Quán phở hơn 40 năm là địa chỉ ruột của người Sài Gòn
Trải qua hơn 4 thập kỷ với nhiều thăng trầm, hương vị của phở Hòa không chỉ góp phần làm phong phú cho ẩm thực đất Sài Gòn, mà còn là nơi dung dưỡng biết bao thế hệ người dân gắn bó với thành phố. Sở dĩ quán Hòa là địa chỉ ruột bởi ít có một nơi nào bán phở mà hương vị lại đậm đà phong cách của người miền Nam.
Nếu như lần đầu đến quán, bạn sẽ khá bất ngờ vì quán đã được tân trang hiện đại chứ không nhuốm màu thời gian như những hàng quán lâu đời khác. Không gian rộng rãi với những chiếc bàn ghế inox được xếp đặt ngay ngắn, gian bếp mở được đặt ngay lối ra vào mang lại cho thực khách cảm giác gần gũi và thoải mái vì có thể quan sát rõ quá trình chế biến.
Sự khác biệt rõ rệt nhất giữa tô phở Sài Gòn và bát phở Hà Nội có lẽ phải kể đến đĩa giá trụng hoặc để sống. Ngoài ngò gai, húng quế là hai thứ rau đi kèm tô phở thì người Nam còn cho thêm húng láng, ngò ôm, hành lá và một số loại rau thơm khác. Ai thích thứ nào thì lấy bỏ vào tô. Tô phở Sài Gòn sẽ không trọn vẹn nếu thiếu chút tương ớt đỏ, tương ớt đen và miếng chanh, lát ớt.
Ở phở Hòa, tô phở thông thường được bán theo 5 kiểu: “chín, tái, gân, nạm, gầu” theo ý thích của thực khách. Ngoài ra còn có các món phở giò, phở bò sách, phở gà, phở không thịt hoặc phở bò viên. Nếu không ghiền một món nhất định thì bạn có thể gọi tô thập cẩm với giá 75.000 đồng. Khách còn có thể gọi thêm một chén nước béo để riêng kèm thêm cái trứng với ít hành lá xanh cho đúng điệu.
Nét riêng của hương vị phở Hòa còn phải kể đến những miếng bao tử bò có vị ngọt, sần sật được cho vào trong tô phở. Nước lèo thanh ngọt nhưng không hăng mùi bò. Nhiều người sành ăn còn có thể nhận ra vị ngọt hơn nhưng không phải từ bột ngọt, nước lèo đục hơn nếu so với bát phở xứ Bắc.
Không chỉ là địa chỉ ruột của dân Sài Gòn, phở Hòa còn được nhiều du khách nước ngoài biết đến từ các cẩm nang du lịch. Có lẽ vì vậy mà chất lượng phục vụ của nhân viên quán ở thời điểm hiện tại được đánh giá tốt hơn so với mặt bằng chung của các nơi khác.
Người Sài Gòn ăn phở cũng “tốn thời gian” vì phải thêm thắt đủ thứ rau giá, gia vị đi kèm. Không phải vì “tham” mà có lẽ cái cốt cách phóng khoáng, hào sảng của người miền Nam đã phần nào ảnh hưởng đến điều đó.
Nói chuyện với tôi, người phụ nữ đứng bếp chia sẻ, phở miền Nam hay Bắc dù khác hay giống thì cũng là món ăn. “Mỗi người có một sở thích khác nhau nên cũng chẳng thể ép buộc ai đó ăn hoài chỗ mình được, chỉ biết quán này ở Sài Gòn từ mấy chục năm trước. Mười người đến ăn thì có chín người quay lại”, rồi cô cười và quay lại gian bếp nghi ngút khói của mình.
Chẳng hiểu sao, cách nói chuyện cởi mở và vui tươi từ người phụ nữ đứng tuổi phần nào làm tôi hiểu được vì sao mọi người hay bảo nhau tô phở Hòa là tô phở “dành riêng” cho người Sài Gòn, là cái tính hào sảng phóng khoáng không lẫn vào đâu được.
IVIVU.COM GỢI Ý MỘT SỐ TOUR SÀI GÒN HẤP DẪN
Tour Sài Gòn 1N: Tham quan Tp Hồ Chí Minh