Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Hồng Sơn – Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo – cho biết ngày 28/5 đơn vị tiến hành khảo sát, kiểm tra các rạn san hô ven bờ tại các vùng biển như: Vịnh Côn Sơn, hòn Bảy Cạnh, hòn Cau, vịnh Đầm Tre, hòn Tre Nhỏ, hòn Trứng…
Trong quá trình khảo sát, đơn vị bước đầu ghi nhận lượng lớn san hô bị tẩy trắng và chết.
Theo ông Sơn, nhiệt độ sống lý tưởng của san hô dao động từ 24 đến 30 độ C. Trong khi nhiệt độ nước tầng đáy của vùng biển Côn Đảo ghi nhận 31 độ C, nghi do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm nước biển tầng đáy nóng lên.
Nhiệt độ nước biển tăng cao khiến san hô trục xuất tảo sống trong mô ra ngoài, làm màu sắc rực rỡ biến mất gây tình trạng tẩy trắng.
Một số loài san hô bị tẩy trắng có thể phục hồi đáng kể khi nhiệt độ nước biển giảm. Nếu nhiệt độ nước biển tại các rạn san hô không giảm thì khả năng phục hồi của san hô rất thấp và diện tích san hô chết sẽ rất lớn.
“Hiện Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã kết nối với Viện Hải dương học Nha Trang để phối hợp khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết hơn về tình trạng, nguyên nhân xảy ra vụ việc”, ông Sơn nói.
Huyện Côn Đảo gồm 16 đảo lớn nhỏ nằm ngoài khơi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, diện tích khoảng 76km2.
Hiện tượng san hô chết và bị tẩy trắng từng diễn ra nhiều tại Côn Đảo, nặng nhất là các năm 1998, 2010, 2016 do hiện tượng El Nino (hiện tượng nước biển nóng lên dị thường ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, khiến thời tiết trên phạm vi toàn cầu cũng bị ảnh hưởng).
Sau đó, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã khảo sát và triển khai công tác phục hồi san hô tại các điểm đảo.
Theo số liệu của Viện Hải dương học, san hô ở Việt Nam rất phong phú, với khoảng 400 loài san hô cứng thuộc 79 chi.
Chúng thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau và tiết ra chất canxi cacbonat để tạo bộ xương cứng, xây nên những rạn san hô tại các vùng biển nhiệt đới.