Núi cấm An Giang – Mùa sương mù cất lời

24

Đôi nét về núi Cấm

Tháng 5 bắt đầu mùa mưa, An Giang cũng thế, cũng có những cơn mưa bất chợt giữa cái nắng mùa hè, cũng có những cái lạnh đầu ngày sớm mai, cũng có sương sớm mỗi ngày mới. Đến với An Giang là đến với vùng đất của tâm linh và tôn giáo, nổi tiếng nhất là thành phố Châu Đốc nằm ở phía Bắc, nổi tiếng thứ nhì ắt hẳn là núi Cấm nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh. Núi nằm trong Thất Sơn, có độ cao 705 m, chiếm chu vi 28.600 m, đỉnh Bồ Hong trên núi là đỉnh núi cao nhất trong Thất Sơn và núi Cấm cũng là ngọn núi cao nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Trải nghiệm homestay tại núi Cấm – Mun’s house homestay

Chuyến đi đến núi Cấm cũng là gần đến giờ hoàng hôn thứ bảy, gửi xe máy ở nhà dân phía chân núi và đón xe trung chuyển của Phòng bán vé xe du lịch lên núi của công ty cổ phần phát triển du lịch An Giang. Vé xe mình chọn là cả chiều đi vào hôm thứ bảy lên núi và chiều về vào khi chủ nhật (lưu ý giữ thẻ xe và số điện thoại liên lạc cho chiều xuống).

Xe chở đến đầu dốc homestay mình ở – Mun’s house homestay và mình sẽ đi bộ một đoạn ngắn để đến homestay. Homestay là một ngôi nhà gỗ mới xây và hoạt động từ đầu năm của một gia đình nhỏ trên núi với 3 tầng bám sát lấy viền núi.

núi cấm an giang

Bảng hiệu của homestay

Mùi vecni gỗ bám lấy từng cây cột, cái sàn và tường và xộc lên mũi, tuy nhiên cũng không khó làm quen. Dù mình không sinh ra ở miền núi, nhưng thấy cái cách sinh hoạt, cuộc sống im lặng của bốn bề thiên nhiên làm mình nhớ đến nhà ngoại của mình của những ngày xưa. Chẳng có tiếng xe cộ ồn ào của thành phố mà chỉ có tiếng thiên nhiên, tiếng của nhiều loài lưỡng cư núi rừng, tiếng của chim và lá cây xào xạc quyện thành nhiều âm thanh lớn nhỏ liên tục.

núi cấm an giang

Những góc nhỏ của homestay

Gia đình nhỏ chủ homestay tiếp đón bọn mình rất nhiệt tình, vừa đặt chiếc balo xuống như đánh một tiếng trống vào mây ngàn trên đầu, từng hạt mưa rơi rồi nhiều dần đều, ào ạt ướt đẫm cả ngọn núi, cả cây cỏ cũng tắm trong cơn mưa đầu mùa. Có thể nói, nếu có một cơn mưa rào đến với cả tỉnh An Giang, ắt hẳn ngọn núi Cấm là nơi đón những hạt mưa đầu tiên bởi đây là nóc nhà của cả tỉnh.

núi cấm an giang

Mình pha một ly cà phê từ cà phê pha sẵn để tận hưởng cơn mưa

Chợt nhận ra cần tỉnh táo nên mình xin chị chủ homestay một tách cà phê pha sẵn ấm nóng thể tha hồ thưởng ngoạn cái cảnh lãng mạn của homestay nhìn hẳn ra được cả hồ Thanh Long đã chặn lại bằng đập, bên trên là cáp treo nối nhau lên xuống tấp nập. Cả khung cảnh ấy như có những buồng cáp treo là bận bịu nhất vậy, hồ Thanh Long thì nằm im đón nhận cơn mưa để vẽ thêm cho mình họa tiết bọt trắng trên nền xanh ngọc bích của bản thân, cây cối cả vùng núi bao bọc lấy hồ thì hả hê tắm trong cơn mưa mà đôi khi những cây cao nghiêng ngả qua lại vì khoái chí, nếu không vì bộ rễ lâu năm chắc chúng cũng chạy nhảy khắp cả ngọn núi. Ở lan can Mun’s house homestay nhìn xung quanh, lọt thỏm là hồ Thanh Long, vuốt lên xung quanh là núi Cấm, mình nghĩ rằng chỉ có mình, chỉ có Mun’s house homestay mới nắm bắt trọn cái khung cảnh tuyệt đẹp này mà có tiếng mưa đệm vào, mình lôi giấy bút ra phác thảo, chỉ vì sự đẹp đẽ tự nhiên vốn có này mà lần đầu mình trải nghiệm, để mình không chỉ ghi nhớ bằng đầu, bằng những tấm ảnh bất chợt.

núi cấm an giang

Mình sketch tay view nhìn từ homestay nhìn ra hồ Thanh Long

Buổi tối bọn mình được ăn một bữa thịnh soạn được chuẩn bị bởi chị chủ, menu thì có thể đặt trước để chị chuẩn bị những món, một phần vì cũng ở khá xa với chân núi, một phần vì thời gian ướp và chế biến cũng khá tốn thời gian. Gần đến giờ hẹn ăn tối, ngồi nghe gia đình nhỏ nói chuyện trong bếp lớn nhỏ mà mình mới biết được là bé út của gia đình nhỏ 4 người này chính là tên của homestay – bé Mun. Hèn gì logo trên tường có hình mặt trăng (Moon) nên mình thấy homestay không chỉ có tên, mà còn có sự dễ thương (làm mình nhớ tới cô bạn thân từ mẫu giáo của mình, cũng là Moon nhưng mình cũng thích gọi là Mun và nhắn tin cũng xưng là Mun). Bữa ăn được bày ra hiên nhà, một nửa là có mái che, chỗ còn lại thì không và sát lan can về phía hồ. Cơn mưa cũng chưa tạnh, ngồi ở bàn ăn, phía trước là bếp than, bên phải là căn nhà gỗ đèn vàng, xung quanh là anh chị của mình, bên trên thì mưa nhẹ hạt, cảm giác ấm cúng và cũng thân thuộc khó tả.

núi cấm an giang

Bếp than ấm nóng giữa tối mưa

Trên bàn có cơm cho no bụng, rau luộc chấm nước mắm dằm trứng luộc, thịt bò nướng và cả lẩu hải sản.

núi cấm an giang

Bàn ăn của mình chọn trong menu mà chị chủ đề xuất

Phần ăn này mình nghĩ là khá nhiều so với 4 người bọn mình nhưng thôi nhăm nhi hết buổi tối cùng vài lon nước lên men mang theo từ dưới núi thì cứ tận hưởng buổi tối mưa phùn ở đây vậy. Than và lửa vẫn ấm nóng tới cuối buổi ăn, gia đình chủ nhà thì về nhà chính của họ, nghe nói cũng đâu đó trên núi nên buổi tối chỉ có bọn mình ở cả cái homestay 3 tầng này. À đồng hành cùng tụi mình và chắc là bạn thân của Mun là 2 chú cún cũng lớn với mấy bé mèo ham chơi ít thấy mặt nên thấy cũng khá an tâm mà qua đêm. Ăn xong tụi mình lên tầng 3 để ngồi thư giãn cuối ngày, bên trong là phòng ngủ còn phía trước có bàn khách và ban công nhỏ với mái che phủ vươn xa ra ngoài, chắc để giữ mát cho mùa hè và giữ ấm chặn gió cho những ngày mùa mưa và mùa đông nên dù ở tầng cao nhất thì mình vẫn thấy khá ấm áp.

5 giờ 30 sáng, cái giờ mà mình hay dậy mỗi lúc đi đến một nơi xa, vì cứ nghĩ đến chuyện chỉ được lưu trú ngắn ngày ở đâu đó, mình muốn ngày dài nhất có thể để trải nghiệm và để bắt được cái khoảnh khắc bình minh mỗi sáng sớm. Mình ngồi yoga ở hiên phía trước bàn ăn hôm qua, sàn gỗ vẫn còn mát, cái cảm giác hít thở đầy một bụng không khí trong lành của núi rừng suốt buổi tập, bên trên chim bay qua lại, sàn nhà có vài bé côn trùng, mình như được liên kết với cả cơ thể, để đưa tâm hồn mình và thiên nhiên hòa thành một, tràn đầy năng lượng và sức sống căng tràn, tràn đầy sự tươi tắn và tinh khiết.

núi cấm an giang

Mình và buổi yoga sáng sớm

núi cấm an giang

Có bé mèo cũng dậy sớm nè

núi cấm an giang

Bé sóc chuột cũng đã đón ngày mới

Cơn mưa dài của ngày hôm trước cộng với thời tiết đầy sương của ngày mới, mặt trời dường như mới chỉ vén tay mở những đám mây hé chào ngày mới với những tia nắng len lỏi thì cũng tự thu mình lại và mất dạng, nhường chỗ cho bầu trời xám trắng. Nghe chị chủ nhà nói rằng sáng sớm săn mây ở đỉnh núi (đỉnh Bồ Hong) thì đẹp lắm nhưng chỉ có một mình mình thức dậy sớm nên mình ngồi ngắm nghía hồ Thanh Long sáng sớm và một cảnh tượng đẹp khác chưa từng thấy.

núi cấm an giang

Hồ Thanh Long trước khi mây mù kéo đến

Nếu hôm trước mây mưa xuất hiện tác động từ trên cao xuống hồ Thanh Long và núi Cấm thì sáng chủ nhật hôm ấy, những nhóm mây lớn nhỏ dần len lỏi từ dưới chân núi, leo qua khỏi đập của hồ Thanh Long và tràn vào hồ như ai đó đang rót những làn khói khổng lồ vào mặt nước phẳng lặng. Mây cứ kéo đến, leo lên mặt hồ rồi tan đi, cứ thế theo từng đợt.

núi cấm an giang

Từng cụm mây kéo đến và tan đi

núi cấm an giang

Mây mù đã chinh phục gần như cà núi Cấm

Dường như không khí ưu tiên cho sự trỗi dậy của tầng tầng lớp lớp mây mù, không ít lâu sau, cả hồ Thanh Long, cả Mun homestay, cả núi Cấm tràn ngập trong sương và mây mù.

núi cấm an giang

Từng đợt cáp treo thoắt ẩn thoắt hiện trong những cụm mây lớn nhỏ

Các địa điểm tham quan du lịch tại núi Cấm

Điện Ngọc Hoàng Thượng Đế và Điện thờ Tổ Trăm Họ

Sau đó, bọn mình quyết định đến tham quan các địa điểm tôn giáo phía cao nhất của núi và chị chủ homestay cũng là người đưa bọn mình lên đỉnh núi. Nếu đường lên núi Cấm thì đi bằng xe trung chuyển loại đặc biệt thì đường lên điện Bồ Hong chỉ có thể đi bộ hoặc xe máy chuyên dụng hơn. Những con dốc thẳng đứng với thời tiết mưa phùn và dày đặc sương, một đoạn đường sợ nhất mình từng đi qua chắc hẳn là nơi đây. Đến nơi thì phải đi thêm một đoạn cầu thang nữa mới đến được Điện Ngọc Hoàng Thượng Đế. Hai bên đường lên là nhà người dân với nhiều mặt hàng để du khách có thể hành hương, có nơi có cho thuê chỗ ngủ qua đêm cho các du khách phương xa. Vừa đi trên những bậc thang cao vót, lan can lúc có tay vịn lúc không, bậc thang không chắc chắn thì với người trẻ như mình, nhìn dòng người lên xuống tấp nập toàn là những cô dì bác lớn tuổi mới thấy rằng, họ thật sự tin tưởng vào tôn giáo ở đây.

núi cấm an giang
núi cấm an giang

Lối lên Điện Bồ Hong (Điện Ngọc Hoàng Thượng Đế)

Nghĩ tới những đoạn đường dốc và thời tiết sương mù thì quả thật để lên được đỉnh là một thử thách. Nhưng vừa đi chậm rãi, mình chụp vội ảnh mọi người ở đây, với lối sống hàng ngày giản dị của họ, nhưng hôm đó thì rất khác, ai cũng háo hức bàn tán về cái ngày đầu tiên mà núi Cấm quay lại mùa sương mù, là lúc sương mù cất lời.

Công trình kiến trúc của Điện Ngọc Hoàng Thượng Đế tuy đơn giản mà cái nét cổ và cũ hiện rõ lên từng mặt vật liệu. Các hoa văn trạm khắc, các tượng trang trí cũng phủ lên chiếc áo cũ. Diện tích thì không quá lớn nhưng cũng đủ để mọi người có thể thắp nén nhang và cầu nguyện.

núi cấm an giang

Cầu thang lên Điện Ngọc Hoàng Thượng Đế để thắp hương

núi cấm an giang

Chi tiết tượng rồng ở một tiểu cảnh hòn non bộ

Điện thờ Tổ Trăm Họ thì lên một đoạn cầu thang xoắn nữa là đến, đây cũng là nơi cao nhất (khoảng 716m so với mực nước biển). Ở đây nghi ngút khói nhang, mọi người đến hành hương, mỗi gia đình là một mâm cơm đầy những món ăn quen thuộc như bánh bao, chả chay,… Nghe nói nếu trời không mây thì có thể nhìn xuống dưới thấy hồ Thủy Liêm và tượng Phật Di Lặc khổng lồ của núi Cấm. Ngày hôm ấy, chắc chỉ thấy được 5m xung quanh, đi đến đâu cũng thế.

núi cấm an giang

Cuộc sống thường ngày của người địa phương trên đỉnh núi Cấm

núi cấm an giang

Cuộc sống thường ngày của người địa phương trên đỉnh núi Cấm

Khu du lịch Lâm Viên

núi cấm an giang
núi cấm an giang

Sương mù “cất lời” tại núi Cấm

núi cấm an giang

Ngày đầu tiên của mùa sương mù tại núi Cấm

Bọn mình lại đón xe ôm của chị chủ homestay xuống khu du lịch Lâm Viên. Đoạn đường trước hồ Thủy Liêm (thuộc khu du lịch Lâm Viên) có nhiều hàng quán ăn với những món ăn Việt Nam quen thuộc như cơm, mì, hủ tíu, đặc biệt là bánh xèo rau rừng,… Nghe nói nếu đi sớm hơn thì có thế ghé thăm chợ mây (cách mà người địa phương gọi họp chợ ở các vùng núi cao), nhưng ngồi ở quán ăn sáng thì dễ dàng thấy mấy cô chủ hàng xách quai gánh đi về sau khi tan chợ, trú mưa tạm ở trước quán ăn.

núi cấm an giang

Các cô cùng gánh hàng rau tạm trú mưa sau khi tan chợ mây

núi cấm an giang

Các cô tiếp tục chạy nhanh về nhà khi mưa đã ngớt

núi cấm an giang

Trẻ em thì nắm chặt tay người lớn trong làn sương mù và mưa phùn

núi cấm an giang

"Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi" lớn nhất ở châu Á

Chùa Vạn Linh

năm 1927, sau mùa An cư, nhà sư Thích Thiện Quang xin với thầy Hòa thượng Thích Trí Thiền lên núi Cấm ẩn tu và được chấp thuận. Đến núi Cấm, sư Thiện Quang dựng lên một am thờ Phật bằng tre, lá đơn sơ (nên tên ban đầu của chùa Vạn Linh là chùa Lá) để chuyên tu và trị bệnh cho người dân quanh vùng. Khi số đệ tử quy tụ về đông hơn, năm 1941, nhà sư Thiện Quang cho khởi công trùng tu ngôi chánh điện khang trang hơn, mái lợp ngói, đến 1943 thì hoàn thành, và đặt tên là chùa Vạn Linh.

núi cấm an giang

Mây mù cũng che phủ cả chùa Vạn Linh

núi cấm an giang

Lối vào chùa Vạn Linh

núi cấm an giang

Tượng chú tiểu bên trong khuôn viên chùa Vạn Linh

(tọa lạc tại quận Thủ Đức cũ, thành phố Hồ Chí Minh): Là một người sinh ra và cũng đã từng đến chùa Vạn Đức, lần đầu mình nhận ra khi đến núi Cấm là mối liên hệ rất mật thiết giữa chùa Vạn Đức và chùa Vạn Linh. Chùa Vạn Đức do Hòa thượng Thích Trí Tịnh khai sơn vào năm 1954 (Giáp Ngọ). Hòa Thượng thuộc dòng Lâm Tế gia phổ đời thứ 41, là đệ tử của Hòa thượng Thích Thiện Quang – Khai sơn Chùa Vạn Linh, Núi Cấm, An Giang. Trước đây, khi Hòa thượng Thích Thiện Quang còn sanh tiền có đến ngôi nhà và khu đất này, Hòa thượng có huyền ký: “Nơi này về sau sẽ trở thành đại Già lam” . Chùa ngày càng phát triển đúng với lời huyền ký của Hòa thượng Vạn Linh. Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã cống hiến một sự nghiệp vĩ đại cho Phật giáo nước nhà. Ngài đã phiên dịch phần lớn các bộ Kinh tạng Đại thừa, giảng dạy đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni, cũng như gánh vác lãnh đạo Giáo hội trải qua nhiều thời kỳ và là bậc tòng lâm thạch trụ cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Chùa Vạn Đức sẽ mãi mãi là mái nhà che chở những người con Phật trên lộ trình đi đến giác ngộ giải thoát. Bởi thế, kiến trúc của chùa Vạn Đức là một bản thể chi tiết và cầu kì hơn so với chùa Vạn Linh và điều đặc biệt là cả ở chùa Vạn Đức và chùa Vạn Linh trưng bày tượng sáp của Ngài – hòa thượng Thích Trí Trịnh.

núi cấm an giang

Chuyến tham quan chùa Vạn Linh cũng là kết thúc chuyến tham quan đầy “sương mù” tại núi Cấm

Kết thúc chuyến tham quan núi Cấm, cảm giác như còn lưu luyến ở nơi đó, đầy hùng vĩ và chứa đựng bức tranh tôn giáo uy nghiêm và lâu đời. Đây không chỉ là một điểm đến hành hương cho người dân miền Tây mà còn là điểm hành hương cho mọi người con của Việt Nam, hoặc chỉ đơn thuần là tham quan trải nghiệm. Cái cảm giác được trải nghiệm thời tiết sương mù đặc biệt tại đây, mình còn cảm thấy may mắn và biết ơn thiên nhiên đã ưu ái cho mình để mình có thể tha hồ chụp những bức ảnh để chia sẻ đến mọi người và hy vọng mọi người có thể thích bài viết và những hình ảnh mình đem đến.