Nói về Tây Nguyên, người ta nhắc đến những con đường đất đỏ, những mái nhà rông cao vút, những bộ phục trang đầy màu sắc của người dân tộc thiểu số. Với chúng mình, Tây Nguyên hiện lên đầy khoáng đạt qua những cung đường uốn lượn và màu xanh núi rừng.
Măng Đen
Xuất phát từ Hội An vào một buổi sớm tháng 5, chúng mình nghỉ chân ăn sáng ở thành phố Tam Kỳ để vạch lại cung đường. Vậy là chúng mình sẽ bám theo quốc lộ 1A rồi rẽ vào đường tỉnh 622, đi vào khu vực phía Tây Quảng Ngãi, rồi vượt đèo Violak để qua Kon Tum, hướng đến thị trấn Măng Đen.
Cảnh vật sau khi rời xa con đường quốc lộ trở nên vô cùng hoang sơ. Không còn bóng dáng những tòa nhà cao tầng, đường chân trời là những ngọn núi xanh thẫm như đang vẫy gọi, dọc đường là những nương lúa và vườn cây trái. Chúng mình men theo con sông Trà Khúc, vượt qua một con đập nhỏ, bên dưới là một dòng suối lớn đang chảy rậm rì, rồi băng qua cầu treo Sơn Thủy, nghe những ván gỗ rung lên bần bật.
Bắt đầu cung đường đèo Violak
Rồi chúng mình gặp đèo Violak, con đèo ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Đường đèo không có quá nhiều khúc cua tay áo nhưng khá dài, nhiều đoạn lên xuống bất thường. Bạn phải đảm bảo xe đủ xăng nếu có ý định đi qua con đèo này. Đỉnh đèo có tầm nhìn thoáng, lướt mắt qua bờ rào đá là cả một vùng thung lũng rộng lớn bên dưới.
Đường đèo không quá khó đi
Đỉnh đèo có view thoáng
Măng Đen đón chúng mình với cái nắng vàng như mật, gió hiu hiu lay động những tán lá thông, khiến nó như càng thêm lấp lánh dưới ánh mặt trời. Không khí thì chao ôi là mát, cảm giác như đang chạy xe dưới một chiếc máy lạnh khổng lồ.
Măng Đen đẹp mơ màng
Một góc homestay nơi chúng mình nghỉ đêm
Chúng mình ghé vào quán nướng Cô Sinh, làm ngay một mẹt gà nướng cơm lam. Gà nướng lá tiêu rừng có vị ngọt của thịt, thơm mềm bên trong và giòn vàng bên ngoài, chấm muối ớt xanh. Ngoài ra, ở đây còn có thịt nướng cũng rất xuất sắc, và các loại lẩu cá.
Gà nướng tiêu rừng ngon “nhức nách”
Thịt nướng mềm, phần nạc không bị khô
Trải nghiệm đáng nhớ nhất của chúng mình ở Măng Đen là chuyến khám phá ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào ngày hôm sau. Chỗ này cách trung tâm Măng Đen chừng 10km, đường không quá khó đi. Tuy nhiên, lối xuống khu ruộng bậc thang là một con dốc chừng 20 độ. Trời nắng, khô ráo mà đường còn trơn trượt. Các bạn nên gửi xe ở ngã ba cuối cùng rồi đi bộ xuống. Dân bản địa đi quen hoặc dùng xe côn tay mới trị được con dốc này.
Con dốc ở đoạn cuối đường đi ruộng bậc thang Kon Tu Rằng
Đường đi khó là vậy nhưng bù lại cảnh thì siêu thích. Đi bộ qua khúc quanh đầu tiên của con dốc, bạn sẽ thấy khu ruộng bậc thang Kon Tu Rằng hiện ra trước mặt, và một chiếc cầu treo bắc qua sông Đắk Bla. Bạn có thể đi ra giữa cầu treo chụp ảnh, cứ giơ máy ảnh lên là sẽ có ảnh đẹp. Nếu máu khám phá, bạn có thể đi hết cầu treo, men theo đường xuống ruộng lúa để có những tấm ảnh xịn hơn.
Cầu treo Kon Tu Rằng
Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng bên sông Đắk Bla
Pleiku
Chúng mình chia tay Măng Đen ngay buổi chiều hôm đó và tiếp tục hành trình 100km đến thành phố Pleiku. Sau khi đi hết đoạn đường tránh thành phố Kon Tum, chúng mình rẽ vào quốc lộ 14, băng băng lao đi với cảm giác choáng ngợp trước không gian rộng lớn, đầy khoáng đạt và tự do, thấy những đám mây trên bầu trời như sà xuống gần hơn. Chất lượng mặt đường rất tốt và vắng vẻ, tuy nhiên bạn cũng nên kiểm soát tốc độ nha, vì trên đường cũng có những trạm bắn tốc độ.
Khoảng 3 rưỡi chiều, chúng mình đến Pleiku, ghé vào quán cà phê Thu Hà nổi danh, ăn trưa cơm lam thịt nướng mua từ Măng Đen và nhấm nháp vị cà phê cao nguyên nồng nàn. Ở đây còn có sữa chua rất ngon, quán cho thêm một chút muối để ngoài, dành cho những thực khách thích vị sữa chua đậm hơn.
Cà phê và sữa chua ở quán Thu Hà
Chiều tối hôm đó chúng mình dành thời gian lượn quanh thưởng thức vài món ăn vặt. Buổi tối ở Pleiku không quá nhộn nhịp, nhiều chỗ trong thành phố không có đèn đường, cảm giác trầm lắng.
Sáng hôm sau, chúng mình đi ăn thử món phở khô trứ danh. Sợi phở mỏng và dai, trộn cùng tương đen, hành phi, tóp mỡ, ăn kèm thịt gà và các loại rau gia vị.
Món phở khô Gia Lai
Điểm đến tiếp theo của chúng mình là thành phố Buôn Mê Thuột, cách đó 177km. Đúng ra là cứ chạy dọc theo quốc lộ 14 là đến nhưng chúng mình thích lang thang khám phá, nên rẽ vào đường tỉnh 438 cho đỡ đông xe. Chặng này gần như toàn chạy trên đường đất đỏ, hai bên đường là các vườn cây cà phê và rừng cao su.
Cánh rừng cao su
Những con đường đất đỏ
Lúc đến hồ thủy lợi Ia Ring để chuẩn bị nhập vào quốc lộ 14 thì chúng mình thấy một cánh đồng quạt gió phía xa, thích quá thế là quyết tâm đến tận nơi chụp ảnh. Hỏi han và tìm đường một hồi, chúng mình phi vào một khu vực khá hẻo lánh của huyện Chư Prông, đường bé tẹo và vòng vèo, rồi cứ thế đi theo Google Maps đến chỗ nào cụt đường thì thôi. Chúng mình dừng lại ở một bãi đất nhỏ, ở vị trí khá gần các cột quạt gió. Định leo tiếp lên trên đường đê nhưng mày mò một lúc thấy không còn đường xe máy nên thôi.
Cánh đồng quạt gió
Chụp ảnh với quạt gió
Buôn Ma Thuột
Sau khi trở lại quốc lộ 14, đường vắng và đẹp nên chỉ đầu giờ chiều chúng mình đã đến Buôn Ma Thuột. Thời tiết đẹp khiến thành phố trở nên thơ mộng. Phố Lê Hồng Phong cạnh Bảo tàng Đắc Lắc với hai hàng cây như đang đan vào nhau, trông giống đường Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu ở Hà Nội.
Con đường nằm dưới những tán cây
Chúng mình ghé quán bún đỏ Thu ở góc phố Lê Hồng Phong, ngay lúc họ chuẩn bị mở hàng. Mình thấy món này khá nhẹ nhàng, phù hợp làm quà chiều. Sau đó chúng mình ghé quán cà phê ở 50 Nơ Trang Long, thưởng thức vị cà phê Ban Mê và ngắm phố phường. Anh chủ người Hà Nội, kể đây là quán của gia đình. Nhà có ba anh em, chia nhau mỗi người ở đây chừng 3-4 tháng trong năm để trông quán. Các bạn nhân viên ở đây dễ thương và nhanh nhẹn.
Bún đỏ Thu
Hương vị cà phê Ban Mê
Chúng mình có thiện cảm với không khí và nhịp sống ở thành phố này. Mình thấy Buôn Ma Thuột vừa có nét Tây Nguyên, vừa có nét Nam Bộ, vừa có cả cái “vibe” của Hà Nội. Con người nhẹ nhàng từ tốn, các khu phố sầm uất nhưng không xô bồ, thời tiết dịu dàng.
Chiều hôm đó chúng mình ra công viên Sơn La ở đối diện Bảo tàng Đắk Lắk ngồi hóng gió, thấy nhiều người già đi tập thể dục, cảm giác bình yên tự tại. Hai cô chú chủ homestay nơi chúng mình ở, trong nhà trữ toàn sách và tiểu thuyết kinh điển, sáng ra thấy cùng ngồi lặng yên bên tách cà phê, bảo đầu ngày cô chú cứ phải cùng nhau uống cà phê đã, sau đó ai mới đi làm việc của người nấy.
Đà Lạt
Chia tay Ban Mê, chúng mình thẳng tiến Đà Lạt, với chặng đường 206km. Hành trình này chủ yếu trên quốc lộ 27, đi qua hồ thủy điện Buôn Tua Srah, rồi ngoặt vào đường tỉnh 725.
Hồ thủy điện Buôn Tua Srah
Lúc qua thị trấn Nam Ban, chúng mình ghé quán cà phê Reng Reng trên đường Lê Trực. Là fan của Reng Reng cafe ngoài Hà Nội, chúng mình đặt quyết tâm phải ghé qua đây. Cô chú chủ nhà là bố mẹ của anh Biểu, chủ quán Reng Reng ngoài Hà Nội, rất thân thiện, hiếu khách. Cà phê ngon miễn bàn. Không gian sân vườn giản đơn, rộng rãi và thoáng mát. Quán không có biển hiệu, nằm cuối một con hẻm. Đầu hẻm là một quán khác tên Trúc Xinh.
Không gian sân vườn của Reng Reng
Ly cà phê đơn giản nhưng mê đắm
Chạm đất Đà Lạt, chúng mình mới hiểu tại sao người ta hay bảo đây là nơi chỉ cần ngồi một chỗ thôi cũng thấy đẹp rồi. Những con đường nhỏ hẹp, những con dốc dài, không khí mát mẻ và tiếng tách tách của máy ảnh gần như ở khắp nơi. Chúng mình dành toàn bộ thời gian ở đây cho những quán cà phê.
Một góc hồ Tuyền Lâm
Đầu tiên, chúng mình ghé quán cà phê Tùng, nơi đã quá nổi tiếng với các bạn mê Đà Lạt. Ngồi ở đây mình thích nhất là được nghe nhạc xưa, nhìn nắng chiếu lên tấm kính lớn bên ngoài, rồi ngắm người ra vào, ai cũng thong dong tự tại.
Sau đó, chúng mình ghé Là Việt. Đây là một thương hiệu cà phê Việt có tiếng. Quán rất rộng, có cả khu trưng bày sản phẩm. Hồi còn ở Hà Nội, chúng mình hay ghé Là Việt ở ngõ 45 Hàng Bún vì không gian ở đây thơm một cách kỳ lạ.
Xưởng cà phê của Là Việt tại Đà Lạt
Hôm sau chúng mình mò được một quán cực kỳ dễ thương trên đường Hoàng Hoa Thám, tên là Tiệm cà phê Uông Già. Anh chủ là người Đà Lạt gốc, mê những thức quà và vật phẩm Đà Lạt xưa. Quán nằm bên dưới mặt đường, chạy xe máy xuống phải cẩn thận vì tương đối dốc và hẹp. Bù lại, không gian sân vườn ở đây xuất sắc. Quán như núp dưới những tán cây và có view nhìn ra đồi núi cực thoáng. Chỗ này mà tổ chức tiệc cưới mini thì hết xảy.
Khuôn viên quán nằm lọt thỏm bên dưới
Màu xanh cây lá ở khắp nơi
Cách bài trí bắt mắt
Một quán cà phê “ẩn dật” nữa mà chúng mình đã ghé qua, đó là quán Gạt tàn đời, nằm trên đường Đặng Thái Thân. Biển hiệu của quán bé xíu, bạn phải để ý kỹ mới thấy. Quán nằm dưới những bậc cầu thang dốc, được “ngụy trang” bởi một dàn hoa giấy vô cùng thích mắt. Chủ quán là bạn của chúng mình, một cô gái trẻ mê nhạc Trịnh, mê Đà Lạt và thích những không gian êm đềm.
Quán có không khí hoài cổ, kết hợp những gam màu nhẹ được phối rất có gu, có view nhìn ra một khoảng trời và rừng cây xanh ngát, văng vẳng tiếng nhạc Trịnh hoặc nhạc Lê Cát Trọng Lý phát ra từ quầy pha đồ. Ở đây còn có một cặp mèo nhà nghịch ngợm và một chú chó rất dạn dĩ, có thể nô đùa với bạn cả ngày.
Quán nằm bên dưới những bậc cầu thang
Cách phối màu nhẹ nhàng
Một không gian tách biệt với bên ngoài
Đôi mèo nhà dễ thương
Tạm kết
Vậy là chúng mình đã đi qua gần 500km trên những cung đường Tây Nguyên đầy nắng và gió, những cung đường không bằng phẳng, mà lên xuống uốn lượn, cảm giác như sắp phải vượt một con dốc nào đó quá trời cao, nhưng hóa ra không phải, vẫn là đường thẳng đó thôi. Màu đỏ của đất như nhuộm vào mọi thứ, những chiếc bánh xe, những căn nhà ven đường, cây cối, giống như một thứ đặc sản vô hình.
Còn chờ gì nữa mà bạn chưa lên đường đến với Tây Nguyên?