Những cung đường quen thuộc của giới nghiện trekking miền Nam

43

trekking miền Nam

Đừng đi trekking, nếu không muốn bị nghiện đấy!

Núi Bà Đen

Núi Bà Đen là ngọn núi đầu tiên mình bắt đầu khi bước chân vào con đường trekking bởi lẽ vị trí thuận lợi, dễ leo cho người mới bắt đầu. Núi Bà Đen cao 986m, thuộc địa phận của tỉnh Tây Ninh và cách Sài Gòn tầm 85km.

Có rất nhiều cách để chinh phục núi Bà Đen như leo theo hướng đường chùa, đường cột điện, đường Ma Thiên Lãnh, đường núi Phụng và đường dốc Đá Trắng. Tùy vào sức khỏe và thể lực của bạn mà có thể chọn hướng leo vừa sức.

Đường cáp treo ở núi Bà Đen - Trekking miền Nam

Đường cáp treo ở núi Bà Đen – Trekking miền Nam

Còn đây là cung Ma Thiên Lãnh

Còn đây là cung Ma Thiên Lãnh

Núi Chứa Chan

Núi Chứa Chan chính là tọa độ phổ biến thứ hai của giới trekking miền Nam vì nơi đây chỉ cách Sài Gòn tầm 100km. Thuộc địa phận xã Gia Ray, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, núi Chứa Chan là ngọn núi cao thứ hai Đông Nam Bộ với độ cao 837m, chỉ sau núi Bà Đen.

Có hai con đường chính để lên đỉnh núi đó chính là đường cột điện và đường chùa. Hôm đấy mình đã chọn đi theo đường cột điện số 20. Thời gian leo tùy vào sức khỏe của bạn.

Toàn cảnh Xuân Lộc khi màn đêm buông xuống

Toàn cảnh Xuân Lộc khi màn đêm buông xuống

Có một quả đồi rộng, phía dưới là một Xuân Lộc hiện lên lấp lánh bởi vô số ánh đèn như những vì sao sáng trên trời. Một thủ tục không thể thiếu mỗi khi đi leo núi là quây quần bên đống lửa, nướng đồ ăn và cùng nhau tám chuyện.

Bếp lửa hồng sưởi ấm cho chúng mình

Bếp lửa hồng sưởi ấm cho chúng mình

Núi Chúa

Nếu chọn ra một cung trekking miền Nam có thể vừa đi rừng vừa tắm biển thì mình sẽ chọn cung Núi Chúa. Toạ độ này nằm cách thành phố Hồ Chí Minh tầm 344km, Núi Chúa có độ cao khoảng hơn 1.000m so với mực nước biển, với 6 ngọn như chúa chồng, chúa vợ, chúa anh, chúa em, chúa cháu, chúa chắt. Đỉnh cao nhất ở đây là khoảng 1039m.

Bụi Phan Rang - Trekking miền Nam

Bụi Phan Rang – Trekking miền Nam

Núi Chúa sở hữu kiểu khí hậu khô nóng đặc trưng của xứ Ninh Thuận. Vì nằm trong vườn quốc gia Núi Chúa, nên du khách phải đi đến Phan Rang, rồi từ Phan Rang tìm về vườn quốc gia Núi Chúa (khoảng 30km) để bắt đầu hành trình trekking.

Quãng đường 22km trekking không hề dễ dàng vì bạn sẽ phải băng qua nhiều dạng địa hình như công viên đá to, những cánh đồng bụi savan, suối Lồ Ô. Thời gian cho cung trek này khoảng 2 ngày 1 đêm, nên bạn có thể đến đây vào thứ 6 và đi trekking đến chủ nhật.

Cảnh vật vô cùng hoang sơ

Cảnh vật vô cùng hoang sơ

Những bụi cỏ xanh mướt

Những bụi cỏ xanh mướt

Một điều mình thích ở cung trekking miền Nam này đó là hệ sinh thái đa dạng của nơi đây, bao gồm nhiều địa điểm khám phá lý tưởng, từ trên rừng xuống dưới biển. Đi rừng, tắm suối, tắm biển chính là liệu pháp chữa lành của thiên nhiên mà mình luôn kiếm tìm. Cuối hành trình, bạn có thể nghỉ lại Vĩnh Hy và tham quan Hang Rái – một địa điểm cũng rất đông du khách.

tắm biển

Đi rừng rồi tắm biển thôi

Tà Giang

Đây là cung trekking miền Nam mình khiến mình nhớ nhất trong các chuyến đi trekking vì mình đã trải nghiệm đi dưới mưa với 30km trong 2 ngày. Tuy nhiên, cảnh sắc ở Tà Giang vượt xa hơn các nơi trước mình đã đi vì nơi đây không phổ biến như Núi Bà Đen hay Chứa Chan nên cảnh vật ít bị tác động bởi con người.

Liệu bạn có biết, Tà Giang nằm ở Khánh Hòa, cách Cam Ranh khoảng 70 km. Đây là nơi ở của nhiều đồng bào dân tộc Raglai. Cách duy nhất để khám phá vẻ đẹp hoang sơ của Tà Giang là đi trekking. Từ Sài Gòn, bạn bắt xe khách giường nằm đến trung tâm huyện Khánh Sơn rồi di chuyển tiếp để tới điểm đi bộ vào chỗ cắm trại Tà Giang. Chuyến trekking của mình hôm đó vẫn rất suôn sẻ cho đến khi trời bắt đầu đổ cơn mưa.

Trời mưa khiến quãng đường di chuyển càng thêm khó khăn, đặc biệt là khi đi giữa dòng suối đá trơn và chảy xiết. Bù lại, cây cỏ phủ lên mình chiếc áo mới mẻ, tươi tốt đầy sức sống. Lúc này, Tà Giang trông rất đẹp.

Trời đã đổ cơn mưa nhưng chúng mình vẫn không chùn bước

Trời đã đổ cơn mưa nhưng chúng mình vẫn không chùn bước

Những phiến đá trơn trượt chính là thử thách của nhóm

Những phiến đá trơn trượt chính là thử thách của nhóm

Cơn mưa làm cho cảnh vật kỳ bí hơn - Trekking miền Nam

Cơn mưa làm cho cảnh vật kỳ bí hơn – Trekking miền Nam

Sau khi lội qua bao nhiêu con suối, băng qua bao tán rừng xanh, và các con dốc cao. Cuối cùng mình cũng tới địa điểm cắm trại nằm ở giữa thung lũng xanh với các sắc thái xanh đan xen vào nhau, được bao bọc xung quanh là những ngọn núi thấp thoáng giữa mây trời huyền ảo. Khung cảnh đẹp tựa một bức vẽ được mẹ Thiên Nhiên tài tình vẽ nên.

mảng xanh của những cánh đồng lau bay lất phất trong gió

Lúc đấy, mình chỉ muốn ùa vào mảng xanh của những cánh đồng lau bay lất phất trong gió

Ăn tối là hoạt động đáng mong chờ nhất vì cả ngày đã đi mệt nhừ nên việc thưởng thức sản vật của núi rừng như cơm lam, gà nướng, thịt nướng…chính là điều hạnh phúc.

Miếng gà cháy vàng ươm thơm nức mũi

Miếng gà cháy vàng ươm thơm nức mũi

Tà Năng – Phan Dũng

Đi trekking mệt là thế nhưng đi rồi lại muốn đi nữa và cung Tà Năng – Phan Dũng đã in dấu giày của mình cũng đến 3 lần. Tà Năng Phan Dũng đã quá nổi tiếng trong giới trekking bao năm và nó cũng được nhiều công ty tour khai thác rất nhiều. Cung này nằm ở địa phận ba tỉnh Lâm Đồng – Ninh Thuận – Bình Thuận với tổng chiều dài gần 60 km. Tùy vào thời gian của bản thân mà bạn sẽ chọn các hướng đi khác nhau. Vì thuê porter riêng nên mấy anh đã dẫn nhóm mình đi một cung khác vắng khách hơn. Quãng đường mình đi gần nhất tổng cộng khoảng 20km.

Cột mốc check-in quen thuộc khi đến Tà Năng - Phan Dũng

Cột mốc check-in quen thuộc khi đến Tà Năng – Phan Dũng

Sức hút của cung trekking miền Nam này chính là những đồi cỏ xanh bạt ngàn, cảnh rừng núi hùng vĩ đẹp mê hồn cùng bầu không khí trong lành của cao nguyên đã làm vơi đi bao sự mệt mỏi của cuộc sống.

Mình thích nhất là cảm giác được thác nước massage, được mấy anh porter dẫn đi bắt ếch đêm, hay ngồi nghe kể chuyện đi rừng của mấy anh.

Những ngày tháng 10 nắng vàng ươm - Trekking miền Nam

Những ngày tháng 10 nắng vàng ươm – Trekking miền Nam

Nào mình cùng tắm thác thôi!

Nào mình cùng tắm thác thôi!

Mỗi lần đi mình cảm nhận được từng dáng vẻ khác nhau của cung này. Năm 2019, Tà Năng – Phan Dũng với mình rất hoang sơ chỉ lác đác vài nhóm trekking đam mê khám phá và rất ít biển chỉ dẫn. Và cho đến lần gần nhất mình đi lại là năm 2023, cả cung đầy dấu chân du khách, và có nhiều biển chỉ đường rõ ràng hơn. Không khí thì vô cùng tấp nập, theo lời anh porter thì có ngày đến cả ngàn người nối chân nhau đi trekking. Hàng quán, dịch vụ từ đó mọc lên như nấm. Mình hy vọng mọi người sẽ khai thác tour thật bền vững để mấy mươi năm nữa chúng ta vẫn còn có thể đi cung trekking miền Nam tuyệt đẹp này.

Biển chỉ dẫn ở Tà Năng - Phan Dũng

Biển chỉ dẫn ở Tà Năng – Phan Dũng

Một số lưu ý khi đi trekking

Bạn có thể tham khảo thêm cách hành trình, kinh nghiệm trekking chi tiết tại đây hoặc các cộng đồng đam mê trekking trên Facebook.
Đây là thông tin liên lạc của anh porter trong các chuyến đi trekking của mình ở các cung Tà Giang, Tà Năng – Phan Dũng: Hery Cill. Anh ấy là người đồng bào, vô cùng chân chất, thật thà và giàu kinh nghiệm đi rừng nên bạn cứ yên tâm cho chuyến trekking của mình.

Đây là một trong những anh porter của nhóm hôm đấy

Đây là một trong những anh porter của nhóm hôm đấy

Những ngọn đồi thoi thỏi nằm nép mình trong các tán rừng xanh rì, những con suối trong trẻo vắt qua những tảng đá cuội tròn nhẵn và bầu không khí trong veo mát mẻ như thanh lọc bao mệt mỏi của chặng đường chinh phục gian nan chính là điều khiến mình thích thú nhất trong mỗi cung trekking. Còn bạn, bạn đã sẵn sàng dấn thân vào bộ môn gây nghiện này chưa?