Những người chuyên nhặt xác, đưa thi thể người trên đỉnh Everest xuống núi

118
Ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu khiến lớp băng tuyết mỏng dần lộ ra thi thể của hàng trăm du khách đã tử nạn. Họ là những người từng trên đường chinh phục nóc nhà thế giới nhưng phải nằm lại vĩnh viễn.

Những thi thể nằm lại trên đường

Xuất phát từ mong muốn được chinh phục đỉnh cao, chạm tay tới Everest, hàng trăm du khách đã bỏ mạng ngay trong lần thử sức đầu tiên và nằm lại vĩnh viễn trên “nóc nhà thế giới”.

Với chiều cao 8.848m, Everest đã trở thành đích đến trong mơ của hàng nghìn nhà leo núi muốn thử thách bản thân. Hai người đầu tiên đặt chân lên đỉnh vào ngày 29/5/1953 là nhà thám hiểm Edmund Hillary người New Zealand và Tenzing Norgay người Nepal.

Từ đó đến nay, theo số liệu thống kê cho thấy, khoảng 10.000 người đã chinh phục thành công từ phía Nepal và Tây Tạng.

Rất nhiều người đã bỏ mạng trên đường chinh phục đỉnh Everest (Ảnh: Britannica).

Tuy nhiên những năm trở lại đây, do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu khiến lớp băng tuyết mỏng dần làm lộ ra thi thể của hàng trăm du khách đã tử nạn. Có những thi thể đã nằm ở đó hàng chục năm, chưa được đưa về quê nhà và có thể nằm lại mãi mãi.

Trong số những người leo Everest năm nay có một nhóm không đặt mục tiêu chinh phục đỉnh cao. Họ là những người chuyên dọn hàng tấn rác, nhặt xác và đưa thi thể người chết xuống núi.

Chuyến tìm kiếm mới nhất, cả nhóm thấy 5 thi thể đông lạnh chưa được đặt tên. Trong đó có một thi thể chỉ còn bộ xương. Đây là một phần trong chiến dịch dọn sạch núi của Nepal trên Everest cũng như các đỉnh Lhotse và Nuptse liền kề nhau.

Để nhặt xác, lực lượng cứu hộ phải mất hàng giờ dùng rìu để đẽo băng. Đôi lúc họ dùng cả nước sôi dội lên mới gỡ được phần băng bị bám đông cứng.

“Ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, các thi thể đang hiện rõ hơn khi lớp băng tuyết tan đi”, ông Aditya Karki, một thiếu tá trong quân đội Nepal, người đứng đầu nhóm gồm 12 quân nhân và 18 nhà leo núi, cho biết.

Thi thể “Đôi giày xanh” nổi tiếng ở Everest (Ảnh: Tail Mango).

Hơn 300 người thiệt mạng trên núi kể từ khi cuộc chinh phục Everest bắt đầu từ những năm 1920. Riêng năm nay đã ghi nhận 8 người bỏ mạng.

Nhiều thi thể vẫn nằm lại. Một số bị tuyết che khuất hoặc bị “nuốt chửng” trong những khe vực sâu.

Có những thi thể rất nổi tiếng và đặt biệt danh qua trang phục leo núi của họ. Đó là thi thể mang tên “Đôi giày xanh” hay “Người đẹp ngủ trong rừng”.

Suốt nhiều năm, các nhà leo núi Everest vẫn kể với nhau về trường hợp của một thi thể được đặt biệt hiệu là “Đôi giày xanh”. Nạn nhân được phát hiện trong một cái hang cách đỉnh khoảng 344m. Dấu hiệu nhận biết là đôi giày màu xanh của nhà leo núi xấu số. Và đến nay, thi thể này thậm chí được dùng làm cột mốc cho những người leo núi.

Không chỉ tốn kém và khó khăn, theo nhiều chuyên gia, bất cứ quyết định xử lý các xác chết trên đỉnh núi ra sao cũng đều là vấn đề cá nhân.

“Hầu hết các nhà leo núi muốn nằm lại núi nếu họ không may thiệt mạng. Sẽ là thiếu tôn trọng nếu chúng ta loại bỏ hài cốt của họ, trừ trường hợp thi thể cần di dời khỏi cung đường leo núi, hoặc gia đình nạn nhân muốn đưa họ về quê nhà”, Alan Arnette, một nhà leo núi nổi tiếng nhận định.

Đưa thi thể xuống núi, công việc gian khó và tốn kém

“Việc đưa thi thể từ đỉnh Everest xuống núi là điều cực kỳ khó khăn nhưng rất cần thiết. Nếu du khách trên đường chinh phục nhìn thấy những xác chết có thể tạo ra tác động tiêu cực”, thiếu tá Aditya nói.

Có những thi thể nằm ở vùng tử thần, nơi không khí loãng và nồng độ oxy thấp khiến việc tiếp cận rất khó khăn. Bất cứ nhiệm vụ cứu hộ nào cũng đầy rẫy nguy hiểm.

Tshiring Jangbu Sherpa, người dẫn đầu cuộc tìm kiếm thi thể, cho biết, thi thể bị băng tuyết bao trùm từ đầu tới chân khiến đội cứu hộ mất 11 tiếng mới kéo ra được. Chưa kể tới việc đưa xác chết xuống núi còn thử thách gấp nhiều lần.

Đưa các thi thể xuống núi (Ảnh: AFP).

Một số thi thể trông vẫn gần như nguyên vẹn vào thời điểm chết. Họ có đầy đủ đồ đạc cùng đinh móc, dây an toàn trên người. Tuy vậy, việc thu hồi xác chết ở độ cao này đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng leo núi.

Một thi thể có thể nặng tới 100kg. Ở độ cao hàng nghìn mét, khả năng mang vác nặng sẽ kém đi nên một xác chết cần tới 8 nhân viên cứu hộ.

“Dù khó khăn cỡ nào, chúng tôi vẫn phải đưa càng nhiều xác chết xuống núi càng tốt. Nếu để mặc họ ở lại, đỉnh núi chẳng mấy chốc sẽ thành nghĩa trang”, ông Tshiring nói.  

Theo ông Rakesh Gurung, quan chức Bộ Du lịch Nepal, sau khi thi thể được mang xuống sẽ đưa tới thủ đô Kathmandu chờ xác minh nhân thân. Những người không thể xác minh có thể được mang đi hỏa táng.