Tối nay 7-6, phố đi bộ hồ Xuân Hương chính thức đi vào hoạt động.
Bên cạnh việc không đồng tình có các gian hàng mua bán đặc sản, nhiều ý kiến cho rằng Đà Lạt cần thận trọng tổ chức không gian xung quanh để có tuyến phố đi bộ đúng nghĩa, tương xứng với vị trí “vàng”.
Hồ Gươm đã bỏ các ki ốt đặc sản, lưu niệm
Kiến trúc sư Lâm Thanh Tùng (Trường đại học Kiến trúc TP.HCM) cho rằng làm phố đi bộ không khó, nhưng để làm phố đi bộ tương xứng với giá trị của không gian là không dễ. Tỉnh nào cũng có phố đi bộ nhưng cách vận hành và hiệu quả không như mong muốn.
Với hồ Xuân Hương, theo ông, độ khó còn cao hơn bởi đây là danh thắng quốc gia, khác hẳn với hàng trăm, hàng nghìn không gian khác.
“Đà Lạt hoàn toàn có thể xem cách tổ chức phố đi bộ hồ Gươm để thực hiện cho hồ Xuân Hương. Đây đều là những không gian đối ngoại quan trọng ở nội ô của hai địa phương có chức năng thành phố du lịch.
Có thể thấy với phố đi bộ hồ Gươm, không có chuyện mua bán. Đó là không gian thuần văn hóa, nghệ thuật hoặc tối thiểu là đi bộ để thưởng thức thành phố”.
Bà Đào Dung (Hà Nội) cho rằng câu chuyện hồ Gươm có cả cái được và chưa được cho Đà Lạt tham khảo. Bà cho hay tháng 11-2023, Hà Nội đã cho dẹp các gian hàng (ki ốt) giới thiệu đặc sản, hàng lưu niệm sau 6 năm hoạt động.
“Các ki ốt dù đã được quản lý kỹ lưỡng nhưng vẫn không tránh khỏi lộn xộn, nhếch nhác. Quyết định dừng việc mua bán ở hồ Gươm đã được người dân và du khách đồng tình. Việc trả lại không gian thuần dạo bộ kèm các sự kiện văn hóa, âm nhạc đã tăng thêm giá trị cho hồ Gươm mà trước đó đã bị lấy đi”, bà Dung cho hay.
Anh Nguyễn Hồng Anh (phường 3, TP Đà Lạt) cho rằng mục tiêu của phố đi bộ là tăng giá trị cho hồ Xuân Hương về đêm, có thể xem đây là một sản phẩm du lịch của địa phương. Do đó các tính toán của thành phố nên bám sát điều này.
“Ở góc nhìn của một người dân yêu du lịch, tôi mong Đà Lạt nhìn tuyến phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội) để tham khảo. Hồ Gươm với cách tổ chức phố đi bộ kỷ luật, đơn giản đã thu hút được du khách về trung tâm.
Dọc tuyến phố không bày biện mua bán nhưng vẫn hấp dẫn du khách và tạo điều kiện để các cửa hàng ở xung quanh làm chức năng kinh tế hiệu quả”, anh Anh đề nghị.
Làm phố đi bộ coi chừng… kẹt xe
Ở góc độ quy hoạch không gian, PGS.TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên (Trường đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) cảnh báo: “Coi chừng kẹt xe khi làm tuyến phố đi bộ”.
Kiến trúc sư phân tích: Hồ Xuân Hương là một trong ba khu vực cảnh quan đẹp nhất Đà Lạt (hai khu cảnh quan còn lại gồm khu Hòa Bình và trục di sản Đông Tây). Thành phố đang đề xuất xây dựng phố đi bộ ven hồ dài 1,6km.
Tuy nhiên, tuyến phố đi bộ hồ Xuân Hương quá dài nên gây bất tiện so với phố đi bộ hồ Gươm (870m) và Nguyễn Huệ (ở TP.HCM, dài 670m).
Khác với phố đi bộ hồ Gươm và Nguyễn Huệ, hồ Xuân Hương chỉ có một con đường độc đạo vòng quanh hồ, gây khó khăn cho việc đón xe tại các điểm đầu và cuối.
Địa hình quanh hồ bằng phẳng, nhưng tất cả các tuyến đường xung quanh có độ dốc đều đổ xuống đường quanh hồ, khiến việc ngắt một phần đường để phục vụ phố đi bộ có thể làm tình trạng kẹt xe nghiêm trọng hơn, đặc biệt vào cuối tuần.
“Hãy tối giản công năng để tối đa giá trị. Ở góc nhìn của tôi, chỉ cần đảm bảo cho du khách đi bộ thật đúng nghĩa là đã quá nhiều giá trị. Âm nhạc là điều cộng thêm tuyệt vời”, ông Nguyên nói.
Cần dẹp hàng rong ở bờ hồ Xuân Hương
Anh Trần Đồng (quận Tân Phú, TP.HCM) cho rằng: “Cùng với việc lập tuyến phố đi bộ hồ Xuân Hương, Đà Lạt cấm bán hàng rong dọc hồ. Nhìn qua thì bán hàng rong rất hay nhưng tôi thấy quá nhiều vấn đề nảy sinh từ đây”.
Dưới bài viết “Phố đi bộ ở Đà Lạt: Không nên bán buôn trong lòng danh thắng”, bạn đọc Đặng Thành ý kiến: “Quy hoạch đô thị được phân chia rõ về không gian chức năng tĩnh và động. Không gian cảnh quan thiên nhiên là không gian tĩnh, nơi mọi người thả bộ thư thái và thư giãn trầm tư sau những thời gian làm việc căng thẳng.
Không gian mua bán và ăn chơi là không gian động chỉ được bố trí ở những khu được quy hoạch kỹ và đã được đánh giá về tác động môi trường, văn hóa và xã hội.
Nếu làm không khéo sẽ gây tác động xáo trộn về môi trường, về văn hóa xã hội và cuộc sống của người dân”.