Chào tạm biệt Sucre và Potosi, sa mạc muối ở Uyuni là điểm đến cuối cùng của mình trên chuyến hành trình khám phá Bolivia trước khi bước chân sang Chi Lê. Mình bắt đầu Bolivia với một thị trấn nhỏ (Copacabana) và kết thúc Bolivia cũng ở một thị trấn (Uyuni).
Từ bến xe cũ của Potosi, mình bắt chuyến xe sớm nhất tới thị trấn Uyuni – thị trấn biên giới cuối cùng của Bolivia trước khi vào cánh đồng muối Salad De Uyuni và sang đất Chi Lê với cái giá 40 Sol (khoảng 136.000 Việt nam đồng).
Cái cảm giác quen thuộc của gần 20 năm về trước lại quay về với mình – cái cảm giác ngồi trên con xe Hải âu xóc và nóng, cứ đi 2 tiếng là lại dừng nghỉ. Sau hơn 4 tiếng di chuyển, thị trấn Uyuni xuất hiện trước kính xe trông giống như trong 1 bộ phim miền Tây hoang dã của điện ảnh Mỹ: khói bụi mịt mù, thị trấn xác xơ và nguồn thu nhập chính ở đây là du lịch. Những người lữ khách đến Uyuni gần như chỉ có một mục đích duy nhất là được trải nghiệm cánh đồng muối Salad De Uyuni và chỉ muối mà thôi và thị trấn Uyuni chính là điểm dừng chân cuối cùng trước khi người lữ khách băng mình qua sa mạc muối, sa mạc cát để tới sa mạc khô nhất hành tinh San Pedro de Atacama.
So về giá cả phòng nghỉ, đồ ăn thì Uyuni thực sự khá tệ, cơ mà cũng đúng thôi vì nơi tận cùng biên giới này người ta đến và đi như 1 cơn gió, cửa hàng bán tour và nhà nghỉ là những nơi kinh doanh sầm uất nhất.
Thị trấn Uyuni nơi khởi đầu của chuyến hành trình
Có đến mấy chục đơn vị lữ hành ở Uyuni đủ để bất cứ khách du lịch nào cũng thấy choáng ngợp và mất cả ngày để đi tham khảo . Tour tiêu chuẩn ở cánh đồng muối Salad De Uyuni là 3 ngày 2 đêm với giá giao động từ 700 sol cho đến 1200 sol (từ 2.380.000 đến khoảng 4.080.000 VND), số tiền dao động cũng 1 phần do có lái xe nói tiếng Anh hay chỉ tiếng Tây Ban Nha. Thực ra có lái xe Tiếng Anh không thực sự khác là mấy khi thấy nhiều bạn đã đi kể lại là họ không thực sự nói gì nhiều. Trước chuyến đi này cả nửa năm mình đã ngồi đọc rất nhiều chia sẻ, bình luận để tìm một đơn vị phù hợp và lựa chọn này đã làm chuyến đi của mình thực sự rất có ý nghĩa.
Ngắm sao đêm trên sa mạc muối
Ngắm sao đêm ở Uyuni mà mình gọi là Tour thì chắc chắn sẽ không thể ngắm sao trời trên cánh đồng sũng nước muối nếu đi theo tour tiêu chuẩn 3 ngày 2 đêm nên mình đã đặt một tour di ngắm sao giá 120 sol (khoảng 410.000 VND) ở văn phòng du lịch đối diện nhà nghỉ. Có lẽ chỉ dân Châu Á mê ngắm sao thì phải, biển hiệu những đơn vị chuyên cung cấp tour ngắm sao chỉ có tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật và kể cả mấy bạn đi cùng tour ngắm sao của mình cũng toàn Hàn Quốc. Có lẽ các bạn nước khác không quá quan tâm tới việc chụp/ngắm sao tuyệt vời như này.
Tour khởi hành từ 3h30 sáng và kết thúc vào 8h30 sáng, bạn dẫn đường cực chuyên nghiệp đưa cả nhóm đến nhà dụng cụ ở rìa thị trấn để lấy ủng đi tránh ướt giầy(nước cao ngang mắt cá chân) trước khi lái con Lexus 4WD băng đi lao vào màn đêm. Mình khá may mắn khi đi ngắm sao vào trước rằm một hôm. Cảnh tượng một bầu trời đầy sao và sau lưng là mặt trăng tròn đầy to khổng lồ nằm trên cánh đồng nước trải dài như vô tận quả thực quá tuyệt vời. Con Fuji mình mang theo không thể chụp nổi những gì mình chứng kiến nên mình đã cho nó vào túi, lôi con ghế nhựa bạn tour mang theo và chỉ ngồi thần thờ ngắm trăng sao cho thỏa tấm lòng.
Nhìn ngắm sao đêm trên cánh đồng muối Salad De Uyuni
Lăn lộn ở Nam Mỹ nhiều mới thấy dân Hàn và dân Nhật đi du lịch bụi rất đông và số thời gian các bạn đi toàn tính theo năm chứ chả tính theo tháng như mình. Những bạn Hàn Quốc, Nhật Bản mình gặp đều rũ bỏ mọi áp lực mọi gông cùm gánh năng ở quê nhà để đi theo tiếng gọi của tự do, nay đây mai đó trên con đường viễn du.
Ở Tour Uyuni I có 4 bạn Hàn thì 2 bạn là cặp đôi bằng tuổi mình, bạn gái đúng chuẩn hot girl và bạn trai là hot boy phong trần, còn 2 bạn còn lại là 2 anh già U50 đi du lịch với nhau. 2 đôi này tiếng Anh hơi kém mà tiếng TBN thì còn kém hơn nhưng chỉ sau một lúc làm quen thì cả nhóm đã như thân thiết từ lúc nào và kết quả là 1 series các hình ảnh ngọt nước do biên đạo nhà tour cho ra đời. Tới giờ ngắm bình minh, cả lũ mang trà ra xếp ghế ngồi trên mặt nước chờ ngắm những ánh sáng đầu tiên trong ngày, mọi thứ hoàn hảo đến khó tin.
Làm dáng chụp ảnh trên cánh đồng muối Salad De Uyuni
Trên đường trở về thị trấn lại bắt gặp vài em vincuna đang thẩn thơ chơi bời. Hồi đầu mới sang thi thoảng mình hay nhầm llama với vincuna với hay sợ bọn llama nó nhổ nước bọt vào mặt. Giờ về đi ngủ còn dành sức cho 3 ngày 2 đêm lang thang sa mạc.
Gặp vincuna trên đường về thị trấn
3 ngày trên cánh đồng muối Salad De Uyuni
Sau khi đi ngắm sao đêm lại tới thị trấn cũng đã 8h30. Tour 3 ngày 2 đêm Salad de Uyuni thường khởi hành lúc 10h hoặc 10h30, như vậy với những ai có ít thời gian thì sau khi đi ngắm sao đêm xong về nhà nghỉ ăn sáng là có thể xách balo đi luôn tour tiếp theo. Còn mình chả có gì ngoài thời gian nên mình quyết định ở lại thị trấn Uyuni chơi thêm 1 ngày nữa, đi tham quan xung quanh thị trấn và khởi hành vào sáng hôm sau. Mình thực sự rất ưng ý với đơn vị lữ hành Salt Andes expedition, giá tour thì mình cũng được rẻ hơn các bạn đi cùng đôi chút vì thừa thời gian ngồi câu kéo, trò chuyện kiếm giảm giá cho vui. Điều mình ưng ở các bạn này là tài xế kiêm hướng dẫn rất nhiệt tình, chăm lo cho các hành khách và lại còn thật thà nữa. Ưng bụng nhất là đêm cuối bạn cho ở ngay cạnh suối nước nóng có thêm thời gian bơi và xả hơi chứ không như mấy nhà tour khác ở xa hơn suối nước nóng.
Trong nhóm mình có bé Sarah (luật sư) đi cùng hôn phu là Nicholas (kỹ sư viễn thông) người Anh cùng Isis và bạn (mình tạm gọi là X vì quên tên) người Tây Ban Nha, lạc quẻ mỗi mình Châu Á lại già nhất nhóm. Suốt dọc đường đi trong chuyến hành trình 3 ngày trên sa mạc mình đã kể cho các bạn đủ thứ chuyện trên đời và những thứ đáng yêu ở Việt Nam. Nhóm này vẫn hay đùa rằng đi du lịch Bolivia mà cứ tưởng như đang du lịch Việt Nam.
Lúc mới đầu lên xe còn chút ngại ngần nhưng càng về sau thì càng trở nên rất đỗi thân thiết, lúc này mình mới biết cái Isis trước làm điều phối viên du lịch, cãi nhau với khách nhiều quá chán nên bỏ việc đi du lịch. Còn cái X, mặt rõ hiền đúng chất làm nghề giáo viên dạy trẻ, cũng bỏ việc đi lang thang để tìm bản ngã của mình. Nhìn qua nhìn lại dân đi bụi thật lắm tâm sự, chỉ có Sarah với Nicholas là tay trong tay đi khắp thế gian làm tình nguyện cùng nhau. Lúc không ngồi cùng Sarah, Nicholas bảo ghen tị với mình lắm vì sang tuần mình xuống Nam Chi Lê đi hiking còn bạn ý thì không được thế. Lúc chia tay nhau ở biên giới Bolivia-Chile, cái X khóc như mưa chia tay con bé ISIS vì nó đi Peru còn cả nhóm sang Chi Lê. Những lúc như này buồn thật, mà mình quen rồi vì từ hôm đi tới giờ chia tay bao nhiêu đứa. Lại những cái ôm nồng thắm trao nhau của những đứa bạn mới quen
Ngày 1
Quay lại với chuyến đi, ngày đầu tiên trong lịch trình khởi hành với Lexus 4×4 đưa cả đoàn đi thăm nghĩa địa tàu hỏa trước khi tiến vào sa mạc muối. Nghĩa địa này là những gì còn sót lại của những chuyến tàu chuyên dùng cho khai thác quặng.
Nghĩa địa tàu hỏa
Do độ cao so với mực nước biển và phản xạ ánh sáng mặt trời trên cánh đồng muối Salad De Uyuni nên khi đi ở đây ai cũng phải đeo kính râm cả, nhìn bình thường dưới ánh nắng gắt và phản xạ ánh sáng rất hại cho mắt, không đeo kính 1 lúc là lẫn lộn đất trời và hoa mắt chóng mặt.
Cánh đồng muối Salad De Uyuni trải dài xa tí tắp
Sau đó cả đoàn băng băng tiến vào sa mạc, mọi thứ trắng xóa và xa tít tận chân trời không thấy gì ngoài muối. Vì đi vào mùa khô nên sẽ không có những cảnh tượng cánh đồng ngập nước hay bóng trời phảng phất hình mặt đất. Điểm dừng chân đầu tiên của tất cả các đoàn tour là ở khách sạn muối nơi có cắm cờ của các quốc gia do khách du lịch mang tới. Đồ ăn của các tour hầu như đều khá giống nhau với menu cơm + thịt nướng + salad + hoa quả tráng miệng và cocacola. Sau bữa ăn trưa thì điểm đến tiếp theo là đảo Incawasi (đảo xương rồng).
Điểm dừng chân nổi tiếng trên cánh đồng muối Salad De Uyuni
Khái niệm thời gian trên sa mạc có vẻ trôi nhanh, thoáng cái đã gần hết ngày, cũng vừa kịp lúc bạn lái xe đưa cả nhóm về khách sạn Muối để nhận phòng. Cảm giác ngủ đêm lạnh lẽo ở trong 1 căn nhà được xây bằng muối, nằm trên 1 tảng muối và đắp chăn cũng thật thú vị, chưa kể buồn buồn mình có thể bóc muối trên tường ăn cho vui. Mình lại còn được ưu ái cho nằm ngay cái phòng đầu hồi gió rít vào nghe rõ vui tai. Ở khách sạn muối thì bạn sẽ được miễn phí đi vệ sinh còn đi tắm thì phải đóng 10 bolivianos (khoảng 34.000 VND).
Ngày 2
Hôm nay là ngày gần như chỉ đi ngắm hồ và hồng hạc, cả nhóm háo hức lắm nên khi mới tới Laguna Colorada là tất cả ào xuống ngắm nhìn hồng hạc cho thỏa tấm lòng. Mà bạn lái xe cũng trái khoáy, không chịu nói là còn nhiều hạc trên đường lắm làm ai cũng nằm ngắm hạc không dám ho. Sau đến mấy cái hồ khác với hồng hạc thì đã quen mắt nên không còn háo hức như lúc đầu.
Hồng hạc ở hồ Colorada
Lúc này độ cao trên mực nước biển cũng xấp xỉ 4800m. Trước khi tiến vào khu bảo tồn quốc gia Eduardo Abaroa (vé vào cửa không kèm trong tiền tour) thì cả nhóm quyết định sẽ ăn trưa ở sườn núi chứ ko dừng ăn bên hồ như các nhóm khác vì sáng ăn hơi no, có lẽ nhờ quyết định đột xuất đó mà được gặp các bạn thú bản địa và cái cảm giác ăn uống dã chiến khá vui trên đường. Kế đó là đi ngắm những “Cây đá’ được tạo thành từ dung nham núi lửa và được gió bào mòn thành những hình thù kì dị.
Cây đá hình thành từ dung nham núi lửa
Trước khi về nhà nghỉ thì nhóm mình được đưa đi ngắm bình minh trên sa mạc, các xe dừng lại và để cho khách du lịch đi lang thang đợi hoàng hôn buông xuống. Những lúc như này là lại được nghe các bạn tâm sự: Tại sao mình tới đây, sau khi về mình sẽ làm gì, bao giờ lại đi tiếp… Đi lâu với nhau thì cảm giác cứ như trở nên thân thiết từ lúc nào
Điều tuyệt vời nhất chuyến đi có lẽ là được tắm suối nước nóng ở trong khu vực vườn quốc gia và ở ngay gần chỗ nhà nghỉ. Tour mình đi là một trong số các nhà tour ít ỏi cho khách ở ngay gần khu suối nước nóng nên nhờ đó cả nhóm tha hồ tắm thỏa thích mà không lo bị giục đi cho kịp giờ. Nhìn mấy bạn được tắm có 20 phút sáng ngày 3 của hành trình xong phải đi ngay cũng tội.
Vì biết chắc có màn tắm suối ở độ cao gần 5000m nên cả đội đã thủ sẵn mấy lon bia để chung vui với nhau, cái cảm giác nằm trong hồ bơi nước nóng còn đằng sau là hồng hạc kiếm ăn và mặt trời lặn quả là 1 cảm giác cực kỳ tuyệt vời mà không có gì đong đếm được, vì chả biết lúc nào mới có lần 2 nên cả nhóm bơi cho tới khi trăng lên mới về (dù nhấc người ra khỏi bể là lạnh thấu xương).
Thưởng thức bia bản địa ở độ cao gần 5000m
Khách sạn đêm thứ 2 mà cả đoàn ở là 1 cái nhà trọ với phòng tập thể mỗi đứa 1 giường, thế là cả nhóm cũng có 1 đêm nằm bên nhau nói đủ thứ chuyện trên giời dưới bể. Mình chỉ muốn cái tour này dài ngày thêm, cứ nghĩ tới việc mai chia tay nhau là lòng đau như cắt.
Sáng ngày 3
Cả nhóm lại dậy đi bơi thêm lần nữa rồi về ăn sáng. Cung đường của ngày cuối cùng rồi cũng đã tới, tiệc nào rồi cũng tàn. Sau khi băng qua sa mạc, ngắm nhìn những đụn cát và nghe những câu truyện về những người hành hương qua đây đã tồn tại thế nào trong sa mạc khắc nghiệt, chiếc xe đưa cả nhóm băng băng tới trạm gác biên giới Bolivia. Tại đây mọi người sẽ đóng lệ phí xuất cảnh, tạm biệt nhau để tiếp tục con đường sang Chi Lê và đây cũng là điểm kết thúc của cuộc hành trình, là màn chia tay trong nước mắt vói Isis khi cả nhóm sang Chi Lê còn bạn quay về thị trấn Uyuni để bắt kịp xe đi Lapaz rồi sang Peru tiến lên phía Bắc.
Trạm gác biên giới giữa Bolivia và Chi Lê
Có lẽ hành trình của mình với Bolivia dừng lại ở đây với nhiều tiếc nuối. Mình đã được tận hưởng cuộc sống chậm ở Sucre, leo lên Calvario ở Copacabana, ngắm nhìn hồ Titicaca, dạo chơi ở La Paz, đi ngắm phố đêm ở Potosi… nhưng nhiều cảm xúc nhất và tuyệt vời nhất vẫn là trải qua cung đường rực rỡ ở Uyuni với những người bạn mới. Chia tay nhau mình tới Chi Lê bắt đầu hành trình mới.