Nơi cuối sông Hồng

70

Hoàng hôn trên một đầm nước ở khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Thu Hương.

Cuộc sống của ngư dân vùng rừng ngập mặn đan xen với cảnh sắc tươi đẹp nơi làng quê Bắc bộ làm chúng tôi nhớ mãi trong chuyến đi của mình.

Từng lang thang theo sông Hồng từ mạn Lào Cai chảy về Yên Bái, Phú Thọ…, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của dòng sông khi uốn lượn trên miền rừng núi và nét duyên dáng khi chảy qua vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn, chúng tôi vẫn chờ cơ hội để khám phá vùng đất nơi mà dòng sông này bắt đầu hỏa mình vào Biển Đông. Và ngay sau khi sắp xếp được thời gian, chúng tôi đã quyết định lên đường.

Trải qua gần 150 km đường đê bao ven sông từ Hà Nội, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Trên con đường chạy dọc Vườn quốc gia Xuân Thủy, chốc chốc chúng tôi lại thấy một mương nước, lạch sông với cồn nhỏ.

Ở đoạn cuối này, sông Hồng vào mùa hạ như một con rết nhiều chân, mỗi chân rết chính là những nhánh và lạch nhỏ, với vài thuyền nan cắm sào đứng lặng lẽ.

Đứng trên chòi ngắm cảnh giữa vườn quốc gia, chúng tôi mới thấy hết được khoảng mênh mông của vùng sông nước, đầm phá này. Màu đỏ của sông Hồng giờ đã được pha với màu xanh của biển để tạo ra một màu phối lạ lẫm.

Phóng tầm mắt từ chòi vọng cảnh ra phía xa xa trong khoảng mênh mông của trời, nước ấy chính là cửa Ba Lạt. Và vẻ đẹp của những cồn đước nhỏ xanh tươi giữa vùng đầm phá ven biển khiến du khách thích thú với cảm giác phóng khoáng và tự do.

Sau khi được anh Trịnh Hậu – một trong số ít người làm du lịch cộng đồng đầu tiên ở vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy – cung cấp nhiều thông tin về vùng đất này, chúng tôi bắt đầu chuyến khám phá Vườn quốc gia Xuân Thủy và vùng đệm.

Khi đi qua các xã Giao An, Giao Xuân, Giao Hải, Giao Thiện… đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một làng quê Bắc bộ với cây đa, bến nước, sân đình, đàn trâu, triền đê… Và đan xen vào những thứ gần gũi thân quen ấy là các làng biển với cảng cá, cồn bãi, vùng nuôi ngao, nuôi tôm đặc trưng.

Sau gần một ngày tham quan hết những công trình kiến trúc độc đáo, đặc biệt nhà cói lâu năm tại đây, khi ánh chiều tà dần buông, chúng tôi bắt đầu kéo nhau ra cảng cá Tiền Lang – Giao Hải.

Lúc này hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân dần dần cập bến. Cuộc sống của cư dân vùng đất nông – ngư nghiệp đan xen ở đây vẫn còn khá lam lũ. Chị Mai (xã Giao An) cho biết công việc của phần lớn phụ nữ nơi đây là phụ chồng nuôi tôm, ngao…

Buổi tối homestay ở Giao Xuân lại là một trải nghiệm khác. Chúng tôi được thưởng thức các món ăn đồng quê xen lẫn với hải sản của biển rất thú vị.

Ở đây vào những ngày cuối tuần hay lễ tết, du khách còn được hát giao lưu hoặc xem các đội văn nghệ làng biểu diễn làn điệu truyền thống như dân ca, chèo, diễn kịch…

– Ở Vườn quốc gia Xuân Thủy có khu nhà khách trung tâm với giá phòng 400.000 – 500.000 đồng/đêm, du khách có thể liên hệ trước.

– Dịch vụ homestay bình dân ở các xã lân cận có giá chỉ 100.000 – 150.000 đồng/đêm.

– Du khách có thể thuê thuyền các hộ dân ven biển với giá 500.000 – 700.000 đồng/chuyến cho 4 – 5 người để khám phá vườn quốc gia.

– Bạn không nên bỏ qua các món ẩm thực độc đáo khi tới Vườn quốc gia Xuân Thủy như nộm rau câu, cá rô đồng kho khế, gỏi nhếch, nem nắm lá sung…

Theo Tuoitre.vn

Xem thêm các bài viết:

Du lịch Hà Nội ghé vườn hoa bãi đá sông Hồng

Những món ăn khiến phố Hoàng Cầu đông nghẹt khách

Tháng 9, Hà Nội có bao giờ đẹp như thế