Những điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội (P2)

54

1. Làng cổ Đường Lâm

Làng cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 50 km, thuộc địa phần thị xã Sơn Tây, cạnh quốc lộ 32. Đây là địa danh hiếm hoi còn giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt của một làng Việt cổ từ hơn 300 trăm năm nay. Đường Lâm có những di tích lịch sử văn hóa rất giá trị, với Đình Phùng Hưng và Đền Ngô Quyền, đền thờ thám hoa Giang Văn Minh… Đặc biệt, tại nhiều ngôi nhà cổ còn phục vụ cả bữa cơm làng quê truyền thống, du khách có thể đặt cơm và nghỉ trưa tại đó.

Đường đi: Đi xe máy hoặc ô tô theo đường Láng Hòa Lạc đến ngã tư với đường 21 Xuân Mai – Sơn Tây ( rẽ phải), đi tiếp 12km theo đường này đến chỗ đèn xanh đèn đỏ tại ngã Tư ở thị xã Sơn Tây. Qua bên kia ngã tư đi tiếp 5km có một ngã ba ở cột cờ thì theo lối đi thẳng. Sau đó sẽ thấy biển ghi làng cổ Đường Lâm, cách chỗ rẽ nói trên 2-3km. Du khách có thể đi xe bus từ Trung tâm thành phố Hà Nội lên đến Sơn Tây rồi tiếp tục đi xe taxi vào đến cổng làng. Vé vào cổng: 20.000 – 25.000 VND/người.

2. Làng lụa Vạn Phúc

Làng lụa Hà Đông hay Làng lụa Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, thuộc quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km) là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu hoa văn đẹp và lâu đời bậc nhất Việt Nam, xưa từng được chọn may trang phục cho triều đình. Nếu mua được lụa Vạn Phúc chính gốc thì chất lượng rất tốt song trong nhiều cửa hàng ở Vạn Phúc, lụa Trung Quốc chất lượng kém hơn được trà trộn vào bán với danh nghĩa lụa Vạn Phúc, khách hàng cần lựa chọn kỹ. Lụa Vạn Phúc thường không có mẫu mã quá sặc sỡ, khi đốt có mùi khét như tóc cháy và than rơi thành vụn luôn.

Đường đi: Từ đường Khuất Duy Tiến  mới hay mọi người gọi quen là đường Vành Đai 3, chiều từ Nguyễn Trãi ra, bạn  rẽ trái theo biển chỉ dẫn sẽ vào đường Lê Văn Lương kéo dài. Đi khoảng 10 phút tới ngã tư giao với đường 70 và khu đô thị mới Vạn Phúc, rẽ trái tiếp khoảng 1 km là sẽ tới làng.

3. Làng gốm Bát Tràng

Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, làng gốm Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10km về phía đông – nam. Làng gốm Bát Tràng đã tồn tại khoảng hơn 500 năm nay. Gồm Bát Tràng từ lâu nổi tiếng với nước men bóng đẹp, từng được thương lái châu Âu thu mua với số lượng lớn. Ngày nay, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, nghệ nhân Bát Tràng đã tạo ra nhiều sản phẩm trang trí, gia dụng bắt mắt phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Trong chuyến tham quan Bát Tràng, du khách có thể thử tài chơi gốm để tạo nên sản phẩm cho chính mình. Giá dịch vụ là 15.000-30.000 VND một lần tô vẽ, nặn tượng không lấy sản phẩm về. Nếu lấy sản phẩm, mức giá trung bình từ 40.000-60.000 VND tùy sản phẩm lấy ngay hoặc nung đốt. Các xưởng có dịch vụ chuyển sản phẩm về tận nhà cho khách nếu họ không muốn đợi lâu trong lúc chờ nung.

Đường đi: Từ phía trung tâm Hà Nội có thể đi theo cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì. Qua sông Hồng, bạn rẽ phải chừng 10 – 15 km là đến cổng làng Bát Tràng. Bạn cũng có thể đi xe bus số 47 từ bến Long Biên 1, cuối đường Yên Phụ đến thẳng Bát Tràng.

4. Thành Cổ Loa và đền thờ An Dương Vương

Thành Cổ Loa thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội. Ðây là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc. Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành) tương truyền có tới 9 vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Ngày nay ở Cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất, nơi các nhà khảo cổ tìm được hàng vạn mũi tên đồng, lưỡi cày, rìu sắt, xương thú vật. Hội đền Cổ Loa cử hành hằng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng và kéo dài trong khoảng 10 ngày.

Đường đi: Từ trung tâm thành phố, đi 18km đến xã Cổ Loa thuộc huyện Ðông Anh, nằm trên quốc lộ Hà Nội đi Phúc Yên.

5. Chùa Thầy

Chùa Thầy là một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa Thầy còn có hang Cắc Cớ, nơi lưu giữ những câu chuyện linh thiêng từ ngàn xưa. Được đánh giá là một thắng cảnh linh thiêng, nhưng tình trạng lừa đảo và chặt chém du khách ở đây khiến nhiều người thất vọng. Để tránh bị lừa, tốt nhất bạn không tin theo bất kỳ một hướng dẫn viên hay người bán hàng nào, dù họ tỏ ra nhiệt tình đến đâu. Nếu muốn lễ chùa hãy mang theo đồ lễ sẵn hoặc chỉ mua tại quầy bán hàng của sư sãi trong chùa mà thôi.

Đường đi: Chùa Thầy cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây nam, đi theo đường cao tốc Láng – Hòa Lạc.

6. Chùa Hương

Chùa Hương (quần thể nhiều ngôi chùa thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 70 km). Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Nơi đây phong cảnh hữu tình, có “Nam Thiên đệ nhất động” (động đẹp nhất trời Nam). Lễ hội chùa Hương diễn ra vào mùng 6 tết Nguyên đán hàng năm.

Đường đi: Từ Hà Nội đi qua quận Hà Ðông, tới Vân Ðình, đến Bến Ðục thì dừng xe để chuyển sang đi thuyền, xuôi dòng suối Yến chừng 3km là vào đến khu danh thắng Hương Sơn. Giá vé tham quan: 50.000đ/người/lượt (đối với người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên và trẻ em dưới 15 tuổi, mức phí trên giảm 50%); với vé xuồng, đò (thường): tuyến Hương Tích là 35.000đ/người/lượt (vào + ra), tuyến Long Vân – Tuyết Sơn là 25.000đ/người/lượt. Với loại vé chất lượng cao, tuyến Hương Tích là 40.000 đ/người/lượt (vào + ra); tuyến Long Vân – Tuyết Sơn là 30.000đ/người/lượt.

7. Đền Gióng Sóc Sơn – hồ Đồng Quan

Ngôi đền nằm dưới chân núi Vệ Linh, thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; cách trung tâm Hà Nội chừng 40km. Đây là ngôi đền thờ Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Quần thể di tích có hồ Đồng Quan với phong cảnh hùng vĩ, không khí trong lành, mát mẻ.

Đường đi: Qua cầu Long Biên, rẽ trái theo hướng sang cầu Đuống. Qua cầu Đuống rẽ trái tiếp rồi đi thẳng, vào địa phận Sóc Sơn đi qua 3 cái ngã tư là rẽ trái rồi đi đến cuối đường là đền Gióng.