Nước biển sôi lên, hàng loạt rạn san hô bị tẩy trắng
Đời sống thủy sinh từ các rạn san hô tới nhiều loài cá ở bờ biển phía đông vịnh Thái Lan đang bị ảnh hưởng khi nhiệt độ nước biển đạt ngưỡng cao kỷ lục giữa bối cảnh quốc gia này tiếp tục hứng chịu đợt nóng khủng khiếp. Điều này khiến giới chuyên gia và cộng đồng địa phương lo lắng.
Các chuyên gia cho biết, những loài san hô rực rỡ nằm cách mặt nước chừng 5m, chuyển sang màu trắng gọi là hiện tượng bị tẩy trắng.
Đây là hiện tượng san hô đẩy tảo ra ngoài khi nhiệt độ nước biển tăng cao bất thường và bức xạ tia cực tím tăng lên. Quá trình này khiến màu sắc rực rỡ của san hô không còn nữa, thay vào đó là màu trắng. Dấu hiệu này cho thấy sức khỏe của chúng xấu đi do nhiệt độ nước biển tăng cao.
Chỉ khi nhiệt độ nước biển giảm và điều kiện trong đại dương trở lại bình thường, san hô mới có thể phục hồi sau quá trình bị tẩy trắng.
Dữ liệu thống kê cho thấy, nhiệt độ bề mặt nước biển ở vịnh phía đông của Thái Lan đạt 32,7 độ C vào đầu tháng 5.
Nhà sinh vật biển Lalita Putchim thuộc Bộ Tài nguyên Biển và Duyên hải (DMCR) cho biết: “Tôi không thể tìm thấy một rạn san hô khỏe mạnh nào. Hầu hết các loài đều bị tẩy trắng, rất ít loài không bị ảnh hưởng”.
Quần đảo Trat là nơi có hơn 66 hòn đảo, với hơn 28,4 km2 rạn san hô. Đây là nơi bà Lalita phát hiện ra có tới 30% san hô bị tẩy trắng và 5% đã chết.
Theo vị chuyên gia này, nếu nhiệt độ nước biển không hạ nhiệt, nhiều san hô sẽ chết hơn.
“Đó là nước biển sôi lên chứ không chỉ là sự nóng lên toàn cầu,” bà nói.
Nhiệt độ tăng cũng ảnh hưởng đến các sinh vật biển khác và sinh kế của ngư dân địa phương, trong đó có anh Sommay Singsura.
Những năm gần đây, lượng hải sản đánh bắt hàng ngày của anh ngày càng giảm. Trước đây anh có thể kiếm tới 10.000 baht (gần 7 triệu đồng) mỗi ngày, nhưng bây giờ đôi khi anh trở về tay trắng.
“Trước đây có cá mít, cá thu ngắn và nhiều loại khác. Nhưng hiện nay tình hình không ổn. Thời tiết không còn như xưa nữa”, Sommay than thở.
Theo các nhà khoa học, rạn san hô vừa là nguồn thức ăn vừa là môi trường sống cho nhiều loài sinh vật biển. Đồng thời chúng còn là rào cản tự nhiên ngăn chặn xói mòn bờ biển.
Vào mùa du lịch cao điểm, nhiều điểm đến ở Thái Lan đóng cửa
Không chỉ tác động tới môi trường sống, sản lượng thủy hải sản, điều này còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch nước sở tại.
Dù đang trong mùa du lịch cao điểm nhưng nhiều hòn đảo ở Thái Lan buộc phải đóng cửa để phục hồi thiên nhiên sau khi phát hiện tình trạng san hô bị tẩy trắng trên diện rộng.
Đơn cử như đảo Pling ở miền nam nước này đã đóng cửa không đón khách kể từ ngày 9/5 để có thêm thời gian hồi phục môi trường thiên nhiên.
Bên cạnh đó, hơn 10 điểm lặn tại các công viên biển quốc gia ở nước này cũng đóng cửa vì tình trạng san hô bị tẩy trắng trên diện rộng, từ 40% đến 80% dọc theo bờ biển phía đông vịnh Thái Lan.
“Đây là thời điểm tồi tệ nhất trong vòng hơn 6 năm qua. Nhiệt độ nước biển tăng cao bất thường, có thời điểm lên tới 34 độ C và kéo dài suốt vài tuần.
Các rạn san hô sẽ bắt đầu bị tẩy trắng nếu nhiệt độ nước biển vượt quá 30,5 độ C và kéo dài liên tục từ 2 đến 3 tuần”, ông Nattapol Rattanaphan, Giám đốc Cục Hàng hải, cho biết.
Cùng với đó, hòn đảo Koh Tachai nổi tiếng hút khách nhờ những bãi cát trắng và hoạt động lặn biển, cũng phải tạm ngừng mọi hoạt động du lịch vì lo ngại ảnh hưởng tới hệ sinh thái.