Dọc đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM), đập vào mắt người đi đường là những hình vẽ nguệch ngoạc chiếm diện tích lớn trên trụ cầu Ba Son – chiếc cầu mới khánh thành cách đây không lâu, nối quận 1 (TPHCM) và TP Thủ Đức.
Trên cầu thang bộ và các bức tường ở chân cầu, nhiều hình vẽ bằng sơn với đủ kích thước cũng gây mất mỹ quan đô thị.
Cầu Ba Son được thông xe vào cuối tháng 4/2022, sau 7 năm thi công, với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng. Đây là cửa ngõ quan trọng phía đông của TPHCM, nối giữa quận 1 với khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức.
Sau vài tháng đưa vào sử dụng, gầm và thành cầu xuất hiện nhiều hình vẽ. Lực lượng chức năng đã vào cuộc kiểm tra và xóa những hình vẽ này. Sở Giao thông vận tải TPHCM cũng đã lắp camera để giám sát. Song, tình trạng vẽ bậy tại công trình này vẫn tiếp diễn.
Chị Anh Đào (SN 1999, Gò Vấp) cho biết rất thất vọng khi đến cầu Ba Son chơi và nhìn thấy các hình vẽ trên cầu ngày càng nhiều, bởi nó thể hiện ý thức kém của một số người.
“Xe buýt 2 tầng chở du khách nước ngoài thường đi tham quan trên đường Tôn Đức Thắng, dưới chân cầu Ba Son. Nếu khách nước ngoài nhìn thấy những hình vẽ bậy trên cây cầu được cho là biểu tượng của thành phố sẽ làm mất đi hình ảnh đẹp của chúng ta trong mắt họ”, chị Đào bày tỏ.
Tuy nhiên, cầu Ba Son không phải nơi duy nhất bị vẽ bậy. Hiện nay, nhiều công trình mang tính biểu tượng của TPHCM cũng bất đắc dĩ trở thành nơi… “sáng tác nghệ thuật” của một bộ phận thiếu ý thức.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, cách cầu Ba Son không xa, cầu Khánh Hội (quận 1, TPHCM) cũng bị vẽ bậy với chi chít hình vẽ lớn nhỏ ở cả thân cầu lẫn trụ cầu.
Cầu Mống (quận 1, TPHCM) – địa điểm chụp ảnh “sống ảo” quen thuộc của giới trẻ – cũng không thoát khỏi tình trạng trên. Từ chân cầu, thành cầu đến các bức tường trên cầu đều bị phủ kín bởi các hình vẽ kì dị.
Không chỉ có các hình vẽ to bằng sơn, các trụ của cầu Mống còn có các hình vẽ nhỏ bằng bút bi, bút chì, bút lông…
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một số người dân ở những khu vực này cho biết các công trình trên thường xuyên bị vẽ bậy, dù cơ quan chức năng cũng nhiều lần tẩy xóa.
“Ban ngày, cầu Mống có người bảo vệ nên các hình vẽ này có thể được vẽ vào buổi tối, rất khó kiểm soát”, một người dân chia sẻ.