 4 phút 20 giây, ông đã đạt được vận tốc 1.342 km/giờ.

Red Bull Stratos - Dự án nhảy dù từ tầng bình lưu xuống Trái Đất.

Red Bull Stratos – Dự án nhảy dù từ tầng bình lưu xuống Trái Đất.

Blue Angels, tên chính thức Phi đội Máy bay Biểu diễn Hải quân Hoa Kỳ, là một phi đội biểu diễn máy bay thuộc Hải quân Hoa Kỳ. Phi đội thành lập vào năm 1946, đơn vị này là đội nhào lộn trên không chính thức lâu đời thứ hai thế giới, sau Patrouille de France của Pháp thành lập vào năm 1931.

Máy bay biểu diễn Blue Angels của Hải quân Hoa Kỳ.

Máy bay biểu diễn Blue Angels của Hải quân Hoa Kỳ.

Đến thăm Trung tâm Steven F. Udvar-Hazy, bạn cũng được chiêm ngưỡng chuỗi máy bay US Air Force đủ các kích cỡ. Chiếc Lockheed SR-71 Blackbird sẽ thu hút sự chú ý của bạn bằng vẻ ngoài cực ngầu, chiếc này bay lần đầu tiên vào những năm 60 và được thiết kế là máy bay trinh sát tầm cao. Thân hình thuôn dài với 2 động cơ lớn gắn ở hai bên giúp nó đạt tốc độ Mach 3,3! Bạn cũng có thể nhận ra đó là Kẻ lừa dối đã biến thành anh chàng tốt bụng Jetfire trong Transformers 3, được quay một phần tại bảo tàng.

Lockheed SR-71 Blackbird.

Lockheed SR-71 Blackbird.

Nếu có dịp đến thủ đô Washington D.C hay bang Virginia, bạn đừng bỏ qua Bảo tàng Hàng không và Không gian – nơi trưng bày những cỗ máy của NASA, các phi cơ trong các trận chiến những tưởng chúng ta chỉ có thể thấy qua internet, sách báo, nay có thể tận mắt thấy ngoài đời thật để thấy rằng Hoa Kỳ quá tiên tiến trong ngành kỹ thuật sản xuất máy bay tầm cỡ.