Tháng 9 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Cao Bằng, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Công viên gồm 38 điểm tham quan thuộc 4 tuyến du lịch gồm: Tuyến một là Khám phá thế giới thượng ngàn; tuyến hai là Hành trình về miền thiên giới; tuyến ba là Cuộc sống dân dã nơi trần thế; tuyến bốn là Đường đến thủy cung.
Đến với Công viên địa chất Lạng Sơn, ngoài việc khám phá những nét độc đáo của giá trị di sản (văn hóa, đa dạng sinh học, địa chất – địa mạo, địa văn hóa, khảo cổ học), du khách có thể tham gia trò chơi leo núi mạo hiểm.
Công viên địa chất Lạng Sơn cũng bao gồm nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị như Hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng, nền văn hóa Bắc Sơn… chứng minh nơi đây là một trong những chiếc nôi của người Việt cổ trong một hệ sinh thái núi đá vôi với gần 800 loài thực vật, trong đó có hàng chục loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam…
Dự kiến, Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ nhận bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào năm 2025 tại Chile.
Ông Lưu Bá Mạc – Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn – đánh giá, sự ghi nhận này sẽ giúp cho tỉnh Lạng Sơn có thêm động lực cũng như cơ hội tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.
Ông Mạc nói thêm, Sở đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch, như việc ban hành các kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm về phát triển du lịch, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới.
Đồng thời, nơi đây cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với Trung Quốc để thu hút khách du lịch tới tham quan tại các địa điểm ở Lạng Sơn.
Đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch của Công viên địa chất Lạng Sơn sau khi được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, ông Trương Quốc Hùng – Chủ tịch CLB Lữ hành Hà Nội – cho rằng, đây là “đòn bẩy” thu hút du khách trong nước, quốc tế đến Lạng Sơn nói riêng, Việt Nam nói chung.
“Tuy nhiên, địa phương cần quan tâm đến công tác bảo tồn để phát triển bền vững, gìn giữ thiên nhiên hoang sơ và nền văn hóa bản địa, tránh tình trạng phát triển “nóng”, không bê tông hóa phá vỡ cảnh quan”, ông Hùng nói.
Chia sẻ về các bước đi tiếp theo trong thời gian tới, bà Phạm Thị Hương – Phó Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn – cho biết, bên cạnh việc xây dựng tour tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu tại các ngôi đền nằm trong vùng lõi, Ban quản lý của Công viên địa chất cũng triển khai xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Bà Hương cho biết thêm, một dự án quan trọng khác cũng được hoàn thiện trong thời gian tới là Trung tâm phức hợp Công viên địa chất Lạng Sơn có quy mô 20.000-30.000m2, bao gồm: Trung tâm quản lý điều hành đón tiếp, trung tâm thương mại dịch vụ, chợ đêm truyền thống, bảo tàng đạo Mẫu, bảo tàng trưng bày tiến hóa sự sống vùng Công viên địa chất Lạng Sơn…
Các dự án này sẽ góp phần hoàn thiện các chức năng, qua đó phát huy giá trị và “đánh thức” tiềm năng phát triển du lịch của Công viên địa chất Lạng Sơn.
Ông Nguyễn Quý Phương – Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) – nhận định, Lạng Sơn là một trong những cửa ngõ lớn đón khách du lịch quốc tế.
Để tận dụng cơ hội và lợi thế này, tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục tập trung làm mới sản phẩm du lịch, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch; tiếp tục hỗ trợ và liên kết trao đổi khách với các doanh nghiệp du lịch và các địa phương khác trên cả nước.
“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch, các địa phương trong đó có tỉnh Lạng Sơn nhằm tận dụng tốt những cơ hội, đón đầu xu hướng du lịch trên thế giới… góp phần tạo dựng từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá cho du lịch Việt Nam phát triển”, ông Phương khẳng định.
Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021, có phạm vi thuộc các huyện Bắc Sơn, Chi Lãng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn với tổng diện tích 4.842 km2.
Do nằm chủ yếu trong cánh cung Bắc Sơn là một khối núi đá vôi lớn, thuộc địa phận hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang nên nơi đây có nhiều hang động đồ sộ, hùng vĩ bậc nhất Việt Nam.