Rủ nhau lên Đà Lạt đi chợ phiên

79

Người ta hay rủ nhau lên Đà Lạt đi uống cà phê, săn mây, chụp ảnh, chứ rủ… đi chợ thì hiếm. Thật sự thì hội chợ cuối tuần là một hoạt động văn hoá đặc trưng của Đà Lạt, nơi bạn không chỉ mua sắm những món đồ độc, đẹp, rẻ, mà còn cảm nhận trọn vẹn cái hồn phóng khoáng, tự do, cái “nghệ” rất riêng của con người nơi đây.

Từ một hoạt động dọn nhà…

Chợ phiên, chợ trời bắt đầu từ văn hoá “garasale” Âu Mỹ. Khi những gia đình vừa chuyển nhà đến, hay tổng dọn dẹp sau mỗi mùa, họ sẽ nhận ra mình có quá nhiều đồ dư thừa. Chòm xóm tụ tập lại, thanh lý những món mình không dùng đến, và đôi khi mua được đồ tốt giá hời. Chính vì vậy, đây không chỉ là một địa điểm buôn bán bình thường. Nó độc đáo, mỗi món chỉ có một, và là cơ hội để kết nối cộng đồng, trao đổi văn hoá.

Ảnh hưởng bởi phong cách vintage cổ điển phương Tây, Đà Lạt vẫn có những chợ trời độc đáo của riêng nó. Một phần vì đất Đà Lạt khá rộng, hầu như nhà dân, cà phê hay homestay đều có vườn, nên người Đà Lạt thường tận dụng nó để làm chợ trời cuối tuần. Vừa tối ưu đất, vừa như một cách marketing cho địa điểm kinh doanh. Nếu ở đây đủ lâu, biết đủ nhiều quán, bạn sẽ thấy là các quán thường tổ chức chợ trời đấy!

Chợ trời Đà Lạt

Không gian chợ trời thường kết hợp với workshop, cafe, nên sẽ rất ý tưởng để vui chơi cả ngày.

… Đến trung tâm văn hoá đậm vibe Đà Lạt

Chợ trời Đà Lạt thể hiện khá trọn vẹn linh hồn của vùng đất này, từ những yếu tố đại chúng như thời trang, hàng tiêu dùng, đến tầng văn hoá sâu hơn như hoạt động biểu diễn nghệ thuật đi kèm. Về thời trang, các chợ trời là thiên đường cho đồng secondhand theo phong cách bụi phủi: T-shirt, hoodie dáng rộng, giày thể thao được vẽ custom, đồ đan móc, boho phóng khoáng. Nếu như định đến Đà Lạt làm một bộ ảnh “thay avatar”, thì bạn nên tìm tới chợ trời, nơi có những trang phục đậm chất Đà Lạt, giá rẻ và còn tái sử dụng, mang thêm ý nghĩa du lịch bền vững nữa.

Chợ trời Đà Lạt

So với chợ đồ cũ Đà Lạt đã bị thương mại hoá, các khu chợ trời này vẫn còn nhiều item độc, lạ với giá chỉ vài chục ngàn.

Một đặc điểm khác là các chợ trời dường như không bao giờ chỉ có… mua với bán. Nó thường diễn ra cùng những hoạt động nghệ thuật như nhạc sống, chiếu phim ngoài trời, thậm chí là… bói bài tarot. Một khoảng sân ngập nắng với chiếc bảng gỗ cũ kĩ được viết tay, một góc xem bài tarot nổi bật mà càng đi vào sâu, các gian hàng càng hiện ra nhiều, xen lẫn với những quán cóc bán đủ đồ ăn vặt trên đời – chính là hình ảnh một phiên chợ điển hình ở Đà Lạt, nơi bạn có thể trải nghiệm cả ngày không chán.

Một số chợ trời phải ghé khi đến Đà Lạt

1. Dalat Gara Sale

Một chợ trời mình có ấn tượng cá nhân sâu sắc nhất, vì tấm lòng vô tư đằng sau nó. Bạn sẽ rất ấn tượng khi bước vào khuôn viên chợ, được dựng lên từ một khoảng sân rộng thênh thang trong quần thể biệt thự rộng vài trăm mét, 3 mặt tiền lớn, giữa trung tâm Đà Lạt. Giá trị của miếng đất này thì không thể đo bằng tiền, thế nhưng những gian hàng ở đây được cho thuê miễn phí. Bạn có đồ thủ công hay quần áo cần thanh lý, thì cứ đăng ký với chợ, các bạn nhân viên sẽ rất nhiệt tình dựng bàn, xếp chỗ cho bạn.

Chợ trời Đà Lạt

Chợ nằm trong khuôn viên vườn của một biệt thự ngay trung tâm, xanh tươi và “nghệ” trong từng góc nhỏ.

Nghe đâu biệt thự thuộc về một anh kiến trúc sư. Anh đã trích một phần đất để làm chợ trời cho người địa phương, còn gian nhà chính thì dùng làm trung tâm triển lãm. Chợ mở mỗi cuối tuần còn triển lãm sẽ đổi chủ đề mỗi tháng. Ở đây bạn không chỉ mua sắm đồ secondhand độc lạ, xem tarot, mua đá phong thuỷ,… mà còn ngắm triển lãm miễn phí.

Chợ trời Đà Lạt

Ngoài các hoạt động mua bán…

Chợ trời Đà Lạt

… Còn có xem tarot…

Chợ trời Đà Lạt

… Và những góc nhỏ tô tượng đáng yêu thế này.

Cuối cùng thì không gian chợ vô cùng đẹp, nhiều góc xanh mướt tinh tế đậm chất Đà Lạt, nên đây là điểm sống ảo lý tưởng đúng chuẩn “một mét vuông, trăm bức ảnh đẹp” nhé!

2. The Viewfinder House Flea Market

Chợ thuộc khuôn viên một homestay, bao gồm toàn bộ khoảng sân bao quanh home, có nhiều chỗ ngồi và mái che nên rất lý tưởng để ghé chơi quanh năm, kể cả mùa mưa. Chợ mở mỗi tháng hai lần, vào thứ bảy và chủ nhật. Đặc trưng của chợ The Viewfinder là hàng hoá cực kỳ đa dạng, từ đồ si, đồ thủ công, đan móc, tarot, vật phẩm phong thuỷ đến trà sữa và ăn vặt rất đa dạng.

Chợ trời Đà Lạt

Thiên đường cho các tín đồ đồ si và handmade.

Nếu bạn ở chơi tới chiều tối thì còn chương trình nhạc sống, và thoải mái sử dụng không gian vui chơi của home gồm tủ sách và bàn bi-a.

Chợ trời Đà Lạt

Vì nằm trong khuôn viên homestay và cafe, ở đây có muôn vàn góc chill và sống ảo cho bạn, cực kỳ thích hợp hẹn hò cuối tuần.

Một điều đặc biệt nữa, là thi thoảng các phiên chợ còn mở workshop, thông thường là làm đồ thủ công hoặc món ăn đơn giản. Tuy là trực thuộc một homestay nhỏ nhưng chủ đề chợ rất đa dạng, thay đổi thường xuyên, nên cứ follow page của The Viewfinder là bạn sẽ nắm rõ nhất nhé!

3. Farmer’s Market

Một khu chợ họp đều đặn mỗi tháng, đã diễn ra lâu dài và có tổ chức tốt hơn hẳn so với các khu chợ trời tự phát của cafe, homestay. Farmer’s Market – phiên chợ nông sản – đúng với cái tên của nó, là nơi tập hợp thực phẩm hữu cơ, đặc sản handmade và đồ thủ công của người Đà Lạt bản địa.

Nếu bạn từng xem qua những bộ phim lấy bối cảnh đồng quê miền nam nước Mỹ, với những khu chợ trời dựng trong trang trại của của nông dân bản địa, thì The Farmer’s Market sẽ tái hiện hoàn hảo không khí đó, theo một cách chân thật, không màu mè và vẫn có gì đó rát “Đà Lạt”.

Chợ trời Đà Lạt

Nông sản Đà Lạt mướt mắt.

Ở đây, bạn có thể tìm thấy các đặc sản bản địa đúng nghĩa. Không công nghiệp như loạt sản phẩm bán trong hàng lưu niệm hay siêu thị tại trung tâm Hoà Bình, cũng không bóng bẩy như những khay dâu đã được thay đổi tại chợ trung tâm, hầu hết nông sản đều được trồng tại mảnh vườn nhà, nhỏ bé, mộc mạc và sạch sẽ. Ngoài ra thì ở đây còn có một thế giới đa dạng bánh trái handmade, trà, rượu công thức độc quyền, đồ thủ công,…

Chợ trời Đà Lạt

Bánh kẹo thủ công – đặc sản không thể bỏ qua ở Farmer’s Market

Một điều đáng yêu là bạn sẽ không được phát túi nilon khi tới chợ, với đúng tinh thần “bán đồ sạch” thì cũng phải giữ thiên nhiên được “sạch” vậy!

Một người bạn từng nói với mình là, khi tới một thành phố mới, nhất định phải thăm hai thứ: Thư viện và… chợ. Đấy là những nơi khắc họa rõ nét nhịp sống đời thường của người bản địa, cho ta một cái nhìn chân thực và sâu sắc về vùng đất ấy, bằng lăng kính của “người ở đó” thay vì chỉ là “người tới thăm”. Hy vọng bạn sẽ cho những khu chợ trời Đà Lạt một cơ hội nhé!