Nhà thờ – Chợ nổi Cái Bè Tiền Giang

30

Nhắc đến miền Tây Nam Bộ là nhắc đến một vùng sông nước trù phú. Gắn liền với sông nước là những chợ nổi lớn nhở ở khắp các nhánh sông và những làng mạc nơi dân cư tụ họp đông đúc. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, khởi phát từ những giáo dân di chuyển đến địa phận thị trấn Cái Bè năm 1828, giáo xứ Cái Bè được thuộc giáo phận Mỹ Tho chính thức thành lập vào cuối năm 1869 với khoảng 350 giáo dân. Nhà thờ Cái Bè được xây dựng năm 1929 đến 1932 bởi bà con giáo dân và linh mục Adolphe Keller người Đức hay còn gọi là cha Lê, người phục vụ giáo xứ từ năm 1913 đến năm 1946.

Nhà Thờ Cái Bè

Ở giữa một vùng sông nước, nhà thờ Cái Bè có địa thế được coi là đẹp nhất trong cả nước với mặt tiền hướng ra ngã ba sông. Trước mặt nhà thờ là chợ nổi Cái Bè nổi tiếng với thuyền bè tấp nập và dòng sông Tiền êm đềm chảy qua. Đây cũng là khu vực dân cư đông đúc, đi đường bộ hay đường thủy đều thuận tiện.

Cái Bè Tiền Giang

Nhà thờ Cái Bè nằm ở khu vực dân cư đông đúc nhộn nhịp.

Cái Bè Tiền Giang

Nhà thờ Cái Bè có một địa thế đẹp nhìn ra ngã ba sông

Nhà thờ có tháp chuông cao 52 mét, đỉnh tháp chuông có tượng đức mẹ cao hơn 2m trên nền trời xanh cao vút. Phía dưới đỉnh tháp được trang trí bằng nhiều tháp nhỏ. Bên trong tháp có một bộ chuông rất lớn gồm 5 quả với nhiều kích thước khác nhau. Mỗi quả chuông đều có các họa tiết tinh xảo với hoa văn rất đẹp với tổng trọng lượng khoảng 4.500kg và đều được đúc năm 1931 bởi hãng Paccard của Pháp. Hãng Paccard thiết kế quả lắc chuông và thanh treo chuông có kỹ thuật tiên tiến nhất và tốt nhất trong các hãng của Pháp đã từng đúc các bộ chuông tại Việt Nam. Qua cả trăm năm sử dụng âm thanh của bộ chuông gần như không thay đổi. Ngàm gắn quả lắc và quả lắc bị hao mòn không đáng kể do được thiết kế bởi kỹ thuật quả lắc cân bằng rất nổi tiếng. Trong 5 quả chuông thì quả lớn nhất có đường kính 1,35m. Bộ chuông tại các nhà thờ Hạnh Thông Tây và Huyện Sĩ tại Sài Gòn, nhà thờ Vĩnh Long và Cần Thơ cũng do hãng này đúc.

Cái Bè Tiền Giang

Tháp chuông nhà thờ Cái Bè cao 52 mét

Tại nhà thờ Cái Bè, dưới chân tháp còn có một hầm chứa nước nhằm tăng độ khuếch đại của tiếng chuông lên gấp 2 lần so với các bộ chuông khác. Với kết cấu dàn chuông tách biệt với kết cấu tháp nên độ rung khi chuông chuyển động gây ra không ảnh hưởng tới kết cấu của tháp chuông. Trên một vùng sông nước rộng lớn, tồn tại qua hơn 100 năm, khi 5 quả chuông cùng ngân lên tiếng chuông vang xa vài cây số mang lại một cảm giác an lành, gieo vào lòng người sự hân hoan, thánh thiện.

Cái Bè Tiền Giang

Toàn cảnh nhà thờ Cái Bè nổi lên giữa một vùng sông nước.

Nhà thờ xây bằng bê tông cốt thép đúc đá sạn với mặt bằng hình thánh giá. Chiều dài là 55m, rộng 16m với một lòng chính hai lòng phụ. Chiều cao mái chính là 14m, cánh thánh giá rộng 26m rất cân đối với phần thân. Nhìn từ trên cao xuống dễ thấy nổi bật giữa một vùng cây trái xanh rờn là mái ngói đỏ sẫm của nhà thờ như một dấu chữ thập in đậm.

Cái Bè Tiền Giang

Nhìn từ trên cao, mái ngói đỏ sẫm của nhà thờ nổi bật.

Mặt ngoài nhà thờ được trang trí cầu kỳ với nhiều chi tiết đắp nổi rất ấn tượng. Các cửa là những ô cửa vòm mang đậm dấu ấn của kiến trúc Roman của Châu âu. Diềm mái và hoa văn của mái che trên các cửa chính cửa phụ được tạo tác chau chuốt tỉ mỉ và công phu mang tính thẩm mĩ rất cao. Điển hình, ngay mặt trước của nhà thờ là hai cửa phụ có hoa văn đắp nổi hình giàn nho với chùm nho và lá nho lạ mắt hiếm thấy ở các nơi khác.

Cái Bè Tiền Giang

Những chi tiết trang trí cầu kỳ đẹp mắt ở các vị trí bên ngài nhà thờ.

Cái Bè Tiền Giang

Những hoa văn trang trí đơn giản mà tinh tế, mang phong cách cổ điển.

Nhà thờ được lắp đặt nhiều cửa sổ, các mái vòm cao và chia múi với những hoa văn trang trí đơn giản mà tinh tế. Các ô cửa cùng với bức tranh kính màu nổi bật đã đưa ánh sáng tự nhiên vào bên trong cung thánh khiến toàn bộ không gian chính của nhà thờ luôn lộng lẫy rực rỡ nhưng không kém phần trang nghiêm. Tại đây có trang trí những bức tranh khắc họa các chặng đường của chúa Jesus phải trải qua trước khi phục sinh tạo nên vẻ đẹp khác biệt của nhà thờ Cái Bè.

Cái Bè Tiền Giang

Bên trong nhà thờ là một không gian lộng lẫy và trang nghiêm.

Cái Bè Tiền Giang

Những bức tranh và lối trang trí khác biệt tạo nên vẻ đẹp riêng đặc trưng của nhà thờ Cái Bè

Cái Bè Tiền Giang

Các ô cửa cùng với bức tranh kính màu nổi bật khiến cho không gian chính của nhà thờ luôn rực rỡ

Theo thời gian và nhu cầu sinh hoạt, trong khuôn viên nhà thờ đã xây dựng thêm các công trình như Nhà Xứ, Nhà Nhiệm sở quý dì, Núi đức mẹ Lộ Đức, đồi Golgota, quảng trường thánh Giuse, Hội trường Thánh Gia….Nhà thờ đứng đó giống như một sự che chở cho mọi sinh hoạt của cư dân trong vùng cũng như các hoạt động thương mại được suôn sẻ bình an mưa thuận gió hòa.

Chợ Nổi Cái Bè

Chợ nổi Cái Bè nằm ngay phía trước nhà thờ Cái Bè với các hoạt động thường nhật luôn rộn rã. Cái Bè là một chợ nổi rất nổi tiếng ở miền tây Nam Bô, nơi giao thương buôn bán mang sắc thái rất riêng của đồng bằng Sông Cửu Long.

Cái Bè Tiền Giang

Chợ nổi Cái Bè nằm ở đoạn sông Tiền giáp gianh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre.

Tại chợ nổi người ta bày bán đa dạng các mặt hàng như gia cầm, thủy sản, đồ ăn thức uống và đặc biệt là vựa trái cây lớn của vùng trái cây chuyên canh như Tiền Giang. Điểm đặc biệt của chợ nổi khác với các chợ thông thường chính là hoạt động mua bán diễn ra suốt ngày đêm nhưng đông nhất là từ nửa đêm về sáng trên các ghe, thuyền chở hàng hóa từ nhiều nơi tập trung về. Ghe thuyền các tỉnh khác về mua hàng, ghe nhỏ của các nhà vườn ở địa phương mang trái cây ra bán.

Cái Bè Tiền Giang

Những chiếc thuyền chở đầy trái cây tập kết về chợ nổi Cái Bè.

Hàng hóa từ ghe thuyền được mang lên chợ trên bờ sâu trong đất liền để bán. Có tới hàng trăm lượt ghe thuyền với vài trăm tấn hàng hóa thông thương qua lại tại chợ. Chợ được hình thành từ những năm 80 của thể kỷ 17 do sự tập trung về đây buôn bán của dân cư nhiều nơi. Tới thời nhà Nguyễn thì đây đã là nơi buôn bán sầm uất. Trong bối cảnh giao thông trên bộ lúc đó chưa phát triển tất cả hàng hóa đều được chở trên các thuyền bè để di chuyển trên sông, từ đó chở nông sản đến chợ để giao thương. Chợ nổi Cái Bè phát triển cực thịnh ở giai đoạn cuối thể kỷ 20 trở thành một trong số những chợ đầu mối lớn nhất miền Tây.

Cái Bè Tiền Giang

Ghe thuyền bày bán hàng hóa tại chợ nổi Cái Bè.

Cái Bè Tiền Giang

Quang cảnh chợ nổi Cái Bè ngày thường.

Đến hiện tại, chợ nổi đã bớt nhộn nhịp do sự phát triển của giao thông trên bộ. Tuy nhiên vào các ngày lễ tết và đặc biệt là Tết Nguyên Đán người dân lại đổ về chợ nổi mua hoa và sắm Tết. Đây chính là thời điểm chợ hoạt động nhộn nhịp nhất, thu hút rất đông đảo người dân và khách du lịch.

Đến với Tiền Giang, du khách sẽ rất dễ dàng để được chiêm ngắm nhà thờ Cái Bè, công trình kiến trúc đặc biệt, đồng thời tham gia vào những hoạt động mua bán sôi nổi cùa chợ nổi Cài Bè để có được những trải nghiệm phong phú về một miền quê sông nước hữu tình.