Suối Đá Đĩa (Gia Lai) – kì quan ít người biết

57

Có những nơi tôi bàng hoàng vì vẻ hoang sơ độc nhất vô nhị của nó, giống như cô gái bản để mặt mộc mà vẫn rạng ngời. Trong số đó, tôi nhớ nhất là suối Đá Đĩa ở Chư Păh (Gia Lai). Nơi đây, hầu hết du lịch chưa phát triển (hoặc có thể là người dân không thích). Suối có hàng ngàn phiến đá nhỏ vuông vắn, xếp chồng lên nhau dọc 2 bên bờ. Cảnh quan này có ở biển Phú Yên. Song ở suối thì suối Đá Đĩa Gia Lai là độc nhất.

Cách tới với suối Đá Đĩa Gia Lai

Suối nằm ở thị trấn Ia Ly và xã Ia Phí (huyện Chư Păh, Gia Lai), có độ dài hơn 1km, rộng khoảng 200m. Bạn có thể tra trên Google map với tên: suối Đá Đĩa Gia Lai. Khi gần tới địa điểm trên Google đã chỉ, bạn hỏi thêm người dân để biết lối mòn đi vào suối. Suối nằm gần thành phố Pleiku. Có hai lối đi. Thứ nhất, qua thành phố khoảng 20km về hướng thị trấn Yaly, bạn rẽ tay phải vào xã Ia Phí (huyện Chư Păh, Gia Lai), đi thêm hơn 10km nữa là tới. Thứ hai, qua thành phố khoảng 14km, bạn rẽ trái vào nhà máy Thủy điện Ia Ly và đi khoảng 20 km vào hồ chứa nước của thủy điện Ia Ly khoảng 2,5 km là tới.

Nơi đây không có xe khách vào, do vậy các bạn nên chủ động phương tiện cá nhân. Oto, xe máy đều đi vào được vì đường vào được trải nhựa rất đẹp. Đường đến con suối này rất dễ đi, giao thông thuận tiện.Nhưng để đi vào sâu tận suối Đá Đĩa thì nên để xe ngoài đường chính và đi bộ vào. Mình đã cố lê xe vào và kết quả ăn đầy bùn đất.

Hồi trước, mình nổi hứng đi xe đạp thăm thú Tây Nguyên. Đúng là đi xe đạp thì sẽ thưởng thức được nhiều hơn. Tôi thưởng thức hết cái nắng cái gió Tây Nguyên, cả cơn mưa bất chợt nữa. Khí mát vẫn làm mình đạp được cả ngày. Khí hậu vùng cao đúng là lí tưởng. Chỉ có điều vì hay mưa nên cứ đạp được chút là mình phải dừng trú. Có những đoạn không trú được nên phải dầm mưa mà đi. Các bạn muốn thăm quan suối Đá Đĩa nói riêng và Tây Nguyên nói chung thì nên đi vào mùa khô nhé.

Con đường vào suối tuyệt đẹp

Suối Đá Đĩa là địa danh để lại ấn tượng một phần vì con đường đi vào quá đẹp. Bắt đầu từ đoạn rẽ từ đường AH17 vào, quang cảnh có sự thay đổi rõ rệt. Không còn những dòng xe hối hả cùng những ngôi nhà cao tầng. Thay vào đó, khung ảnh hiện lên vẻ yên bình với những đồ điền cao su, hồ tiêu, cà phê. Tới một cọng cỏ ngả bên đường cũng rất đẹp. Trên đường đi, mình cứ phải liên tục dừng lại chụp hình. Có đoạn mình ngồi thật lâu ngắm cảnh, tận hưởng khung cảnh yên bình, hòa mình với mây trời bồng bềnh, cảm giác như tan vào màu xanh ngọc bích mênh mông của bầu trời Tây Nguyên, rồi hít căng lồng ngực cái nắng gió của đại ngàn.

Con đường tuyệt đẹp vào suối Đá Đĩa Gia Lai
Con đường tuyệt đẹp vào suối Đá Đĩa Gia Lai
Con đường tuyệt đẹp vào suối Đá Đĩa Gia Lai
Con đường tuyệt đẹp vào suối Đá Đĩa Gia Lai

Con đường tuyệt đẹp vào suối Đá Đĩa Gia Lai

Hơn nữa, không gian đậm bản sắc với những ngôi nhà sàn, với hình ảnh đồng bào dân tộc lưng đeo gùi trên nương làm mình vô cùng vui sướng. Đây là hình ảnh mình vẫn thấy trên sách báo về Tây Nguyên. Bây giờ, do quá trình đô thị hóa, hình ảnh ấy đã mất dần, tưởng không còn tìm thấy. May mắn là vẫn còn nơi lưu giữ được. Mong đồng bào dân tộc và chính quyền sẽ biết cách giữ gìn bản sắc quý giá này.

Không gian đậm bản sắc với những ngôi nhà sàn

Không gian đậm bản sắc với những ngôi nhà sàn

Vẻ đẹp của suối Đá Đĩa Gia Lai – kì quan ít người biết

Dòng suối chảy qua nhiều làng thuộc thị trấn Ia Ly và xã Ia Phí trước khi đổ ra hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện Ia Ly. Trước đây, suối nhiều nước, cây cối rậm rạp nên bãi đá không lộ thiên. Còn nay, nước rút bớt, tuy giảm giá trị thủy điện song ta lại có địa danh du lịch hiếm có.Suối có hàng ngàn phiến đá nhỏ vuông vắn, xếp chồng lên nhau dọc 2 bên bờ. Rất nhiều thanh đá được xếp như hàng nghìn bó đũa thẳng đứng, mỗi thanh nặng cả chục tấn. Theo các nhà địa chất, về hình thức, bãi đá tại con suối có sự tương đồng với Ghềnh Đá Đĩa, về niên đại đã vượt 100 triệu năm tuổi. Người jrai gọi Suối đá đĩa là Jrai Phă. Jrai có nghĩa là thác nước, còn Phă tức là bể, vỡ, tràn hay tung ra.Hiện ta đã phát hiện thêm được một đoạn suối có đá đĩa ở Phú Yên nhưng suối Đá Đĩa của Gia Lai vẫn mang một vẻ đẹp rất riêng. Đó là vẻ đẹp của cái hoang sơ, của nắng gió bất tận Tây Nguyên. Cả con suối phơi mình trong nắng cao nguyên vàng ruộm trên nền bầu trời xanh trong vắt. Khi Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, nước ở suối có pha đất đỏ trông hơi đục song dòng chảy mạnh mẽ, toát lên khí chất riêng của đại ngàn. Mùa khô, dòng chảy lại trong xanh, róc rách, hiền hòa.

Vẻ đẹp của suối Đá Đĩa Gia Lai
Vẻ đẹp của suối Đá Đĩa Gia Lai
Vẻ đẹp của suối Đá Đĩa Gia Lai

Vẻ đẹp của suối Đá Đĩa Gia Lai

Mình đảm bảo khung cảnh hùng vĩ, độc đáo của suối sẽ lại cho bạn những phô ảnh để đời và những dấu ấn không quên được. Bạn nên chụp với góc máy rộng, siêu rộng và nên lựa lúc bình minh và hoàng hôn để có bức ảnh đẹp nhất. Mình cũng chụp được vài bức ánh mặt trời chiếu tia sáng nhuộm vàng suối đá. Bạn bè ai cũng nghĩ đó là tác phẩm của một nhiếp ảnh gia. Ngoài những bức ảnh checkin độc nhất vô nhị, bạn có thể ngồi bên suối ngắm nhìn những phiến đá tuyệt đẹp, thậm chí nằm thư giãn, hít hà không khí trong lành, lắng nghe tiếng suối chảy. Vào mùa hè, ngại gì mà không bước xuống tắm mát giữa lòng suối. Hẳn bạn sẽ cảm thấy lòng mình dâng lên cảm giác an yên khó tả.

Điều hơi buồn khi tới suối Đá Đĩa

Suối Đá Đĩa Gia Lai hiện vẫn còn là điểm du lịch mới nên lượng khách tìm đến thăm quan không quá nhiều. Mình từng đặt câu hỏi: Tại sao nơi này đẹp vậy mà không phát triển du lịch? Một số người cho rằng nơi này hay có hoạt động chống phá của các thế lực xấu nên chính quyền không mặn mà với việc tiếp nhận đầu tư. Khâu quảng bá của Nhà nước lại chưa đủ. Trong tương lai, cần xếp hạng di tích địa điểm này và có kế hoạch bảo vệ để khai thác tiềm năng du lịch.

Điểm thứ hai, mình hơi buồn là do ý thức người dân. Khi tới đây, mình choáng với những đống rác đầy ven suối. Lựa mãi mới có góc chụp không bị dính rác. Toàn là vỏ lon, bim bim, đồ nướng vứt tràn lan. Chắc chắn là do những người đi dã ngoại để lại. Không phải chỉ suối Đá Đĩa, nhiều địa điểm ở Tây Nguyên cũng chung cảnh tượng như vậy. Rác thải làm mất đi cảnh quan và ảnh hưởng tới cả văn hóa vùng đất nữa. Chính vì vậy khi đến đây, bạn hãy ý thức gìn giữ cảnh quan tự nhiên, không xả rác hay tác động xấu lên cảnh quan để giữ gìn thắng cảnh độc đáo này nhé.