Phở và làm giàu từ hương vị bản địa

18
Khi bản địa hóa là một dạng cá nhân hóa, phở chính là món ăn mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam có thể nương theo ‘độ nổi tiếng’ của món ăn Việt, đưa các loại thực phẩm và nông sản vào nhà bếp và lên bàn ăn toàn cầu.
Phở và làm giàu từ hương vị bản địa - Ảnh 1.

Hương vị phở truyền thống có thể mở đường, tạo cảm hứng cho nhiều sản phẩm ăn theo khác – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Năm 2012, bartender Phạm Tiến Tiếp tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội đã tạo ra hương vị mới lạ cho ly cocktail hương vị phở. Năm đó, nhờ món cocktail vị phở, Phạm Tiến Tiếp đoạt giải cuộc thi cocktail thế giới Diageo Reserve World Class Vietnam. Anh được xem là một trong những bartender giỏi nhất Việt Nam trong nhiều năm.

Ngoài cocktail vị phở, anh bartender người Hà Nội còn sáng tạo ra cocktail có vị nước mắm hay các loại cocktail khác có hương vị ớt, chanh. Món cocktail phở dần được phổ biến ở nhiều bar khắp Việt Nam và vươn ra nước ngoài.

Không chỉ có cocktail vị phở, còn có cà phê vị phở thu hút giới trẻ Đà Lạt và Hà Nội một hai năm trước, hay chocolate vị phở của Maison Marou mà nhà sáng lập là hai anh chàng người Pháp và Nhật Bản…

Phở và làm giàu từ hương vị bản địa - Ảnh 2.

Ông chủ Là Việt với ly cocktail cà phê vị phở – Ảnh: H.THỌ

Cocktail vị phở đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Mười năm sau, tức vào năm 2022, món cocktail gốc Việt đã được đưa vào menu thức uống của Lahaina Grill, một nhà hàng ở Hawaii được Tripadvisor đánh giá là “Nhà hàng fine dining tốt nhất nước Mỹ năm 2022”.

Món cocktail ở Lahaina được chú ý vì dùng rượu gin, rượu đắng có vị cay habanero bitter và nước vị phở với giá 19 đô (khoảng 469.000 đồng). Ngoài thành phần chính, nước uống này còn thêm chanh tươi, trang trí bằng lát chanh, hoa hồi và húng quế.

Nay các món snack vị phở Việt đã bước vào nhiều siêu thị Mỹ và nhiều nước phương Tây. Wern-Yuen Tan, CEO phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Úc, New Zealand và Trung Quốc của Pepsi Co., đã nhận ra câu chuyện bản địa hóa để thâm nhập thị trường toàn cầu của các món hương vị phở.

Các khách sạn giới thiệu món ngon Việt sẽ phục vụ thực khách tại Lễ hội phở Việt – Vietnam Phở Festival 2024 ở Hàn Quốc tới đây – Thực hiện: THẾ KIỆT – MAI HUYỀN

Dù chỉ nhắc có một dòng đến phở và một lần ở cái tít, vị CEO đã chỉ ra con đường chinh phục khẩu vị toàn cầu nhờ hương vị bản địa. Mảng hương vị gây ấn tượng này là điển hình về bản chất thay đổi của toàn cầu hóa, với các công ty đa quốc gia thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận của họ, sử dụng công nghệ mới để đáp ứng thị hiếu của người dân địa phương và đặt cược vào bản địa hóa để tìm kiếm khách hàng mới và giành thị phần.

Những dòng phác thảo còn lại hay kịch bản để doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam khai phá thị trường toàn cầu là phần việc của các hãng nghiên cứu thị trường và doanh nghiệp Việt Nam. Hoặc nếu không thể, chúng ta buộc phải tìm một hay vài hãng nghiên cứu làm phần việc mà họ có thể có chuyên môn tốt hơn, góc nhìn thấu đáo và đưa ra giải pháp hiệu quả.

Vậy có khi nào bạn nghĩ đến hai câu hỏi: Món ăn Việt nào phổ biến nhất trên thế giới? Liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể nương theo “độ nổi tiếng” của món ăn Việt trên toàn cầu và đưa các loại thực phẩm và nông sản vào nhà bếp và lên bàn ăn của người nước ngoài?

Phở và làm giàu từ hương vị bản địa - Ảnh 3.
Phở và làm giàu từ hương vị bản địa - Ảnh 4.
Phở và làm giàu từ hương vị bản địa - Ảnh 5.

Phở atisô sẽ được giới thiệu với thực khách tại Vietnam Phở Festival ở Seoul, Hàn Quốc – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước khi trả lời câu hỏi đó, ta hãy lần theo hành trình thâm nhập và hòa vào dòng chính xã hội Bắc Mỹ của món ăn Hoa trong gần 200 năm qua.

Trong sách “China to Chinatown: Chinese Food in the West” (tạm dịch “Từ Trung Quốc đến phố Tàu: Món ăn Trung Hoa ở phương Tây”), tác giả đồng thời là tiến sĩ ngành nhân chủng học J.A.G Roberts đã viết: “Vàng được phát hiện ở Saccramento Valley năm 1848. Ba năm sau, những di dân đầu tiên từ phía Nam Trung Quốc đã tìm đường đến vùng California. Số lượng ước tính trong năm đầu tiên 1851 là khoảng 25.000 người”.

Roberts kể tiếp rằng phu đào vàng đã đem theo các nguyên liệu nấu ăn là gạo và bột mì, cùng chiếc chảo mà người phương Tây gọi là wok. Cơm hay mì xào ban đầu đặt trong hộp giấy. Rồi cộng đồng người Hoa lớn dần, nhà hàng món Hoa mọc lên.

Phở và làm giàu từ hương vị bản địa - Ảnh 6.

Chị Bùi Thanh Loan, thế hệ thứ ba của Phở Thìn Bờ Hồ – Hàng Tre, chăm chút bảng giới thiệu tại Vietnam Phở Festival 2023 ở Nhật Bản – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phương Tây dần trở nên quen thuộc hơn với các món Hoa tại các nhà hàng Trung Quốc ở các khu phố Tàu. Đặc biệt là giai đoạn sau 1979-1980 trở đi khi quan hệ Mỹ – Hoa phá băng. “Tuy vậy, sự phổ biến của món ăn Trung Hoa lại tùy thuộc vào sự sẵn có của nguyên vật liệu tại địa phương và sự thuận tiện của cách thức nấu nướng”, Roberts viết.

Nhà nhân chủng học cũng chỉ ra rằng việc nấu cơm và ăn thường xuyên tại nhà như thực phẩm chính ngày càng phổ biến hơn chút ở xã hội đa chủng như ở Mỹ. Người Việt hay người Hoa hay gốc Á khác thì ăn cơm. Dân Ý thì pasta hay pizza. Còn người Mexico vẫn ăn tacos và các loại bánh làm từ bột ngô… Bởi đó chính là “quốc hồn quốc túy” trong ẩm thực.

Những ngày này, phở Việt Nam lại đang tiếp tục hành trình quảng bá ra thế giới với điểm đến quốc tế Hàn Quốc. Món ăn quốc hồn, quốc túy có thể nói đã chinh phục thực khách Hàn Quốc từ lâu.

Vì thế câu chuyện ở đây là doanh nghiệp Việt Nam có thể nương theo “độ nổi tiếng” của món ăn Việt này, để đưa các loại thực phẩm và nông sản vào nhà bếp và lên bàn ăn toàn cầu. Cơ hội đang chờ. 

Lễ hội phở Việt – Vietnam Phở Festival 2024 diễn ra vào ngày 5 và 6-10-2024 tại Pie Factory, 441 Gwangnaru-ro, Gwangjin-gu, Seoul (Hàn Quốc).

Chương trình do Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, báo Tuổi Trẻ, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đồng tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, UBND TP.HCM và sự phối hợp của Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP.HCM, Tổng Hội Người Việt tại Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc, Hiệp hội Hợp tác kinh tế Hàn Quốc – Đông Nam Á (Bộ Ngoại giao Hàn Quốc).

Việt Nam Phở Festival 2024 có sân khấu biểu diễn, gần 70 gian hàng, trong đó hơn 40 gian hàng phở và các món ngon Việt Nam, Hàn Quốc. Bên cạnh đó là không gian trải nghiệm văn hóa, triển lãm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, du lịch Việt Nam.

Với slogan “Enjoy Phở, Discover Vietnam”, Ban tổ chức chương trình mong muốn thông qua Việt Nam Phở Festival tạo hoạt động ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hai nước, quảng bá văn hóa ẩm thực, kết nối giao thương dựa trên các tiềm năng kinh tế, du lịch Việt Nam – Hàn Quốc.

Phở và làm giàu từ hương vị bản địa - Ảnh 7.