Quán "Chè Ma" ở TPHCM: Tồn tại hơn 80 năm, gây tò mò với món hột gà sống

22
Từ khi mở bán đến nay, quán "Chè Ma" nổi tiếng ở TPHCM đã tồn tại hơn 80 năm, dù vậy nơi đây chưa lần nào thay đổi thực đơn.

Quán chè có nhiều tên gọi

Càng về đêm, quán chè đề bảng hiệu “Chè Cột Điện” tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo B (quận 5, TPHCM) càng tấp nập. Khách đến ăn chè ngồi kín những chiếc bàn nhỏ trước quán, cười nói rôm rả, còn nhân viên của quán thì tất bật bưng bê chè, chạy ra chạy vào hối hả.

Đây là quán chè nổi tiếng ở TPHCM, đã tồn tại hơn 80 năm và được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, trong đó có cái tên khá rùng rợn: Chè Ma.

Càng về đêm, quán chè càng đông khách (Ảnh: Mộc Khải).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Thanh Hà (SN 1977) – chủ quán – cho biết quán vốn có tên Châu Giang, nhưng do quán nằm cạnh một cây cột điện lớn, nên khách thường gọi quán là Chè Cột Điện.

“Quán có tên nhưng khách quen gọi theo cách họ nhớ, lâu dần tên khách đặt cho quán lại trở thành tên phổ biến hơn. Thế nên chúng tôi đề bảng “Chè Cột Điện” để mọi người dễ tìm. Cây cột điện trước quán mới được nhổ bỏ cách đây mấy tháng thôi”, chị Hà chia sẻ.

Về cái tên Chè Ma, chị Hà cho biết ngày xưa quán bán đến gần nửa đêm, càng tối càng đông, nên khách “nửa đùa nửa thật” gọi như thế. “Trước Covid-19, đêm đến quán tôi đông lắm, bây giờ ít khách hơn. Lúc đó người ta chuộng tên này, tôi nghe còn không biết quán Chè Ma là quán nào nữa (cười)”, chị Hà nói.

Tính đến nay, chị Thanh Hà đã là đời thứ tư tiếp quản quán chè. Chị kể, nhiều năm trước, bà cố của chị đến TPHCM mở quán chè, rồi truyền nghề cho các đời sau. Lúc mới hơn 20 tuổi, chị đã ra quán phụ bán. Tính từ khi chị chính thức tiếp quản quán đến nay đã hơn 20 năm.

Quán vốn có tên là “Châu Giang” (Ảnh: Mộc Khải).

Tồn tại thời gian dài như thế, nhưng bao năm qua, quán chè này vẫn không thay đổi địa điểm hay thực đơn. Mỗi ngày, chị Hà và các thành viên trong gia đình lại dậy sớm chuẩn bị hơn chục loại nguyên liệu như các loại đậu, mè đen, bạch quả, nhãn nhục, củ năng… đến 15h thì dọn hàng ra bán.

Chị Hà cho biết quán tỉ mỉ chuẩn bị nguyên liệu của các món chè để đảm bảo chất lượng, chứ không nhập nguyên liệu làm sẵn ở đâu về.

Độc đáo các loại chè hột gà

Quán bán khoảng 20 món chè với 4 mức giá là 20.000 đồng, 22.000 đồng, 28.000 đồng và 30.000 đồng. Ngoài các món chè đậu, sâm bổ lượng được nhiều khách hàng ưa chuộng, quán còn có những món đặc biệt như bột củ năng hột gà.

Đúng như tên gọi, món này đơn giản chỉ là hột gà sống được đập vào chén bột củ năng đã khuấy chín còn đang nóng. Dù nguyên liệu không quá đặc biệt hay khó kiếm, nhưng bột củ năng hột gà lại là sự kết hợp khá ấn tượng.

Tuy nhiên, một số người không thích ăn hột gà sống thừa nhận có chút e ngại khi thưởng thức món này.

Món bột củ năng hột gà trứ danh của quán (Ảnh: Mộc Khải).

Chị Hà cho biết đây là món trứ danh của quán. Không phải ai cũng yêu thích món này, nhưng ai đã ăn và thích thì quay lại quán rất nhiều lần để thưởng thức. “Món này chủ yếu được nhiều người lớn tuổi mua dùng. Họ ăn quen ở quán tôi rồi thì không muốn ăn ở nơi khác”, chị Hà nói.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, bột củ năng hột gà sánh đặc, có vị ngọt vừa phải và không có mùi tanh của hột gà. Với cách chế biến tại quán, bột củ năng dậy mùi rất thơm, song món này cũng có hương vị không quá đặc biệt.

Ngoài ra, Chè Cột Điện còn có món chè hột gà trà khiến nhiều thực khách tò mò khi lần đầu đến quán. Với món này, hột gà được luộc chín, sau đó lột vỏ rồi nấu với trà. Chủ quán nói món này cần nhiều thời gian, bởi hột gà phải được nấu khoảng 5 tiếng đồng hồ để thấm vị trà.

Thành phẩm, chén chè chỉ có nước trà và hột gà. Trong đó, hột gà cũng mang màu trà, bóng bẩy, có vị ngọt nhẹ, thơm. Chén chè được thêm đá, mát lạnh, có thể giúp người dùng giải khát.

Chè hột gà trà có thể giúp thực khách giải khát trong thời tiết oi bức (Ảnh: Mộc Khải).

Chị Hà cho biết hầu như khách đến quán đều là khách quen, đã gắn bó nhiều năm với quán. Đến nơi, ai cũng đã có sẵn một món để gọi cho riêng mình. “Khách nào đến mà hỏi món, tôi biết ngay là khách mới”, chị nói.

Chị cũng tâm sự, bao năm qua, quán chè được nhiều khách ủng hộ khiến chị rất tự hào. Chị cũng cho biết gia đình mình không có công thức hay bí quyết nấu chè đặc biệt, chỉ cần chú ý cho hương vị ngọt thanh.

Quán bố trí nhiều chiếc bàn nhỏ để đón khách (Ảnh: Mộc Khải).

Khi được hỏi vì sao không thêm nhiều món chè mới cho lạ, hấp dẫn giới trẻ, chị Hà bộc bạch: “Khách thích hương vị ngọt thanh của những món cũ, quán làm món mới sợ không ngon. Từ trước đến nay, quán luôn tâm niệm làm kỹ, chất lượng, đặt cái tâm vào món ăn thì khách sẽ gắn bó lâu dài”.

Hiện tại, quán chỉ bán đến khoảng 22h30 thì nghỉ. Khách đến ăn chè phải gửi xe ở các tụ điểm giữ xe quanh quán với giá 5.000 đồng hoặc 10.000 đồng. Vì vị trí quán nằm gần một số nắp cống, nên thỉnh thoảng khu vực khách ngồi ăn chè lại xuất hiện mùi hôi thoang thoảng.