Những công trình xây dựng từ thời Pháp là những điểm đến không thể bỏ qua cho bất kỳ ai đến với Hà Nội. Người Pháp khi đến Đông Dương đã quy hoạch Hà Nội thành một trung tâm hành chính, văn hóa, kinh tế lớn. Bởi vậy, rất nhiều công trình lớn được đầu tư xây dựng một cách bài bản, quy mô. Những trường đại học, nhà hát, trụ sở hành chính, bệnh viện đến những căn biệt thự… vẫn còn nguyên giá trị và vẻ đẹp cho đến ngày nay. Chúng vẫn mang một vẻ đẹp mĩ miều, đem lại cho Hà Nội một dáng vẻ rất riêng.
Hãy khám phá “một góc nước Pháp ở phương Đông” trong chuyến hành trình ở riêng Hà Nội.
Hành trình bắt đầu từ Đại học Dược trên phố Lê Thánh Tông. Đại học Dược ngày nay xưa là Đại học Đông Dương, do kiến trúc sư người Pháp, Ernest Hebrard, thiết kế. Công trình được xây dựng trong 4 năm (1923-1926) mang phong cách kiến trúc Đông Dương, có sự giao thoa Á – Âu.
Bạn có thể nhận ra hệ mái ngói nhiều lớp theo hình bát giác mang phong cách phương Đông. Giữ các lớp mái là những ô cửa trang trí hoa văn cùng hàng con sơn đỡ mái mang phong cách phương tây. Bên trong là những dãy hành làng, vòm trần, đại sảnh, cầu thang đậm kiểu Pháp.
Công trình không được cải tạo nhiều, vẫn còn khá nguyên vẹn dù trải qua gần 100 năm. Đến đây, bạn sẽ cảm nhận được sự thanh bình của một ngôi trường cổ, vẻ tinh tế của sự giao thoa kiến trúc Đông – Tây rất đặc trưng.
Ngay cần đó là Nhà Hát Lớn, một biểu tượng cho kiến trúc Pháp tại Hà Nội. Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911. Nhà hát được thiết kế theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris, nhưng nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.
Tác phẩm của hai kiến trúc sư Harlay và Broyer mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các nhà hát ở miền Nam nước Pháp, có cách tổ chức mặt bằng, không gian biểu diễn, cầu thang, lối vào sảnh… giống với các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20. Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ Tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong.
Công trình đã chứng kiến bao biến cố lịch sử cùng Quảng trường Cách mạng tháng 8. Đây cũng là nơi tổ chức kỳ họp quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, là nơi tổ chức nhiều buổi biển diễn nghệ thuật văn hóa quan trọng của cả nước.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia nằm trên phố Tôn Đản là một công trình lớn của kiến trúc Pháp ở Hà Nội. Bảo tàng được xây dựng kế thừa Bảo tàng Louis Finot, do các kiến trúc sư C.Batteur và E.Hébrard thiết kế. Trước kia đây là Viện bảo tàng của trường Viễn Đông Bác Cổ.
Công trình được khởi công năm 1926 và hoàn thành năm 1932, trên khu đất phía sau Nhà hát lớn, chạy dọc theo bờ đê sông Hồng, và là điểm kết thúc của tuyến phố Quaï Guillemoto (phố Trần Quang Khải ngày nay), một vị trí có thể tạo ra điểm nhấn kiến trúc cho tuyến đường bờ đê. Đây được coi là một đại diện lớn của phong cách kiến trúc Đông Dương, một phong cách nỗ lực kết hợp các giá trị của kiến trúc Pháp với các giá trị kiến trúc bản địa phương Đông.
Ngược đường Trần Quang Khải, bạn sẽ tới cầu Long Biên, cây cầu lớn nhất châu Á một thời và là một biểu tượng của Hà Nội do Pháp xây dựng (1898-1902). Ban đầu cầu được đặt tên là Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.
Cầu dài 2.290 m qua sông và 896 m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ.
Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ 1 (1965-1968), cầu bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ hai của không lực Mỹ (1972), cầu Long Biên bị ném bom 4 lần, phá hỏng 1.500 m cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt.
Trải qua hơn một trăm năm tồn tại, cầu Long Biên đã ngày càng xuống cấp và là chứng nhân một thế kỷ lịch sử Hà Nội. Cầu là địa điểm đẹp ngắm nhìn sông Hồng, bãi giữa và là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến thăm thủ đô.
Từ cầu Long Biên, bạn có thể qua thăm tháp nước Hàng Đậu, công trình cấp nước sinh hoạt có từ thời Pháp thuộc xây dựng trên ngã 6 phố Hàng Đậu – Hàng Than – Quán Thánh – Hàng Lược – Hàng Giấy – Phan Đình Phùng. Tháp nước này do người Pháp xây dựng bằng đá phá thành Hà Nội vào năm 1894. Nhiều người lầm tưởng đó là lô cốt nên cái tên ‘Bốt Hàng Đậu’ trở nên quen thuộc từ đó tới nay.
Gần đó là đường Phan Đình Phùng, một trong những con đường đẹp nhất thủ đô. Đường xây dựng từ thời Pháp, hai bên rợp mát bóng cây cổ thụ và những dãy biệt thự cổ. Những căn biệt thự kiến trúc đa dạng nhưng mang nét yêu kiều và hài hòa với không gian xung quanh. Ngắn nhìn con đường, bạn sẽ thấy một thủ đô yên bình, cổ kính và thân thương.
Qua đường Phan Đình Phùng là đến Phủ Chủ Tịch và trường THPT Chu Văn An. Đây là hai trong số những công trình đẹp nhất mà người Pháp xây dựng tại Đông Dương.
Phủ toàn quyền Đông Dương do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder thiết kế và được xây dựng trong những năm 1901-1906 với quy mô hoành tráng, uy nghiêm, quyền lực và tốn kém. Đây là một trong những dinh thự lớn nhất được Pháp xây ở Đông Dương. Toà nhà có phong cách hoàn toàn châu Âu. Năm 1945, toà nhà được đổi tên thành Phủ Chủ Tịch cho tới ngày nay.
Trường THPT Chu Văn An được người Pháp thành lập với tên chính thức Lycee du Protectorat, nhằm đào tạo nhân viên cho bộ máy cai trị của họ tại Bắc Kỳ. Tuy nhiên trường lại thường được biết tới với tên trường Bưởi, vốn được các học sinh dùng để thể hiện lòng yêu nước của mình. Năm 1945, trường được đổi tên thành Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, và giữ cái tên này từ đó cho tới nay.
Bên trong trường vẫn còn giữ kiến trúc Pháp ở các dãy phòng học. Trường có Nhà Bát Giác rất nổi tiếng, được sửa làm thư viện trường. Tòa nhà cổ kính này ban đầu có tên La villa Schneider, lấy theo tên người chủ căn biệt thự, một ông chủ xưởng giấy người Pháp tên là Henri Schneider. Sau đó tòa nhà được dùng làm nơi ở của hiệu trưởng người Pháp của trường Trung học Bảo hộ. Tại đây bạn có thể ngắm nhìn hồ Tây cùng những hàng cây cổ thụ được trồng hàng trăm năm.
Một địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình khám phá “nước Pháp trong lòng Hà Nội” là Nhà Thờ Lớn Hà Nội, hay còn gọi là Nhà thờ Chính tòa Thánh Giuse tọa lạc ở số 40 Nhà Chung. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1886. Đây là một nhà thờ có kiến trúc phục hương Gothic, dùng làm nơi tụ họp, gặp gỡ của cộng đồng công giáo La Mã ở Hà Nội.
Nhà thờ có vẻ ngoài độc đáo, xây dựng bằng những phiến đá và gạch. Mặt tiền nhà thờ gồm 2 tòa tháp, cao đến 31,5 m. Mỗi tháp được lắp 5 cái chuông. Cửa sổ được lắp kính sản xuất ở Pháp sau đó chuyển tới Việt Nam.
Nhà thờ từng đón Tổng thống Mỹ Bush đi lễ chủ nhật trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006. Đây còn là điểm đến quen thuộc của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, là biểu tượng của Công giáo tại Hà Nội.
Cuối cùng, bạn nên kết thúc hành trình tại vườn hoa Vườn hoa Diên Hồng, người dân hay gọi là vườn hoa Con Cóc. Thời Pháp thuộc, vườn hoa có tên là quảng trường Chavassieux (Square Chavassieux). Năm 1901, Pháp cho xây dựng ở giữa vườn hoa một bể nước, có một trụ đá to hình vuông, cao khoảng 3,5 m ở giữa, xung quanh có những con cóc bằng đồng phun nước lên trụ đá. Vì vậy vườn hoa còn được người Hà Nội gọi là vườn hoa Con Cóc.
Xung quanh vườn hoa là một tập hợp rất nhiều các công trình kiến trúc Pháp cổ đẹp như nhà khách Chính phủ (trước là Bắc Bộ phủ), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (xưa là Ngân hàng Đông Dương) và khách sạn Métropole.
Ngồi ở vườn hoa, bạn có thể ngắm nhìn cả một góc phố mang phong cách Pháp, ngắm vẻ thanh bình của thành phố, nơi thường được các đôi uyên ương chọn chụp ảnh cưới và thấy được dòng thời gian như lắng đọng qua từng đường nét kiến trúc.
Nếu còn thời gian, bạn hãy ghé thêm các công trình như trụ sở Bộ Ngoại giao, đường Trần Phú, bệnh viện Xanh Pôn, thư viện quốc gia, chợ Đồng Xuân… Đây đều là những công trình đẹp, tiêu biểu cho phong cách Pháp ở Việt Nam.
Có người nói rằng Hà Nội thật may mắn vì mang trong mình những nét yêu kiều, quyến rũ của kiến trúc Pháp. Những công trình đó như một phần không thể thiếu của Hà Nội ngày nay.
Theo Zing News