Một quán miến lươn trên phố Hàng Điếu, đối diện chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được Michelin đề xuất vào danh sách quán ăn “ngon, giá cả phải chăng” năm 2024.
Đây là quán miến lươn duy nhất ở Việt Nam “lọt mắt xanh” của các chuyên gia thẩm định Michelin.
Bà Quách Kim Dung (góc phải), chủ quán miến lươn, nói không biết gì về thông tin này tới khi có khách đến ăn và chúc mừng.
Ngay lúc đó, bà hỏi “Michelin là gì?”, rồi nhận ra trước đó bà đã bỏ quên trong ngăn kéo thư mời của giải thưởng này.
Bà Dung cho biết khá bất ngờ và tự hào khi quán ăn gia đình của mình được một giải thưởng danh giá về ẩm thực công nhận.
“Điều này sẽ góp phần giới thiệu thêm món ngon mới cho thực khách, đặc biệt là khách nước ngoài, để họ biết ở Hà Nội không chỉ có phở ngon”, chủ quán nói.
Theo quan sát của bà Dung, năm 1984 Hà Nội chưa có quán miến lươn nào, trong khi các quán phở bò xuất hiện khắp nơi. Từ bán cơm, bánh cuốn, bà quyết định mở bán lươn tại nhà.
40 năm nay, không gian quán không thay đổi nhiều. Diện tích khoảng 20m2, quán chia làm hai tầng, mỗi tầng để khoảng 6 bàn inox cho 6 người ngồi.
Quầy chế biến và để nguyên liệu đặt ngay cửa ra vào, thực khách có thể quan sát toàn bộ quá trình quán tạo ra một bát miến lươn. Chỉ riêng món miến xào được chế biến trong bếp.
Khác với nhiều quán lươn ở Hà Nội thường chỉ có miến nước, xào và trộn, quán của bà Dung có thêm cháo, súp và chả lươn. Giá mỗi món dao động 30.000-65.000 đồng.
Ngoài ra, quán còn có lươn đóng túi hút chân không, thực khách có thể mua về tự chế biến, giá 1,5 triệu đồng/kg.
Bát miến lươn trộn rưới nước tương, ăn kèm dưa chuột, tía tô, húng, bạc hà… rắc thêm lạc rang, hành phi thơm. Lươn được cắt thành từng khúc nhỏ, chiên giòn rụm.
Chả lươn, với giá 30.000 đồng một suất, cũng là một trong những món khách đến quán yêu thích, để ăn kèm miến.
Ngoài lươn chiên giòn, phù hợp ăn cùng miến nước, xào và trộn, quán còn bán lươn mềm, thích hợp với các món như cháo, súp. Theo bà Dung, lượng khách ăn lươn giòn nhiều gấp 5-6 lần lươn mềm.
Lươn tại quán được tuyển chọn từ mối quen lâu năm ở Bắc Ninh và Nghệ An. Nước dùng được bà Dung nấu theo công thức riêng.
Để có nước dùng trong, bà làm sạch tất cả nguyên liệu, bao gồm cả xương lợn và xương lươn. Xương được chần qua trước khi ninh. Công đoạn chuẩn bị thường làm từ 15 đến 16h hôm trước.
Miến lươn Đông Thịnh mở cửa 7h-22h hàng ngày, trong đó cao điểm đông khách 12h-13h30 và sau 18h. Thực khách chủ yếu là khách quen người Hà Nội, một số khách du lịch từ các tỉnh thành. Thời gian gần đây có thêm khách quốc tế người châu Á.
Theo bà Dung, quán miến lươn đã tồn tại giữa trung tâm phố cổ hơn 40 năm với một công thức chế biến duy nhất, gia truyền. Không phải quán ăn được quảng cáo rầm rộ nhưng thực khách ngày nào cũng đông.
“Bởi vậy không có lý gì để thay đổi kể cả sau khi Michelin đề xuất”, chủ quán nói.