Sau khi thăm quan hầu hết các thành phố nằm bên Biển Hồ Tonle Sap, mình dự định trở lại Phnom Penh nghỉ lại một đêm để kết thúc cuộc hành trình trên đất Campuchia. Thế nhưng bằng sự hiếu khách và nồng hậu vô bờ bến, đất nước xứ sở chùa tháp đã khiến “một đêm duy nhất” của mình đã kéo dài thành 3 ngày đắm mình trong không khí Sea Games ở thủ đô Nam Vang.
Wat Samrong Knong, ngôi chùa cổ nhất Battambang và câu chuyện bi thương của lịch sử
7h30, mình di chuyển về ngôi chùa Wat Samrong Knong cách Battambang 4.4km. Dù chỉ di chuyển khoảng 15 phút xe máy, nhưng cảnh vật xung quanh thay đổi hoàn toàn, không có dấu hiệu gì của việc một thành phố lớn nằm kế bên. Đi dọc theo con kênh, cứ ngỡ như mình đang lái xe qua miền quê sông nước Sóc Trăng hay Trà Vinh, nơi nhiều đồng bào Khmer sinh sống. Mình đi thăm nơi đây không chỉ vì đây là ngôi chùa cổ nhất Battambang, mà còn muốn trải nghiệm những con "đường làng" của nước bạn. Đường không phải là quốc lộ hay tỉnh lộ, nên chất lượng có vẻ không được đầu tư cho lắm, nhưng mật độ cây xăng thì y hệt các đại lộ.
Bước vào ngôi chùa, không khí nơi đây thanh tịnh đến mức mình đã phải dặn bản thân tắt máy thật nhanh, để tiếng động cơ không làm ảnh hưởng đến buổi tụng kinh của bà con địa phương. Đây là một ngôi chùa linh thiêng có tiếng, nên rất nhiều doanh nhân thành đạt đến đây để cúng dường. Đi dạo một vào quanh khuôn viên, ta có thấy hàng loạn cây cao được trồng để ghi ơn các doanh nhân về đây quyên góp. Họ xởi lởi cúng Phật từ 10 nghìn đến 100 nghìn đô, nhằm cầu may trong công việc làm ăn của mình. Không chỉ đến đây cúng Phật, họ còn đến để càu siêu cho những nạn nhân xấu số đã bỏ mạng trong chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Thanh tịnh là vậy, nhưng Pol Pot và cộng sự trong thời gian nắm quyền đã chiếm đóng ngôi chùa để làm nơi tra tấn các nữ tù nhân. Ngôi chùa vẫn giữ lại căn phòng mà các nạn nhân phải sống trong điều kiện thiếu thốn, sau đó lần lượt bị dẫn đến một bãi hành hình tập thể gần đó mà kết liễu cuộc đời dưới những lưỡi rìu man rợ. Ở đó cũng có một bảo tàng nho nhỏ, được phụ đề bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa để cho khách thăm quan hiểu thêm về một thời kỳ đen tối của đất nước.
Wat Samrong Knong, để đổi lấy sự thanh tịnh của hiện tại là chính xương máu của người Khmer
Ghé qua Biển Hồ Tonle Sap
Rời Wat Samrong Knong, mình lại xuôi theo Quốc lộ 5 để về Phnom Penh. Đường dài khoảng 300km, nhưng có đến 2/3 là đường 6 làn hệt như cao tốc. Tuy nhiên do đi đúng đợt họ đang bảo trì nên nhiều đoạn cả 2 làn xe cùng đi một bên giải phân cách mà không có biển báo gì, khiến mình không ít lần giật mình vì đang đi đúng làn mà có xe ngược chiều lao đến. Cũng may nhờ có kinh nghiệm nhiều năm đi phượt, mình đều xử lý được mà không để xảy ra va chạm lần nào.
Đi được một nửa quãng đường ta sẽ đến được Krakor, thành phố nằm gần Biển Hồ Tonle Sap nhất. Ban đầu mình định ghé thăm Biển Hồ ở Siem Reap, tuy nhiên khoảng cách khá xa (15km) cùng với việc tốn nhiều thời gian cho Angkor Wat nên đã lỡ mất cơ hội ngắm hoàng hôn nơi mênh mông sóng nước. Từ Quốc lộ 5 vào đến Tonle Sap chỉ độ 3 km thôi, và đến km cuối cùng chúng ta có thể cảm nhận được một mùi cá tôm đặc trưng của các làng chài ven biển. So với Biển Hồ Pleiku, Biển Hồ Tonle Sap mới thực sự xứng danh với tên gọi của nó. Đứng ở phía bên này hồ, ta không thể nhìn thấy được bờ bên kia vì nó quá rộng lớn, xung quanh chỉ toàn là nước và những con thuyền đơn độc. Tuy nhiên do mình đến vào tháng 5, mới đầu mùa mưa nên nước sông Mekong chưa chảy ngược lên, khiến cho diện tích mặt hồ bị thu hẹp đáng kể. Đang giữa trưa nên người dân xóm chài tranh thủ nghỉ ngơi, mình có ghé vào hỏi thăm thì được biết ở đây cũng như xung quanh hồ cũng có không ít người Việt, nhưng họ phải sống trong cảnh không giấy tờ. Bố mẹ không thể đứng tên lập nghiệp, con cái không thể đến trường, cuộc sống của họ cứ lênh đênh trên những con thuyền tạm bợ, với những con cá con tôm là chút thực phẩm sống qua ngày để chờ được hồi hương trong vô vọng. Điều này làm mình nhớ đến những người dân sống lay lắt trên bãi bồi sông Hồng, trong một hoàn cảnh thiếu thốn tương tự.
Xóm chài quanh Biển Hồ Tonle Sap. Do đang là cuối mùa khô nên những ngôi nhà này chưa phải lênh đênh trên những con nước
Phnom Penh và những ngày tháng Sea Games náo nhiệt
Xuôi theo hạ lưu sông Tonle Sap, giao thông đông đúc trở lại. Trên đường không chỉ có những ngôi chùa Khmer, mà còn xuất hiện tăng dần những ngôi đền Hồi giáo của người Chăm, báo hiệu thủ đô Phnom Penh đang cận kề. Cách trung tâm 20km, khu phức hợp thể thao Morodok Techo dần dần hiện ra với kiến trúc độc đáo. Trong đó nổi bật nhất là sân vận động cùng tên trị giá 70 triệu USD, được Trung Quốc tài trợ không hoàn lại như một phần của sáng kiến Vành đai – Con đường của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Sân được mô phỏng theo kiến trúc Bayon, với hai bên trụ dây cáp cao 75m được vuốt nhọn mô phỏng lại hai tòa tháp Angkor Wat. Xung quanh sân còn được đào một hào nước, khiến nơi đây giống như một thành lũy Khmer hiện đại của thế kỷ XXI.
Sân Morodok Techo nhìn từ bên ngoài…
Do chưa có nhiều cơ sở vật chất phục vụ Sea Games, nước chủ nhà Campuchia quyết định sẽ xây mới và tổ chức các môn thi đấu quanh 3 tổ hợp chính: Morodok Techo cho các môn Olympic, Trung tâm hội nghị Quốc tế Chroy Changvar cho các môn võ và khu Sân vận động Quốc gia (hay còn gọi là khu Olympic) cho bóng đá và các môn còn lại.
Ban đầu mình chỉ định đến đây để chụp vài tấm hình kỷ niệm, nhưng tình cờ lại bắt chuyện được một bạn tình nguyện viên vô cùng nhiệt tình. Bạn ấy tận tâm chỉ dẫn mình chỗ gửi xe, giới thiệu qua các địa điểm và ngày giờ thi đấu của từng môn, cũng như không quên tặng mình một cuốn cẩm nang Sea Games để mình tiện theo dõi. Tất cả đều miễn phí 100%, chỉ cần bạn đến sớm và kiếm cho mình một chỗ ngồi đẹp. Ở đây chúng ta có điền kinh, bơi lội, tennis, cầu lông, bóng bàn, bóng rổ, hockey… muôn vàn sự lựa chọn ở bất kỳ thời điểm nào.
… và bên trong.
Mình đến khu Morodok Techo đúng vào ngày chủ nhật, do đó có khá nhiều phụ huynh đưa con đến xem Sea Games dù từ trung tâm Phnom Penh đến đây mất hơn 1 tiếng chạy xe. Trái với những hình ảnh đìu hiu của qua màn ảnh nhỏ, các khán đài ở từng môn thi đấu đều được lấp đầy, với sự cổ vũ cuồng nhiệt của các em nhỏ khi lần đầu được tận mắt xem các vận động viên hàng đầu khu vực tranh tài. Những tiếng vỗ tay không ngớt sau một đường bóng đẹp, những bước dậm chân không ngừng nghỉ khi vận động viên chủ nhà ghi điểm số. Tất cả khiến cho các tình nguyện viên cũng như những nhân viên an ninh có một cuối tuần vất vả, nhưng mình tin tất cả họ đều sẽ vui, vì công sức mà mình bỏ ra đã được khán giả hưởng ứng nhiệt liệt.
Đắm mình trong tiếng hò reo của các cổ động viên Campuchia, khi vận động viên cử tạ nước chủ nhà tuy không đạt huy chương nhưng phá vỡ được kỷ lục của cá nhân.
Công tác bảo đảm an ninh được nước chủ nhà thắt chặt triệt để. Với khẩu hiệu vì một Sea Games không khói thuốc, khán giả đều được yêu cầu để lại thuốc lá và bật lửa sau khi đi qua máy soi chiếu. Chai lọ và các vật dụng kim loại cũng không được mang vào khu thi đấu. Tất cả nhằm bảo vệ sự an toàn cho các vận động viên lẫn khán giả trên sân.
Cổ vũ cho các cô gái vàng của đội tuyển Bóng rổ nữ Việt Nam.
Bên ngoài các khu tổ hợp đều có hàng quán ăn uống cũng như gian hàng bày bán đồ lưu niệm Sea Games chính hãng. Giá cả cũng phải chăng, chỉ từ 10 USD bạn có thể sở hữu ngay cho mình một chiếc áo chính hãng. Mình muốn mua tặng một cặp thỏ bông linh vật Sea Games cho bạn gái, nhưng các bạn bán hàng bảo là những chú thỏ cỡ nhỏ giá 6 USD đều đã cháy hàng ngay từ khi kỳ đại hội còn chưa khởi tranh, mà cỡ đại giá 20 USD lại có kích thước lớn quá, không thể nhét vừa balo để mang về Việt Nam được. Tiếc thật đấy nhưng vì đi xe máy nên đành bỏ lại, chẳng thể mang theo quá nhiều đồ đạc như đi xe khách hay máy bay.
Toàn cảnh sân Olympic. Ghế ngồi đã được lắp, mặt cỏ nhân tạo cũng đã được thay thế cho kỳ Sea Games lần này.
Sau ngày đầu tiên theo dõi trực tiếp Sea Games tại sân Morodok, mình quyết định ở lại Phnom Penh thêm 2 ngày nữa để mỗi hôm đến một tổ hợp. Một phần vì chút khả năng ngoại giao giúp mình xin được những tấm vé vào xem chung kết môn bóng đá nam và nữ, phần còn lại vì sự náo nhiệt mà các cổ động viên địa phương mang lại. Người Việt mình được miễn visa trong 30 ngày, sim thì có tận 40GB dung lượng trong 15 ngày nên ở lại thêm một vài hôm cũng là điều xứng đáng. Nếu hết tiền USD hoặc riel thì bạn có thể đổi tiền ở khắp nơi trên thủ đô Phnom Penh, do có cộng đồng người Việt đông nên họ chấp nhận cả tiền Đồng. Ngoài ra còn có cả chi nhánh của MB hay Sacombank, do vậy chuyện tiền mặt không quá đáng lo ngại
Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến không khí mà các khán giả Việt Nam mang lại cho Sea Games. Họ có thể là những người dân lao động ở Campuchia, cũng có thể là những anh chị miền tây chạy xe qua biên giới cổ vũ cho đội nhà, cũng có thể là những khách hàng của các công ty du lịch. Ngồi trên sân Olympic, khán giả nước ta hòa mình thành một màu đỏ chủ đạo, đôi khi lấn át cả các cổ động viên Campuchia. Sẽ thật tuyệt biết mấy nếu đội U22 của chúng ta được vào chơi trận chung kết, khi đó 6 vạn chỗ ngồi chắc chắn sẽ được lấp đầy.
Đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng trong lễ chào cờ hay sau mỗi bàn thắng, cảm giác đó dùng lời cũng khó để miêu tả được hết các bạn ạ.
Nhưng chữ “nếu” sẽ dẫn chúng ta đi con đường hoàn toàn khác. Theo dõi xong trận tranh hạng 3 của đội nhà, mình nán lại sân Olympic để xem trận chung kết giữa Indonesia và Thái Lan. Do tấm vé chỉ quy định khán đài chứ không bắt buộc chỗ ngồi, mỗi hiệp mình lại ngồi bên hội cổ động viên mỗi đội. Người Indo cuồng nhiệt, khao khát cho một tấm huy chương vàng sau 22 năm. Người Thái lại gây ấn tượng bằng cách cổ vũ nhẹ nhàng nhưng quy củ, với những tay trống chắc nhịp như được đào tạo từ Nhạc viện. Trận đấu có quyết liệt, thẻ đỏ lẫn va chạm trên sân, nhưng trên khán đài tuyệt nhiên không có “chiến tranh” mặc dù có những cổ động viên ngồi lẫn lộn. Thật tiếc cho cổ động viên nào thấy Indonesia dẫn 2-0 mà bỏ về sớm, vì họ đã bỏ lỡ phần hấp dẫn nhất của trận chung kết hay nhất trong lịch sử Sea Games.
Kết thúc trận đấu cũng là kết thúc những môn tranh tài của kỳ Sea Games, thủ đô Phnom Penh vẫn gây ấn tượng với mình cho công tác phân luồng phương tiện sau trận đấu. Tuy số lượng cảnh sát giao thông tham gia không quá lớn, nhưng các khu vực xung quanh sân đều không có hiện tượng ùn ứ. Các cổ động viên Indonesia tuy vừa đi vừa hò hét ăn mừng nhưng không hề lạng lách đánh võng khi đội nhà vô địch. Người Thái thấy vậy cũng thân thiện bắt tay, chụp lại những tấm hình lưu giữ kỷ niệm. Dù thắng hay thua, tất cả đều trở về nhà an toàn. Và mình cũng yên tâm khép lại chuyến đi của mình trong niềm hân hoan.
Người hâm mộ Indonesia chung vui với các cầu thủ khi đoạt được tấm Huy chương vàng môn bóng đá nam sau hơn 20 năm chờ đợi.
Ở kỳ Đại hội lần này mình cũng có cơ hội được trò chuyện với các huấn luyện viên, vận động viên, cổ động viên đến từ cả 11 quốc gia Đông Nam Á. Mỗi người trong số họ đều mang một màu sắc riêng, giúp mình hiểu thêm được văn hóa của mỗi dân tộc. Bên cạnh những tấm ảnh chụp chung, mình cũng thu thập được không ít những món đồ lưu niệm mang dấu ấn của từng đất nước. Thể thao không chỉ là những cuộc tranh tài, mà còn là cơ hội để chúng ta giao lưu kết bạn, tăng lượng kiến thức hiểu biết cũng như khai phá những gì bên ngoài vùng an toàn của bản thân.
Với những “ông anh” vui tính bên đoàn thể thao Indonesia. Đi hết chuyến này quà mang về từ Campuchia còn ít hơn quà của mấy ông anh Indo này tặng mình.
Tuy nhiên, cuộc vui nào rồi cũng phải đến hồi kết. 12 ngày tranh tài sôi nổi cũng đã đi qua, và mình cũng phải trở lại với guồng quay của công việc. Chia tay xứ sở chùa tháp xinh đẹp, mình lại men theo quốc lộ 1 để về với Sài Gòn. Gặp lại những mối quan hệ cũ, nhưng trong mình đã là con người mới, cởi mở hơn, tự tin hơn, trưởng thành hơn. Phải đi thật xa, để biết mình còn có thể đi xa hơn nữa. Biết đâu 2 năm nữa, mình lại có mặt ở Bangkok, Chonburi hay thậm chí là ở thành phố miền nam Songkla, để cổ vũ cho đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ Sea Games 33 tại Thái Lan? Thôi thì chuyện tương lai, để mai tính. Viết đến những dòng này mà trong tâm trí mình cứ mãi hồi tưởng về từng kỷ niệm trong 8 ngày rong ruổi trên miền đất Cao Miên.
Tạm biệt Campuchia, hẹn ngày gặp lại!